Về Hòa Vang sạ lúa

.

Tháng Mười một âm lịch, nước ngoài đồng giựt xuống mé sông cũng là lúc vụ lúa Đông Xuân khởi động. Đi từ đầu làng đến cuối làng Quang Châu, xã Hòa Châu, mấy bữa nay vắng tanh, không một bóng người. Tất cả đều đổ ra đồng làm đất, chuẩn bị cho một mùa sạ lúa mới.

Cánh đồng Phong Nam, xã Hòa Châu, vào mùa sạ.
Cánh đồng Phong Nam, xã Hòa Châu, vào mùa sạ.

Vất vả mùa sạ

Phải đến giữa trưa, khi mặt trời lên tới ngọn tre, mọi người mới lục đục trở về nhà. Anh Trần Xuân Sơn vừa từ đồng Dừa thôn Quang Châu về nhà trong bộ quần áo lấm lem bùn đất. Dựng cái cuốc ở góc vườn, anh nói với khách đang chờ sửa chiếc máy nước hỏng: “Nhà có 4 sào ruộng, bữa nay xe đang lồng đất. Tranh thủ chạy ra ban ruộng cho kịp sạ giống”. Chẳng là anh Sơn làm nghề điện nước, đang vào mùa sạ lúa nên anh gác chuyện làm nghề để tập trung cho mấy sào ruộng của gia đình.

Đi một vòng qua con đường vành đai phía nam ôm lấy những cánh đồng Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Khương..., đâu đâu cũng thấy cảnh bà con nông dân đang trằn mình trên những thửa ruộng bì bõm nước. Người ta nói bây giờ dân làm ruộng khỏe re. Ông Lê Văn Thuận, 62 tuổi, thôn An Trạch, xã Hòa Tiến cho biết, chừ người già trên 70 vẫn làm ruộng được, bởi tất cả đều cơ giới hết. Làm ruộng có máy lồng làm tơi, xốp đất rồi đến loại máy nhỏ hơn tạo mặt bằng. Sau đó, trổ nước ra khỏi ruộng (nông dân gọi là trổ khô nước), xong  mới sạ lúa.

Đến mùa thu hoạch thì có máy gặt liên hợp. Chủ ruộng nếu bận quá cũng chẳng phải ra đồng mà chỉ cần ước tính đám ruộng gặt được bao nhiêu bao thì rải bao dọc bờ ruộng, máy gặt chạy đến đâu là người cầm lái nhặt lấy để máy tự động vô bao luôn. Thế là xong. Nếu trường hợp chủ ruộng bận việc thì có thể nhờ xe công nông ra chở lúa về tận nhà. Ông Thuận nhẩm tính, chỉ riêng một thôn An Trạch thôi cũng đã có cả thảy 6 máy lồng xới đất, 5 máy ban mặt bằng, 3 máy gặt liên hoàn.

Tuy là máy móc làm hầu hết các khâu nhưng đâu đó vẫn cần đến bàn tay con người. Đó là lúc làm đất, chỗ 4 góc ruộng xe lồng không thể cua sát nên nông dân phải dùng cuốc để ban đất, trong khi những chiếc xe máy lồng chạy phành phành đánh nhuyễn đất đồng thành một màu vàng nâu óng ả...

Nông dân bắt đầu vào mùa sạ bằng cách làm đất thật tơi nhuyễn và mịn như rây. Sau đó mới trổ khô nước. Đặc biệt là không để sót lại bất cứ một vũng nước nhỏ nào trên mặt ruộng. Vì nếu như vậy, khi gieo sạ, hột giống rớt phải mấy vũng nước này sẽ bị ệp nước cắn mầm. Điều đó đồng nghĩa với việc giống hư không làm sao nẩy mầm được.

Sau khi trổ khô ruộng xong, người dân bắt đầu xuống giống. Cánh đồng tháng 11 âm lịch trời trong xanh và nắng se se hắt cái màu vàng lên những thửa ruộng thơm phức mùi bùn non. Người đánh rò, người đội giống, người gieo sạ tất bật gọi nhau. Xa xa đàn cò trắng muốt chao liệng trên những đám ruộng vừa lồng xong còn bì bõm nước. Chúng đang tranh thủ kiếm nốt những con cá nhỏ còn sót lại trong ruộng sau những tháng mưa dầm. Tất cả tạo thành những âm sắc tươi vui của một mùa vụ mới.

Thường thì mùa sạ kéo dài chừng 15 đến 20 ngày, tính cả công đoạn làm đất. Đó thật sự là những ngày được xem là “đầu tắt mặt tối” của người làm ruộng. Bởi thế, khi lúa giống sạ xong rồi là thấy người khỏe re, vui như Tết. Đi đâu người ta cũng hỏi nhau câu “Sạ hết chưa?” để thay lời chào. Lúa sạ xong vài ba ngày, nông dân sẽ bắt đầu phun thuốc trừ cỏ, trừ ốc bươu vàng... Tiếp theo chừng lưng nửa tháng là đi dặm sạ, tức là nhổ bớt chỗ dày, dặm lại chỗ sưa để mai mốt ruộng đều cây, mẩy hạt.

Giữ ruộng

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, diện tích vụ đông xuân cả huyện năm nay ước chừng 2.500ha; trong đó nhiều nhất là xã Hòa Tiến với gần 464ha. Năng suất bình quân vụ đông xuân năm 2018 đạt 61,5 tạ/ha, năm nay cũng tương đương. Đó là những con số nói lên vùng đất thuần nông phát triển cây lúa bền vững. Tuy nhiên đi sâu vào từng ngóc ngách của xóm thôn, vẫn thấy đâu đó còn đọng lại những nỗi niềm của nông dân một đời gắn bó với ruộng đồng...

Gặp anh Nguyễn Lương Danh, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Khương, chào anh bằng câu cửa miệng quen thuộc của nông dân “Sạ hết chưa anh?” thì anh bảo “Vừa xong, nhưng...”. Sau tiếng “nhưng”, giọng anh chùng xuống: “Bây giờ làm ruộng chẳng lời lãi gì. Nếu trời cho mưa thuận gió hòa, không dịch bệnh thì may ra  kiếm đủ gạo ăn!”.

Thấy tôi có vẻ ngơ ngác, anh giải thích: Tuy bây giờ làm ruộng không vất vả như ngày trước vì có dịch vụ cơ giới, nhưng số tiền chi phí cho một sào ruộng xấp xỉ 1 triệu rưỡi. Năng suất mỗi sào đạt nhất cũng vào khoảng 3 tạ. Giá lúa thì tròm trèm 600.000 đồng/tạ. Tính nhẩm thôi cũng biết tiền lãi chỉ có 300.000 đồng cho một sào trong thời gian một vụ mùa 4 tháng... Đó là chưa kể đến những mùa vụ gặp chuột, ốc bươu vàng và sâu bệnh cắn phá thì coi như mất trắng...

Đó cũng là lý do khiến nhiều hộ nông dân ở Hòa Vang không còn mặn mà với ruộng. Hầu hết thanh niên nông thôn đều tìm cách vượt khỏi lũy tre làng của mình để đi kiếm sống tại nhiều thành phố trên cả nước. Mặc dù xa nhà, làm việc vất vả nhưng xem ra thu nhập của họ vẫn cao hơn làm ruộng. Thậm chí họ còn dành dụm để gửi tiền về cho gia đình sửa nhà, mua xe cộ. Làng quê  Hòa Vang hôm nay hầu như vắng bóng lao động trẻ tuổi, chỉ còn lại chủ yếu là người già, phụ nữ. Xuống đồng giờ chỉ còn người trên 60 tuổi, còn dưới 60 tuổi, còn sức cũng bỏ đi làm công nhân, thợ nề hết.

Ông Trần Văn Giáo, Trưởng thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, ngậm ngùi tiết lộ rằng: Trong số 25ha đất trồng lúa của thôn thì đã có 7ha người dân “biếu không” cho người khác làm hoặc bỏ hoang cho cỏ mọc. Nhìn những thửa ruộng từng thơm mùi lúa chín nay trở thành bãi hoang cho đàn bò gặm cỏ, không chỉ riêng Trưởng thôn Trần Văn Giáo chạnh lòng!

Cùng tâm trạng, ông Lê Văn Thuận dẫn tôi ra cánh đồng An Trạch đang khẽ khàng nhú mầm xanh cao chừng hai đốt ngón tay. Cúi khom người xuống, ông chỉ dấu chân nhỏ chằng chịt dưới ruộng: Chuột chạy đầy đồng. Vụ Đông Xuân năm nay có nguy cơ thất thu, bởi 2 đến 3 năm liền trời không làm lụt nên thiếu phù sa trầm trọng nhưng lại thừa đàn chuột đồng. Chuột con đàn cháu đống, lúa đang sạ mà bị chuột cắn sẽ hao hụt đi 5%. Nếu tính từ lúc sạ cho tới thu hoạch mất cỡ khoảng 30% sản lượng! Biết là thua trước mắt đó nhưng vẫn cố bu theo. Làm ruộng bây giờ nói cho cùng cũng để giữ ruộng mà thôi...

Bài và ảnh: NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.