Với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, không chỉ có lợi thế về sông, biển, cơ sở hạ tầng, tiện ích…, khu vực phía tây bắc thành phố còn rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng. Nếu sớm được “đánh thức”, khu vực này hứa hẹn sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo của ngành du lịch thành phố.
Bài 1: Chưa khai thác hết tiềm năng
Với lợi thế sông, núi, tuyến tây bắc thành phố có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. TRONG ẢNH: Các đơn vị lữ hành, các chuyên gia đã có những chuyến đi khảo sát tiềm năng phát triển du lịch tại khu vực xã Hòa Bắc. Ảnh: THU HÀ |
Lâu nay, nhắc tới Đà Nẵng du khách chủ yếu biết đến các sản phẩm du lịch liên quan đến biển ở phía đông và các hoạt động tại khu vực trung tâm thành phố. Trong khi đó, tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, đặc biệt ở phía tây bắc thành phố vẫn đang bị bỏ ngỏ, chưa được đầu tư và khai thác hiệu quả.
Trong định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2030, Sở Du lịch đã chỉ rõ định hướng không gian phát triển du lịch và sản phẩm du lịch; trong đó, xác định không gian phát triển du lịch theo hướng “tựa núi, hướng biển”, lấy Sơn Trà, Bà Nà, Hải Vân và Ngũ Hành Sơn làm trung tâm tạo vùng, bao bọc cho phần lõi là trung tâm thành phố; phát triển bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân và phía tây thành phố theo hướng du lịch sinh thái; phát triển du lịch biển với trọng tâm là vịnh Đà Nẵng để hình thành trung tâm du lịch biển sôi động, đặc sắc, phát huy lợi thế tài nguyên du lịch biển; lấy sông Cu Đê ở phía bắc và sông Túy Loan ở phía nam làm ranh giới để phát triển du lịch sinh thái rừng núi, sông hồ, gắn với cộng đồng dân cư.
Cụ thể, với sản phẩm du lịch sinh thái, thành phố đầu tư phát triển theo hướng bền vững, dịch vụ du lịch phù hợp với cảnh quan và môi trường sinh thái, đem lại trải nghiệm phong phú cho du khách. Theo đó, trong định hướng cũng ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng làng dân tộc Cơ tu tại 2 thôn Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc), làng dân tộc Cơ tu (xã Hòa Phú), làng cổ Phong Nam (xã Hòa Châu), làng Thái Lai (xã Hòa Nhơn), làng Túy Loan (xã Hòa Phong), làng nước mắm Nam Ô (quận Liên Chiểu)… với các dịch vụ homestay, tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tiễn cho du khách kết hợp tham quan, tìm hiểu văn hóa địa phương, đầu tư hình thành dịch vụ farmstay tại khu vực phía tây thành phố.
Những người làm du lịch lâu năm nhận định, tuyến du lịch phía tây bắc thành phố (gồm cả quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang) có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Ngoài thế mạnh của các khu du lịch lớn do các tập đoàn, công ty đầu tư như: khu du lịch Bà Nà Hills, công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, khu du lịch Suối Hoa, khu du lịch Hòa Phú Thành…, tuyến tây bắc thành phố được xem là có vị trí “đắc địa” nhờ có sông, núi, được thiên nhiên ưu đãi với cảnh đẹp sơn thủy hữu tình.
Khu vực này còn sở hữu bãi biển đẹp (dọc đường Nguyễn Tất Thành) và vịnh Nam Ô mang dấu ấn văn hóa-lịch sử, có làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô (là một trong số những làng nghề truyền thống ít ỏi trên cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Nơi đây không chỉ có làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô mà còn có các di tích lịch sử, địa danh có thể hình thành sản phẩm du lịch địa phương.
Với lợi thế sông, núi, tuyến tây bắc thành phố có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Trong ảnh: Một góc Yên Retreat với thiên nhiên xanh mát. Ảnh: Bùi Đức Vũ |
Tháng 1-2018, UBND thành phố đã phê duyệt đề án Quản lý và khai thác du lịch tại các bãi biển thuộc tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018-2020, tổng kinh phí hơn 46 tỷ đồng để đầu tư và khai thác du lịch tại các bãi biển thuộc tuyến đường Nguyễn Tất Thành với mong muốn “đánh thức” cung đường biển đẹp của Đà Nẵng.
Mới đây, ngành du lịch thành phố đã họp lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan để nghiên cứu thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô; qua đó, tận dụng những tiềm năng sẵn có của địa phương như làng nghề truyền thống, thiên nhiên, di tích lịch sử… để hình thành sản phẩm du lịch.
Theo ông Tán Văn Vương, Trưởng phòng Quy hoạch và phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch thành phố, tại đây sẽ có 8 sản phẩm đặc trưng gồm: trải nghiệm bình minh, hoàng hôn ở vịnh Nam Ô trên thuyền thúng, tắm biển ở bãi tắm Nam Ô, tham quan tìm hiểu câu chuyện về các di tích, tham quan làng nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực địa phương, chụp ảnh tại ghềnh Nam Ô, lưu trú homestay, tham quan làng bích họa, tham quan bảo tàng ốc và trải nghiệm các hoạt động văn hóa…
Còn ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang phân tích, huyện Hòa Vang có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái gồm cảnh quan thiên nhiên với địa hình đa dạng là đồng bằng, trung du và rừng núi.
Hiện cảnh quan thiên nhiên ở đây đẹp và chưa bị tác động nhiều bởi các hoạt động thương mại hay công nghiệp. Đi kèm với đó là tài nguyên văn hóa đặc trưng với nhiều lễ hội làng nghề, có cộng đồng dân tộc thiểu số người Cơ tu sinh sống tại 2 xã Hòa Phú và Hòa Bắc với truyền thống đặc sắc; mạng lưới giao thông của Hòa Vang khá tiện lợi…
Qua ý kiến của những người làm du lịch, từ làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô kết nối men theo sông Cu Đê lên Hòa Bắc rồi vòng về Túy Loan sẽ tạo thành một tuyến du lịch hoàn toàn mới của Đà Nẵng.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng cũng bày tỏ, tuyến tây bắc thành phố có tiềm năng rất to lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Cùng với Hải Vân, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, tuyến tây bắc sẽ tạo thành 4 cực để phát triển du lịch Đà Nẵng trong tương lai.
Ưu điểm của khu vực này là sự đa dạng của địa hình sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch sinh thái đặc sắc, tuy nhiên, hệ thống cơ sở dịch vụ và hạ tầng ở đây phát triển chưa đồng đều, chưa thực sự tạo thành một cực phát triển du lịch của thành phố.
Trước nhu cầu của người dân địa phương và du khách gần xa, một số đơn vị, cá nhân đã bước đầu triển khai những mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái đầu tiên để phục vụ khách du lịch khi đến với khu vực phía tây bắc thành phố. Điển hình như mô hình du lịch Yên Retreat (thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) của anh Bùi Đức Vũ được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2018 và đã trở thành điểm “hot” thu hút du khách, đặc biệt là những người ưa thích loại hình du lịch trải nghiệm, gần gũi với thiên nhiên.
Tại Yên Retreat không có cơ sở hạ tầng tiện ích hiện đại, chỉ có lều trại và thiên nhiên, cây cối. Tới đây, ngoài cắm trại, du khách thực sự hòa mình vào với thiên nhiên, sông nước, cỏ cây bằng các hoạt động như: thả diều, câu cá, vui chơi…
Đầu tháng 10-2019, mô hình lưu trú (homestay) du lịch cộng đồng tại thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) của gia đình anh Đinh Văn Như chính thức được đưa vào hoạt động. Mô hình này đã bổ sung thêm một sản phẩm dành cho du khách.
Tới đây, nếu ngủ lại khách sẽ được trải nghiệm ngủ nhà sàn, tham gia các hoạt động cùng người dân địa phương như: nấu nướng, thưởng thức các món ăn địa phương, lội suối, câu cá… Tuy nhiên, dù được sự ủng hộ của thành phố, chính quyền địa phương nhưng từ khi đưa vào hoạt động đến nay, homestay của anh Như khá ít khách, chủ yếu là khách đi về trong ngày.
Theo PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, lâu nay Đà Nẵng mới chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với biển. Đà Nẵng còn rất nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, cộng đồng, nếu có được sản phẩm tốt thì tự khắc các đơn vị lữ hành họ sẽ kết nối. Bởi với sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái này, thị trường sẽ tự quyết định, tức là theo quy luật cung - cầu. Nếu “cung” tốt thì sẽ khớp nối với “cầu”. Khách du lịch không chỉ có tắm biển, ngắm cảnh quan… mà còn muốn tìm hiểu trải nghiệm văn hóa địa phương, cuộc sống cộng đồng. Chính du lịch cộng đồng, sinh thái sẽ đáp ứng được cái nhu cầu của khách, giúp khách có trải nghiệm đầy đủ nhất về cuộc sống, văn hóa của người dân địa phương. |
THU HÀ