Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư bền vững

.

Qua hai năm 2018 và 2019 thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” với việc kiên định mục tiêu chú trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng, gắn công tác thu hút đầu tư với việc hiện thực hóa chiến lược phát triển địa phương, Đà Nẵng đã gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận khi tổng số dự án và lượng vốn đầu tư vào thành phố năm sau cao vượt năm trước, số dự án đi vào triển khai xây dựng chiếm tỷ lệ lớn. Năm 2020, Đà Nẵng tiếp tục chọn là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”, tạo tiền đề và động lực để thành phố bước vào giai đoạn phát triển mới theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Bài 1: Môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện

Thời gian qua, môi trường đầu tư của thành phố không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch, tăng tính cạnh tranh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư giảm thiểu chi phí.

Thu hút đầu tư góp phần phát triển thành phố. (Ảnh chụp tại Công ty CP Dệt may 29-3).
Thu hút đầu tư góp phần phát triển thành phố. (Ảnh chụp tại Công ty CP Dệt may 29-3).

Thu hút đầu tư có chọn lọc và thực chất

Trong hai năm 2018-2019, chính quyền thành phố, các sở, ngành, địa phương đã triển khai một loạt các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, tăng tính cạnh tranh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư giảm thiểu chi phí…

Cụ thể, là tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến đầu tư, trong đó triển khai thủ tục đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hoàn thiện cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư như: chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu Công nghệ thông tin tập trung, chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường...

Đặc biệt, để gỡ nút thắt về nhu cầu mặt bằng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, thành phố đã tiến hành rà soát và phê duyệt lần thứ nhất danh mục quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố, ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; rà soát quỹ đất tại các khu công nghiệp đang hoạt động; thành lập tổ công tác hỗ trợ đất đai; đưa vào vận hành thử cổng thông tin đất đai thành phố Đà Nẵng nhằm công khai, minh bạch quỹ đất đến nhà đầu tư, doanh nghiệp...

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, lũy kế đến nay, Khu CNC đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 17 dự án với tổng diện tích thuê đất đã thuê là 99,6ha.

Trong đó có 8 dự án FDI và 9 dự án đầu tư trong nước. Năm 2019, ban quản lý đã tổ chức các buổi đối thoại, gặp mặt (định kỳ và đột xuất) với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong Khu CNC và các khu công nghiệp Đà Nẵng để lắng nghe, giải quyết các kiến nghị, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các dự án triển khai đầu tư tại thành phố.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng nhìn nhận, với việc xác định chủ đề hai năm liên tiếp 2018 và 2019 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, Đà Nẵng đang đi đúng hướng trong công tác thu hút đầu tư khi gắn mục tiêu thu hút với việc hiện thực hóa chiến lược, quy hoạch phát triển bền vững.

Đặc biệt, Đà Nẵng khẳng định nói không với tình trạng “quy hoạch chạy theo nhà đầu tư” vốn là nguyên nhân gây ra một số hệ lụy giai đoạn “hậu đầu tư” đã được bộc lộ rõ thời gian qua. Đây cũng là chủ trương hợp lý khi không để việc thu hút đầu tư trở thành mảnh đất màu mỡ cho “cơ chế xin cho”, đầu cơ trục lợi và bị chi phối bởi lợi ích nhóm.

“Với nhiều dự án lớn chính thức khởi công xây dựng, công tác thu hút đầu tư của Đà Nẵng đã có nhiều cải thiện về “chất” và “lượng”. Đây cũng là hệ quả tất yếu khi Đà Nẵng là địa phương rất quyết liệt trong việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, ông Quang nói.

Những kết quả thu hút đầu tư mà thành phố đạt được thể hiện rõ nét qua từng con số báo cáo, góp phần đem lại việc làm, thu nhập và niềm tin cho nhiều doanh nghiệp, người dân trên địa bàn. Ông Hà Đức Hùng, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố khẳng định:

“Thu hút đầu tư hiệu quả với nhiều dự án có tổng vốn lớn và nhanh chóng đi vào triển khai đã đem lại việc làm cho nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp là hội viên của Hội Doanh nhân trẻ. Chúng tôi thực sự vui mừng vì những nỗ lực của thành phố đã bắt đầu đơm hoa kết trái; những cam kết từ các chương trình “Tọa đàm mùa xuân” hay hội nghị  đối thoại với doanh nghiệp đang dần có tính khả thi”.

Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Công ty CP Long Hậu nhìn nhận, Đà Nẵng là địa phương đã có rất nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thực hiện các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường sống rõ nét. Trong đó, Khu CNC Đà Nẵng có nhiều thuận lợi nổi trội về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng và giao thông thuận lợi; chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất cả nước và chi phí đầu tư thấp.

Theo đánh giá của Ban Hỗ trợ và xúc tiến đầu tư thành phố, công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư trong hai năm qua được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới và đa dạng hóa về phương thức thực hiện. Năm 2019, có 40 sự kiện, hội nghị, hội thảo thu hút đầu tư vào thành phố được tổ chức trong và ngoài nước tại các thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore.

Hoạt động tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao như: cơ khí chính xác, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao (y tế, giáo dục, du lịch, thương mại, logistics).

Nhận diện những khó khăn, bất cập

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên các sở, ban, ngành, hiệp hội, hội doanh nghiệp cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác thu hút đầu tư vào thành phố trong thời gian qua nhằm tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả cho năm 2020.

Tập trung thu hút vào các ngành mang lại giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là một trong những định hướng xuyên suốt, đúng đắn được thành phố lựa chọn. (Ảnh chụp tại Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ điện tự động Biển Đông (ESTEC), ở Khu Công nghệ cao Đà Nẵng).
Tập trung thu hút vào các ngành mang lại giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là một trong những định hướng xuyên suốt, đúng đắn được thành phố lựa chọn. (Ảnh chụp tại Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ điện tự động Biển Đông (ESTEC), ở Khu Công nghệ cao Đà Nẵng).

Theo đó, phần lớn các dự án đầu tư vào thành phố có quy mô nhỏ và tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, số dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao còn ít. Việc xúc tiến các dự án lớn trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ, bất động sản, logistics, giao thông gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, kéo dài thời gian vì nhiều lý do như: một số vị trí dự án ngoài các khu công nghiệp, Khu CNC chưa nằm trong quy hoạch; thủ tục tiếp cận đất đai phức tạp; công tác giải phóng mặt bằng chậm; chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư không rõ ràng, nhất là đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP); một số quy định của pháp luật hiện hành còn chồng chéo và mâu thuẫn nên việc hiểu và áp dụng các quy định pháp luật trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư đôi lúc còn gặp khó khăn, lúng túng.

Báo cáo của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư nêu, mặc dù lãnh đạo thành phố đã có sự chỉ đạo cụ thể đối với từng dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng quy trình và lộ trình triển khai xúc tiến các dự án, Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư đã tích cực đôn đốc, nhưng tiến độ xúc tiến một số dự án vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.  

Trong khi thiếu mặt bằng để mở rộng quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh là “điểm nghẽn” đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư thì việc cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất tại một số khu công nghiệp còn bất cập. Trong một thời gian dài, một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế để dành phần, chuyển nhượng, thuê lại kiếm lợi.

Đến nay, vẫn còn tình trạng nhiều diện tích đất chậm triển khai, không được đưa vào sản xuất. Nhiều đơn vị cho thuê lại đất hoặc nhà xưởng trên đất không đúng mục đích, ngành nghề quy định tại khu công nghiệp, vô hình chung gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai trên địa bàn. Đây cũng là vướng mắc đang được các đơn vị chức năng liên quan tập trung tháo gỡ nhằm góp phần giải phóng nguồn tài nguyên về đất đai trên địa bàn thành phố hiện nay.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2019 đã có gần 3.697 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và hơn 658,1 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố. Trong đó, có 118 dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 437,13 triệu USD (gấp 8 lần vốn đầu tư so với cùng kỳ); cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tăng 8,1% số doanh nghiệp và 4,72% số vốn so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 40.010 tỷ đồng, bằng 96,2% kế hoạch, tăng 2,3% (kế hoạch giao tăng 5-6%).

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

 
;
;
.
.
.
.
.