Thiếu thợ xây dựng cuối năm

.

Thường thì khoảng từ tháng 6 đến cuối năm, thị trường lao động lĩnh vực xây dựng rất sôi động, tuy nhiên, thời gian gần đây khá trầm lắng do nhiều chủ thầu xây dựng không có thợ để làm.

Thợ xây dựng đối diện với nguy cơ tai nạn lao động khá cao là lý do khiến nhiều thợ quyết định chuyển nghề.
Thợ xây dựng đối diện với nguy cơ tai nạn lao động khá cao là lý do khiến nhiều thợ quyết định chuyển nghề.

Cơ sở mộc Khải Hoàn (lô 2 và 3D, đường Phạm Văn Đồng) có thâm niên trên 40 năm và đã có tên tuổi trên địa bàn hai quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, thời gian gần đây, nhất là từ giữa năm nay cũng buộc phải từ chối nhận hợp đồng mới vì… không có thợ. Chủ cơ sở này giải thích: “Trước đây, lúc cao điểm chúng tôi có gần 20 thợ, vừa đóng bàn ghế tại nhà để bán, vừa nhận thi công phần mộc cho khách hàng, những lúc cao điểm cần thêm thợ thì chỉ cần viết bảng thông báo tuyển dụng thì ngay lập tức có người đến xin việc làm. Tuy nhiên, giờ đây thợ lần lượt nghỉ hoặc nhảy việc, đòi trả tiền công theo ngày nên rất khó chủ động công việc”.

Chung hoàn cảnh, cơ sở mộc của ông N.Đ.T. trên đường Hà Thị Thân có thâm niên trên 20 chục năm, nay cũng gặp khó khăn vì thiếu thợ. Trước đây, khi khu vực này chưa giải tỏa, cơ sở mộc của ông N.Đ.T. rộng trên 200m2, với trên 10 thợ mộc làm việc. Sau giải tỏa, cơ sở này chỉ còn vài chục m2 và thợ cũng rút xuống còn 4-5 người, chủ yếu là để thi công phần hoàn thiện cho các ngôi nhà có phần mộc. Gần một năm nay, cơ sở này chỉ còn duy nhất ông N.Đ.T. “tự biên, tự diễn”, nên hiện cơ sở chủ yếu nhận đóng bàn ghế nhỏ lẻ cho các gia đình.

Ông T. cho biết, có thời gian nghề mộc này “chết” do khách hàng ưa hàng lắp ráp nhập từ nước ngoài. Nhưng gần đây, khách hàng có xu hướng quay lại sử dụng gỗ tự nhiên, vì vậy, đơn đặt hàng tăng, nhưng ông buộc phải từ chối gần hết vì không có thợ.

Không chỉ thợ mộc, theo chia sẻ nhiều chủ thầu xây dựng, hiện vấn đề khiến họ đau đầu nhất là thiếu quay quắt thợ hồ, cả thợ chính lẫn thợ phụ. Thực tế này lý giải cho việc rất nhiều công trình xây dựng trên địa bàn thi công kéo dài, có nơi cả một tòa nhà 3-4 tầng, nhưng chỉ có 1 thợ chính  và 1 phụ làm việc cầm chừng…

Ông Trần Công Minh, một chủ thầu xây dựng giàu kinh nghiệm cho biết, trước đây có nhiều thời điểm, cùng lúc ông nhận thi công  trên 15 ngôi nhà, bởi nguồn thợ muốn bao nhiêu có bấy nhiêu, nhưng bây giờ thì chịu. Theo ông Minh, thực ra vấn đề thiếu thợ đã xuất hiện 5-7 năm trước, tuy nhiên nhờ có nguồn thợ bổ sung từ các tỉnh như Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hóa... khá dồi dào nên không lo thiếu. Còn hiện nay, ngay cả nguồn thợ này cũng rất khan hiếm, nếu có, họ cũng yêu cầu mức lương cao hơn. Chừng 2 năm trước, tiền công thợ chính là 300.000 đồng, thợ phụ 250.000 đồng/ngày, nhưng hiện nay công chính đã tăng mạnh từ 450 đến 500.000 đồng/ngày và thợ phụ cũng từ 300.000 đến 350.000 đồng/ngày. Với tiền công như vậy mình nhận nếu không quản lý tốt, rất dễ lỗ.

Theo lý giải của những chủ thầu xây dựng cho hiện tượng thiếu thợ là do hiện nay, các công trình xây dựng lớn thu hút cả hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn lao động. Hơn nữa, hiện ngày càng có thêm nhiều ngành nghề mới để cho người lao động chọn lựa, nên họ chọn nhảy việc để tăng thu nhập và tránh rủi ro quá lớn từ ngành xây dựng. Anh Lê Quốc Bình, trú xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết, 3 năm trước, anh từ quê vào Đà Nẵng làm thợ hồ, thu nhập cũng khá ổn, nên anh quyết định đưa vợ con vào thuê nhà ở. Chồng làm thợ chính, vợ phụ, mỗi ngày cũng kiếm được 500.000 đồng - tương đương 1 tuần làm việc ở quê.

Nhưng sau thấy công việc vất vả lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nên hai vợ chồng quyết định chuyển nghề. Bây giờ, anh chạy xe ôm công nghệ, vợ thì bán hàng qua mạng, thu nhập cao hơn, lại giảm bớt bệnh tật. Anh Lê Cần, trú tổ 5 phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) cũng cho biết sức khỏe là lý do anh bỏ ngang việc đánh bóng và phun sơn PU cho các sản phẩm mộc trang trí để chuyển sang nghề chăm sóc cây xanh cho một khu nghỉ dưỡng. Anh Cần phân tích: “Nghề này tôi đã theo trên chục năm, nhưng là làm tư nhân không có bảo hiểm nên sợ làm đến khi già yếu, đau ốm cũng không biết dựa vào ai. Bây giờ chuyển qua đây lương thấp hơn, nhưng ổn định hơn vì được mua BHYT, BHXH”.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, câu chuyện thiếu thợ trên phản ánh khá chính xác bức tranh cung và cầu trên thị trường lao động hiện nay. Người lao động có nhiều lựa chọn và có quyền lựa chọn nghề có thu nhập tốt hơn, bảo đảm sức khỏe và nhiều quyền lợi chính đáng khác.

Đây là lúc các chủ thầu xây dựng nhỏ cần thay đổi cách quản lý theo hướng bảo đảm quyền lợi sức khỏe, đời sống lâu dài cho người lao động. Bởi, đó cũng chính là cách tốt nhất để bảo đảm quyền lợi, công việc lâu dài của chính họ.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
;
.
.
.
.
.