Kinh tế Việt Nam 2020: Đưa đất nước lên nấc thang phát triển mới

.

Đất nước phát triển, đạt thành quả kinh tế cao thì thành quả ấy phải lan tỏa sâu rộng để bất kể người dân nào cũng đều được thụ hưởng.

Năm 2020 phải phát huy kết qua đạt được trong năm 2019 và từ đầu nhiệm kỳ với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” và tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, đoàn kết, quyết tâm phấn đấu và nỗ lực cao nhất thực hiện thắng lợi toàn diện, vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội đề ra trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Đây là nội dung tại Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2019 vừa được Chính phủ ban hành.

Nghị quyết nêu rõ, năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, do đó cần tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 bằng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế, trong đó cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành năm 2020.

Kinh tế Việt Nam 2020 nhiều triển vọng tươi sáng. (Ảnh minh họa)
Kinh tế Việt Nam 2020 nhiều triển vọng tươi sáng. (Ảnh minh họa)

Dự báo các kịch bản kinh tế 2020

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra dự báo về 2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2020. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế có thể ở mức 6,86%, lạm phát bình quân ở mức 3,1%, tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt 8,12%, và thặng dư cán cân thương mại có thể vượt 1,9 tỷ USD. Với dự báo ở kịch bản lạc quan hơn, tăng trưởng kinh tế và lạm phát tương ứng có thể đạt 7,05% và 2,97%, tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt 8,74% và thặng dư cán cân thương mại đạt trên 4,6 tỷ USD.

Viện trưởng CIEM nhận định, Việt Nam đang tiến gần hơn đến một thời kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mới. Công tác chuẩn bị nội dung định hướng cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đang diễn ra tích cực. Năm 2020 chính là thời điểm quan trọng để cụ thể hóa những nội dung định hướng ấy. Xử lý hài hòa những vấn đề kinh tế ngắn hạn trong năm 2020 và tạo nền móng cho việc xây dựng, thực hiện những giải pháp có tính chiến lược, dài hơi hơn sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Cơ hội và thách thức sẽ đan xen, thậm chí khá phức tạp trong năm 2020. Việt Nam có thể có thêm cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mới, từ sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, sự hứng khởi của các doanh nghiệp trong nước, hay khả năng tiếp cận CMCN 4.0. Vị thế mới trong năm 2020 – Chủ nhà ASEAN, Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc – mang lại thêm những cơ hội mới. Dù vậy, Việt Nam cần tiếp tục nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn, nội tại của nền kinh tế, chẳng hạn như chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng, bất cập về hệ thống thông tin, thống kê cho điều hành trên không ít lĩnh vực, hay khả năng duy trì đà cải cách trên những lĩnh vực quan trọng như môi trường kinh doanh, TS. Trần Thị Hồng Minh nêu rõ.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ vẫn cần tiếp tục tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, kết hợp với cải cách kinh tế vi mô. Viện trưởng CIEM lưu ý một số vấn đề quan trọng cần đặc biệt lưu tâm: Thứ nhất, công tác thông tin, dự báo cần kịp thời và hiệu quả hơn. Thứ hai, cải cách và hội nhập kinh tế cần quyết liệt và thực chất hơn. Thứ ba, cần tiếp tục định vị Việt Nam trong kinh tế toàn cầu và khu vực để có hướng phát triển, hợp tác phù hợp.

Phải khơi thông mọi nguồn lực

Chia sẻ về triển vọng kinh tế năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ: Đất nước phát triển, đạt thành quả kinh tế cao thì thành quả ấy phải lan tỏa sâu rộng để bất kể người dân nào cũng đều được thụ hưởng.

Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải khơi thông mọi nguồn lực để phát triển bền vững. “Về tổng quát, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cải cách hành chính phải tiếp tục để cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn lực, đất đai, khoa học công nghệ. Tất cả là để thu hút đầu tư, giúp DN, người dân yên tâm bỏ vốn ra đầu tư, kinh doanh, khơi thông được nguồn lực, tiềm năng của xã hội”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Cần phải có những cơ chế, chính sách hình thành DN có quy mô lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế để tạo ra một lực lượng DN đóng vai trò dẫn dắt các DN nhỏ và vừa. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề theo hướng lấy sản xuất, chế biến, chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng lần thứ tư để tái cấu trúc DN theo hướng bền vững, sáng tạo. Cùng đó là xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, đạt trình độ quốc tế và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp, Bộ trưởng Dũng nêu quan điểm.

Theo người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư, một giải pháp quan trọng khác là sẽ tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển, khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh để góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời xây dựng cơ chế thúc đẩy cộng đồng DN liên kết, hợp tác, đổi mới, áp dụng công nghệ và tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc, hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.

Theo VOV.VN

;
;
.
.
.
.
.