Sở Công thương thành phố cho biết, do việc giảm sút mạnh sản lượng sản xuất của các phân ngành chủ lực cùng với những tác động không mấy thuận lợi đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung…, ngành công nghiệp thành phố đối mặt với năm thứ 2 liên tiếp không đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Tuy nhiên, năm 2020, dự kiến nhiều dự án sản xuất có quy mô lớn đi vào hoạt động sẽ tạo nên khởi sắc cho công nghiệp thành phố.
Sản xuất trang phục trong năm 2019 tăng 21,3%. (Ảnh chụp tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ). |
Theo đó, từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bộ phận, phụ tùng ô-tô, điện tử, dệt may… đều cắt giảm sản xuất do thiếu lao động, thiếu đơn hàng. Điều này đã tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp thành phố Đà Nẵng trong những tháng qua.
Báo cáo của Sở Công thương cho thấy, dự kiến cả năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thành phố ước chỉ tăng 4,83% so với năm 2018, trong khi mục tiêu đặt ra từ đầu năm là từ 7-7,5%.
Phân tích về nguyên nhân IIP năm 2019 đạt thấp so với kế hoạch, lãnh đạo Sở Công thương cho biết, chủ yếu do 3 phân ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp hiện nay gồm: sản xuất sắt, thép, điện tử, sản xuất xe có động cơ giảm mạnh so với năm trước.
Theo tính toán, nếu 3 ngành trên vẫn duy trì được sản lượng sản xuất bằng năm 2018 thì IIP thành phố năm 2019 ước tăng 8,6%. Trường hợp chỉ có ngành sản xuất sắt thép giảm 28% thì IIP thành phố ước tăng 6,8%.
Đi sâu vào từng ngành để thấy, ngành điện tử giảm chủ yếu do Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng cắt giảm sản xuất do khó khăn trong tìm kiếm các đơn hàng mới. Ngành sản xuất sắt, thép giảm do 2 nhà máy thép Dana-Ý, Dana-Úc dừng hoạt động trong cả năm 2019.
Ngành sản xuất xe có động cơ giảm chủ yếu do Công ty TNHH TCIE tạm dừng hoạt động sản xuất từ tháng 8 để tập trung triển khai dự án đầu tư mở rộng với các sản phẩm mới gồm: xe khách, xe tải… (dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2019); Công ty Fujikura Automotive và một số doanh nghiệp sản xuất bộ phận, phụ tùng ô-tô cắt giảm sản xuất do thiếu lao động, thị trường xuất khẩu kém thuận lợi.
Bên cạnh những khó khăn đã được nhận diện như trên, ở chiều hướng tích cực, các ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục có đà tăng trưởng tốt như công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp sản xuất và phân phối điện; sản xuất nước và xử lý rác thải.
Trong công nghiệp chế biến, chế tạo, một số ngành tăng mạnh gồm: đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 93,4%; sản xuất máy móc thiết bị tăng 52,5%; chế biến thủy sản tăng 36,7%; sản xuất trang phục tăng 21,3%; sản xuất săm lốp cao su tăng 19,9%; sản xuất xi-măng, vật liệu xây dựng tăng 11,4%...
Bước sang năm 2020, ngành công nghiệp của thành phố được dự báo sẽ khởi sắc với nhiều kỳ vọng để đạt được dự kiến IIP tăng khoảng 7,5% so với năm 2019 và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố ước đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2019.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương, năm 2020 mặc dù dự báo nền kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng lại có những thuận lợi lớn như việc ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực trong năm 2020 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp thành phố.
Đồng thời, đây cũng là năm mà nhiều dự án đầu tư quy mô lớn đã đi vào hoạt động và một số dự án khác dự kiến hoàn thành trong năm 2020 như: dự án Nhà máy Công nghệ ATOMA (có vốn đầu tư 798 tỷ đồng, dự kiến hoạt động vào tháng 1-2020); dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (dự kiến hoạt động vào tháng 2-2020); dự án Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina (dự kiến hoạt động vào quý 3-2020); nhà máy số ESTEC (dự kiến hoạt động trong tháng 10-2020)… sẽ mang lại những giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp thành phố.
Năm 2020, dự kiến với việc nhiều dự án sản xuất có quy mô lớn chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần mang lại bức tranh khởi sắc cho ngành công nghiệp thành phố. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina (Khu Công nghệ cao) dự kiến đi vào hoạt động quý 3-2020. |
Ông Vương Ngọc Hoàng, Giám đốc dự án đầu tư nhà máy số ESTEC (thuộc Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) cho biết, sau gần 2 năm xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 8 triệu USD, đến nay dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bắt đầu đi vào hoạt động; sang năm 2020, dự kiến sẽ cho ra những sản phẩm đầu tiên và từng bước tạo ra được giá trị kinh tế cho đơn vị cũng như thành phố.
Bên cạnh đó, theo nhìn nhận của nhiều doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, thành phố đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tích cực tháo gỡ các vướng mắc, tiếp tục triển khai nhiều chương trình, đề án về phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Việc thực hiện các giải pháp kêu gọi đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc, hoàn thành dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Cẩm Lệ giai đoạn 1, nhằm sớm bố trí doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh và tiếp tục triển khai đầu tư giai đoạn 2 cụm công nghiệp Cẩm Lệ… cũng sẽ góp phần giúp cho thị trường tại thành phố Đà Nẵng vượt qua được những khó khăn.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA