Sửa đổi luật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh

.

Ngày 6-12, tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Tổ chức Phát triển Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi).

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, trước thị trường kinh doanh đang thay đổi, buộc phải xem xét điều chỉnh Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đáp ứng sự phát triển của khoa học-công nghệ và các mô hình kinh doanh mới (như kinh tế chia sẻ). Cùng với đó, sự dịch chuyển trong dòng vốn đầu tư buộc Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt để thu hút vốn đầu tư có chất lượng.

Về dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, theo ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), trọng tâm nằm ở cải cách khuôn khổ quản trị doanh nghiệp. Với công ty TNHH, không bắt buộc thành lập Ban kiểm soát, có thể thuê ngoài kiểm toán viên hoặc công ty kiểm toán để thực hiện chức năng kiểm soát (trừ doanh nghiệp có vốn Nhà nước).

Với công ty cổ phần, mở rộng quyền, phạm vi của cổ đông, nhóm cổ đông trong việc tiếp cận thông tin tình hình kinh doanh của công ty. Đồng thời, tạo thuận lợi cho cổ đông nhân danh công ty khởi kiện người quản lý vi phạm trách nhiệm của mình. Với doanh nghiệp mà Nhà nước có sở hữu trên 50% vốn, bổ sung quy định nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, kiểm soát chặt hơn các giao dịch giữa những người có liên quan trong gia đình đảm nhận các vị trí quản lý quan trọng trong cùng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đề xuất bãi bỏ thủ tục thông qua mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh, trao quyền cho doanh nghiệp tự quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu. Về chính sách khuyến khích đầu tư, Luật Đầu tư (sửa đổi) dự kiến sẽ hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh. Theo đó, bổ sung 6 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (nước sạch, phương tiện bay không người lái, điều trị trẻ tự kỷ, chăm sóc người cao tuổi, cơ sở xét nghiệm, điều trị HIV); mở rộng cơ chế để thu hút đầu tư có chọn lọc dựa trên kết quả đầu ra; khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu phát triển, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Ngoài ra, bổ sung ưu đãi vượt trội, linh hoạt với các dự án có tác động lớn đến kinh tế- xã hội như trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên; giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm đối với dự án thuộc ngành/nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên...

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.