Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Đà Nẵng

.

Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước quan tâm đến việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương như một cách để góp phần bảo hộ và quảng bá sâu rộng các thương hiệu đặc trưng của mình. Riêng tại Đà Nẵng, dù đã có những sản phẩm đặc thù nhưng đến nay chưa có sản phẩm nào được xây dựng chỉ dẫn địa lý.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc thù của địa phương được xem là giải pháp quảng bá, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể khá hiệu quả. (Ảnh chụp tại Công ty TNHH Mắm Hồng Hương, quận Liên Chiểu).
Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc thù của địa phương được xem là giải pháp quảng bá, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể khá hiệu quả. (Ảnh chụp tại Công ty TNHH Mắm Hồng Hương, quận Liên Chiểu).

Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý sẽ tạo ra những tác động tích cực và rõ ràng đến nhận thức, sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực của các địa phương cũng như nhận thức của doanh nghiệp, người dân, đến danh tiếng, giá trị của các sản phẩm được bảo hộ. Vốn có truyền thống sản xuất sản phẩm nước mắm Nam Ô, ông Bùi Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Mắm Hồng Hương cho rằng, đối với các sản phẩm truyền thống, mang tính tập thể và đậm nét đặc trưng địa phương như nước mắm Nam Ô, thì việc xây dựng chỉ dẫn địa lý sẽ góp phần quan trọng quảng bá sâu rộng sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống trong tương lai.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý không chỉ “làm lợi” cho sản phẩm của địa phương mà còn phù hợp với xu thế kinh doanh sản phẩm sạch, mang đậm dấu ấn vùng miền đang thịnh hành. Bà Phạm Thị Xuân Ly, chủ siêu thị sạch Vita Mart (đường Trần Quốc Toản, quận Hải Châu) cho biết, hiện nay các sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý rất “hút” khách, nhất là khi người dân ngày càng ưa chuộng sử dụng các sản phẩm mang thương hiệu truyền thống trong nước.

“Đối với các siêu thị kinh doanh sản phẩm sạch, an toàn như Vita Mart, chúng tôi luôn ưu tiên dùng các sản phẩm địa phương có xây dựng chỉ dẫn địa lý vì yên tâm về chất lượng, nguồn hàng ổn định cũng như việc tìm kiếm dễ dàng khi chỉ cần lên mạng là có thể nắm được mọi thông tin cần biết”, bà Ly chia sẻ.

Tính đến nay, trên cả nước đã bảo hộ hàng chục “chỉ dẫn địa lý” với nhiều loại sản phẩm như: trái cây, thủy sản, gạo, nước mắm, mắm tôm, nón lá Huế, cói Nga Sơn… Tuy nhiên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa có sản phẩm nào được xây dựng chỉ dẫn địa lý.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng cho biết, quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý khá phức tạp, trong đó phải có những sản phẩm mang tính đại diện đặc trưng, đặc sắc cho địa phương; bảo đảm quy mô và khả năng cung ứng ổn định, lâu dài.

Để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm và phát huy được hiệu quả, cần có sự tham gia chủ động của các cơ quan quản lý địa phương, doanh nghiệp, người dân trong khu vực địa lý, sự hiểu biết về chỉ dẫn địa lý và các vấn đề có liên quan cũng như các quy định trong quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý của các chủ thể tham gia.

Trong khi đó, theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, vào tháng 8-2018, các bộ: Công thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết “Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý”. Nhiều chính sách, chương trình, giải pháp hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý đã được xây dựng và đưa vào triển khai trên thực tế như chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ”, các chương trình phát triển thương hiệu của Chính phủ và các chương trình hỗ trợ phát triển đặc sản địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Riêng tại Đà Nẵng, theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, toàn thành phố có 251 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ (trong đó có 244 nhãn hiệu, 2 sáng chế, 5 kiểu dáng công nghiệp). Trong năm 2019, sở phối hợp các ngành chức năng, địa phương hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 5 tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Hòa Vang, đăng ký bảo hộ 2 nhãn hiệu chứng nhận và 5 nhãn hiệu tập thể.

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu liên quan tên địa danh cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương sẽ giúp việc quản lý và phát triển các sản phẩm truyền thống, đặc thù của các địa phương thuận lợi và hiệu quả hơn, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội và góp phần tích cực trong việc gìn giữ và phát triển các nghề, các sản phẩm truyền thống của thành phố.

“Mặc dù các văn bản pháp quy ở Việt Nam đã quy định khá đầy đủ nhưng để có chỉ dẫn địa lý rất khó khăn, cam go và mất thời gian. Cần một quá trình lâu dài nghiên cứu, xây dựng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương” bà Hậu cho hay.

Đà Nẵng với một số sản phẩm truyền thống, mang đậm bản sắc địa phương cũng như có tiềm năng phát triển kinh tế cao như nước mắm Nam Ô, bánh khô mè bà Liễu... là những mặt hàng tiềm năng để các ngành chức năng nghiên cứu việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của địa phương; qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, quảng bá sâu rộng hơn về sản phẩm của địa phương. Đồng thời, do việc xây dựng chỉ dẫn địa lý không đơn giản nên tránh đầu tư tràn lan, thay vào đó chỉ cần đầu tư một vài sản phẩm đặc sắc, có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.