Cần xây dựng chính sách khởi nghiệp hấp dẫn

.

Năm 2020, Đà Nẵng tiếp tục chọn chủ đề là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” nhằm tạo tiền đề và động lực để thành phố bước vào giai đoạn phát triển mới theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó, qua 5 năm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp - thành phố xây dựng một nền móng ban đầu cho khởi nghiệp... Để đạt được mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp - đổi mới - sáng tạo đẳng cấp châu Á vào năm 2030 như Nghị quyết số 43/NQ-TW đề ra, rất cần những “người thợ xây” là chính quyền, nhà trường, các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp và người dân... cùng chung tay.

Bắt đầu từ số báo này, Báo Đà Nẵng tổ chức chuyên trang Khởi nghiệp - Sáng tạo định kỳ vào thứ tư hằng tuần để chuyển tải những nội dung thông tin liên quan đến lĩnh vực khởi nghiệp, góp phần vào mục tiêu chung của thành phố.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đà Nẵng cũng đang phối hợp với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng xây dựng đề án “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên”, dự kiến sẽ được phê duyệt vào năm 2020.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Võ Duy Khương (ảnh), Chủ tịch Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) cho rằng, để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp mạnh mẽ và thực chất, một trong những hoạt động cốt lõi là phải xây dựng được chính sách phát triển khởi nghiệp hấp dẫn.

* Đà Nẵng có những nét riêng như thế nào và những thuận lợi gì trong hoạt động khởi nghiệp hiện nay, thưa ông?

- Trước năm 2015, hoạt động khởi nghiệp tại thành phố Đà Nẵng khá mờ nhạt, chỉ dừng lại ở một số câu lạc bộ khởi nghiệp nhỏ không nổi trội hoặc vài cuộc thi về khởi nghiệp tại một số trường cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, ngay sau Năm Doanh nghiệp 2014, thành phố đã có những nỗ lực mạnh mẽ trong hoạt động khởi nghiệp với sự ra đời của các tổ chức ươm tạo mà đáng nói nhất là Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) theo mô hình hợp tác đối tác công-tư (PPP).

Từ “cái nôi” này, nhiều chương trình ươm tạo đã được triển khai thu hút nhiều dự án khởi nghiệp không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở các địa phương lân cận. Các vườn ươm của Đà Nẵng được xây dựng trên cơ sở hợp tác PPP nên cơ chế hoạt động khá linh hoạt, đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, ươm tạo các dự án, ý tưởng sáng tạo của cộng đồng thành các doanh nghiệp khởi nghiệp. Từ đó, đã có nhiều dự án đạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước hoặc gọi được vốn đầu tư.

Một điều đáng nói nữa là việc ra đời Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp, mô hình mới chỉ có ở Đà Nẵng. Nơi đây tập hợp hầu hết các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp như: công ty, trường đại học, nhà đầu tư... Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp ra đời đã kết nối, hợp tác, khai thác và chia sẻ các nguồn lực khởi nghiệp của Nhà nước, các trường, viện, hiệp hội, hội doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và các chuyên gia, các nhà đầu tư trên địa bàn thành phố với các nhà đầu tư, chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế. Mô hình này cũng đã phát huy tối đa vai trò của chính quyền thành phố trong định hướng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo trên địa bàn.

Cũng tại Đà Nẵng, nhiều sự kiện khởi nghiệp có quy mô lớn được tổ chức, tập trung nhất là Ngày hội Triển lãm khởi nghiệp (SURF) được tổ chức vào tháng 7 hằng năm kể từ năm 2016 đến nay, thu hút ngày càng đông đảo các đối tác khởi nghiệp cùng tham gia.

SURF là cơ hội kết nối, tìm kiếm sự hợp tác, hỗ trợ trong hoạt động khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường. Thành phố cũng đã có được nhiều không gian làm việc chung cho khởi nghiệp ra đời như DNC, Surf Space, Hexagon, Enouvo Space, The Hub và Bizcovery; trong đó DNC và Surf Space thuộc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng là những không gian làm việc chung có quy mô lớn, là nơi gặp gỡ, kết nối các thành viên của cộng đồng khởi nghiệp để cùng sáng tạo, phát triển ý tưởng mới.

* Đã từng có dự án khởi nghiệp của người Đà Nẵng nhưng không bắt đầu ở Đà Nẵng mà họ lại chọn Singapore để khởi đầu. Ông nghĩ sao về việc này?

- Đúng là đã có trường hợp như vậy. Đó cũng là điều bình thường khi mà thủ tục hành chính và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước còn rườm rà, khó khăn. Cơ chế, chính sách hỗ trợ của chính quyền chưa thông thoáng để có thể “giữ chân” các startup.

Đà Nẵng chưa có nhiều nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc biệt dù được chuẩn bị sớm nhưng do cơ chế Nhà nước quy định nên đến nay thành phố vẫn chưa có quỹ hỗ trợ đầu tư sáng tạo và khởi nghiệp.

Sự hỗ trợ của Nhà nước đối với sáng tạo khởi nghiệp chưa nhiều là một thực tế (mà đây là yếu tố quyết định giúp các startup phát triển như thực tế của Hàn Quốc, Singapore…). Phải thẳng thắn thừa nhận những hạn chế đó để có thể xây dựng được môi trường đầu tư, môi trường khởi nghiệp ngày càng hấp dẫn, thu hút được bạn trẻ, nhiều startup chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân để khởi nghiệp, kinh doanh.

* Để trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia, Đà Nẵng cần làm gì?

- Khởi nghiệp không nên được hiểu là một “phong trào”, một “sân chơi” như hiện nay, mà phải được xem là một hoạt động nghiêm túc, “sống chết”, phải đổi bằng cả mồ hôi, nước mắt và tiền của. Hoạt động khởi nghiệp cần phải có chiều sâu hơn nữa, sát thực tiễn thị trường hơn.

Thực tế hiện nay, chất lượng các dự án khởi nghiệp chưa cao, chưa gắn với nhu cầu thị trường. Và như đã nói trên, chính sách cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của Nhà nước chưa thu hút được các startup, các nhà đầu tư. Vì vậy, thành phố cần rà soát lại các hệ thống chính sách đối với các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các startup. Bên cạnh đó, trong chương trình dạy học, đào tạo của ngành giáo dục từ bậc THPT đến cao đẳng, đại học cần khơi dậy trong sinh viên, học sinh tinh thần khởi nghiệp và tiếp theo là kỹ năng khởi nghiệp để các em có thể bắt đầu hoạt động này ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Giao lưu giữa các startup của DNES với các mentor (cố vấn khởi nghiệp).  Ảnh: HƯƠNG SEN
Giao lưu giữa các startup của DNES với các mentor (cố vấn khởi nghiệp). Ảnh: HƯƠNG SEN

Để trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia, Đà Nẵng cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước, nhất là cần chú trọng kinh nghiệm và nguồn lực quốc tế, đặc biệt là nhân lực quốc tế từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Để làm được điều đó, Đà Nẵng phải trở thành điểm đến hấp dẫn của các startup quốc tế.

Việc này giúp từng bước tạo được một cộng đồng khởi nghiệp quốc tế tại Đà Nẵng, nhằm hỗ trợ kinh nghiệm cho hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn và tạo được nhiều startup thành công tại đây. Hai lĩnh vực mũi nhọn của thành phố là xây dựng đô thị thông minh và thành phố môi trường, chúng ta cần định hướng cho các startup tập trung vào đây.

Hiện nay Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) đang tập trung ươm tạo các dự án khởi nghiệp theo các mục tiêu này. Đà Nẵng đang có nhiều lợi thế về kết cấu hạ tầng giao thông - để trở thành thành phố thông minh.

Một vấn đề cốt lõi hiện nay nữa là phải xây dựng được chính sách phát triển khởi nghiệp đột phá, hấp dẫn, thực sự là động lực thúc đẩy cho hoạt động khởi nghiệp. Theo tôi đó là, cần đầu tư một không gian làm việc chung có quy mô lớn để thu hút được nhiều startup, nhiều nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp… trong nước và quốc tế đến khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng.

Đồng thời cũng cần sớm tìm giải pháp phù hợp để xây dựng Quỹ đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp mới trên địa bàn thành phố. Quỹ sẽ là tổ chức huy động các nguồn lực cả của Nhà nước và tư nhân, cả trong nước và quốc tế nhằm giúp cho các startup phát triển và thành công.

Tôi tin rằng với một thành phố có tốc độ quốc tế hóa nhanh như Đà Nẵng, nơi có hàng trăm chuyến bay quốc tế đến và đi, nơi cung cấp hàng chục ngàn lao động trẻ được đào tạo bài bản mỗi năm cho thị trường, đặc biệt là nơi đã và đang có nhiều sáng tạo trong phát triển kinh tế, thì chắc chắn hoạt động khởi nghiệp sẽ khởi sắc và chuyện Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên sẽ thành hiện thực.

* Xin cảm ơn ông.

Kim Ngân thực hiện

 
;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.