Trước tình hình thị trường hàng hóa cuối năm tiềm ẩn nhiều rủi ro từ vấn nạn hàng nhái, hàng giả, các sở, ngành, cơ quan chức năng của thành phố đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giữ ổn định thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm…
Cuối năm, các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm giữ bình ổn, an toàn cho người tiêu dùng. (Ảnh chụp tại chợ Hàn) |
Với hơn 2.000 hộ kinh doanh cố định và hàng rong, chợ Cồn là điểm tập trung nguồn hàng lớn trên địa bàn thành phố, phục vụ cho việc mua bán sỉ, lẻ phân phối ra nhiều địa phương lân cận cũng như một số chợ trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị L. (chủ quầy hàng đồ khô tại chợ Cồn) cho biết, bắt đầu từ tháng 12, bà đã nhập hàng Tết với số lượng tăng gấp 4-5 lần so với ngày thường trong năm. Hàng hóa chủ yếu có nguồn gốc từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số địa phương phía Nam, tất cả đều ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng và niêm yết giá.
Theo Ban Quản lý chợ Cồn, trung bình thời điểm trước Tết khoảng 1 tháng, số lượng khách đến tham quan, mua sắm tại chợ tăng lên gấp 7-8 lần ngày thường, thậm chí 1 tuần trước Tết tăng gấp 10 lần. “Chúng tôi phải tăng cường lực lượng theo dõi, kiểm tra và tuyên truyền nhằm phát hiện kịp thời, báo cáo lên các ngành chức năng khi phát hiện ra những hành vi mua bán hàng kém chất lượng, hàng giả.
Trường hợp vi phạm nặng sẽ bị đình chỉ hoạt động, thu hồi quầy hàng, nhẹ thì phạt hành chính, cảnh cáo để không tái phạm. Các mặt hàng được theo dõi nhiều là rượu, hạt nêm các loại”, ông Đoàn Quốc Hùng, Phó ban Quản lý chợ Cồn thông tin.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban Quản lý chợ Hàn cho hay, đơn vị tập trung tuyên truyền tiểu thương nâng cao ý thức trong việc bán hàng phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, nói không với các hành vi buôn gian bán lận và không chặt chém.
Hiện chợ có gần 700 hộ kinh doanh, trong đó có khoảng hơn 200 hộ kinh doanh các ngành hàng ăn uống, thực phẩm tươi sống, hàng đã qua sơ chế như: hải sản khô, mắm ruốc, chả bò, heo… các loại. Là chợ đạt chuẩn văn minh thương mại nên các sản phẩm bán ra đều phải đáp ứng yêu cầu ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, tên cửa hàng, hộ kinh doanh. Một số sản phẩm như nem, chả… đã được triển khai thí điểm dán tem QR code nhằm giúp người dân, du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin về sản phẩm.
Năm nay, trong kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020 do Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phê duyệt, đơn vị sẽ kiểm tra tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Tại thành phố Đà Nẵng, các điểm sẽ được tiến hành kiểm tra gồm: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Hòa Khánh, các tuyến phố Lê Duẩn, Hùng Vương, Ông Ích Khiêm, một số cửa hàng thời trang và chợ đêm...
Các mặt hàng nằm trong diện kiểm tra, xử lý là: thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi ví và các loại mặt hàng khác có xuất hiện tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhằm thực hiện công tác đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hành vi mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn thành phố, nhất là các điểm “nóng” nói trên, các ngành chức năng thành phố đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc chấp hành.
Theo đó, Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu 4 chợ trực thuộc gồm: chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa và chợ Đầu mối Hòa Cường tuyên truyền rộng rãi đến các tiểu thương về chủ trương của Tổng cục QLTT cũng như đơn vị quản lý nhằm thực hiện nghiêm túc, có tinh thần phối hợp cũng như nâng cao ý thức trong thực hiện văn minh thương mại. Theo Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng, thời điểm này đang hoàn thiện kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm.
Cận Tết, các mặt hàng nem, chả, mứt, trái cây sấy khô, hải sản sấy khô… được tăng cường kiểm soát nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm. (ảnh chụp tại chợ Cồn) |
Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, từ ngày 15-12-2019 đến 15-2-2020, đơn vị triển khai đợt cao điểm kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa lễ hội Xuân năm 2020; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm, thực phẩm nhập khẩu, cơ sở sản xuất, kinh doanh cung cấp thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.
Trong đó, tuyến các quận trung tâm thành phố thành lập 3 đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra 190 cơ sở thực phẩm; tập trung vào các mặt hàng phục vụ lễ, Tết như: kinh doanh thực phẩm tươi sống, sản xuất bò khô, mực khô, cơ sở sản xuất bánh, kẹo, mứt, rượu, bia các loại... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ tiệc chiêu đãi cuối năm.
Tuyến quận, huyện, xã, phường theo hướng dẫn của thành phố tiến hành thành lập các đoàn liên ngành, kiểm tra các cơ sở trên địa bàn theo phân cấp quản lý. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng triển khai các tờ rơi nhằm hướng dẫn người tiêu dùng cách chọn, mua thực phẩm an toàn; hướng dẫn đọc nhãn mác sản phẩm thực phẩm; cách chế biến thực phẩm an toàn; giới thiệu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tuyên truyền không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh, không bảo đảm an toàn, kịp thời khai báo tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm… Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng thực phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc hỏng mốc”, ông Nguyễn Tấn Hải cho hay.
Để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giữ bình ổn thị trường dịp cao điểm cuối năm, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các lực lượng có liên quan phối hợp cùng lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường ở nhiều nội dung như: giấy chứng nhận đăng ký và điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh và hàng giả, các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh cũng như hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tập trung bình ổn giá, chấp hành giá, đăng ký và kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra xử lý hàng hóa nhập lậu, hàng hết hạn sử dụng... Trong thời điểm này, các ngành chức năng tập trung kiểm tra chủ yếu vào các mặt hàng như: bánh, kẹo, mứt, hạt dưa, rượu, thuốc lá; các loại thực phẩm tiêu thụ mạnh vào dịp Tết. Các đơn vị liên quan cũng tiến hành kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm; kiểm tra thực hiện các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; các mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết. |
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA