Những "chiếc bẫy giảm giá"

.

Hằng năm, trước Tết là mùa sale (giảm giá) lại đến. Mùa sale với những chương trình khuyến mãi không thể hấp dẫn hơn cũng là khi những “chiếc bẫy ngọt ngào” có thể giăng bất cứ đâu khiến nhiều “thượng đế” tiêu tiền mất kiểm soát. Nhiều “tín đồ mua sắm” thổ lộ rằng họ bước vào cửa hàng chỉ để tìm kiếm một món đồ duy nhất hay thậm chí chỉ để xem qua cho thỏa cơn mua sắm, nhưng rồi lại bước ra với túi lớn, bịch nhỏ to đùng trên tay và chiếc ví lép kẹp.

Hàng giảm giá trên đường Phạm Hùng.  		     Ảnh: N.H
Hàng giảm giá trên đường Phạm Hùng. Ảnh: N.H

Tâm lý “mua ngay cho rẻ” khiến người tiêu dùng dốc túi để mua cho được những món đồ mà thậm chí họ không bao giờ dùng đến. Để rồi thay vì tiết kiệm tiền, ai nấy đều cháy túi sau mỗi mùa sale cùng hàng núi đồ chất đống trong góc nhà. Kết quả, thường là mất nhiều hơn được sau những cuộc mua sắm quá đà.

Đó là chưa kể, chiêu giảm giá 50-70% chỉ là “cái bẫy” và thực tế người mua không tiết kiệm hơn là bao so với mua sắm ngày thường. Sử dụng một vài công cụ về thông tin giá sản phẩm trước và sau khuyến mãi, nhiều người phát hiện, đa phần những sản phẩm sale từ 40% trở lên đều có giá bán trước không mấy chênh lệch so với giá trong chương trình mua sắm thường ngày.

Chị Phan Minh Nguyệt, một giáo viên khá bận rộn, không có thời gian đi mua sắm, vì vậy, chị rất chăm lùng hàng sale trên những trang mua sắm trực tuyến. “Mua hàng sale cần phải thật tỉnh táo mới được. Nghĩa là phải biết thông tin giá cả của hàng hóa trước khi sale nhằm so sánh là giảm thật hay ảo”. Bởi những nơi giảm giá thật thì họ giảm giá hàng hóa với mong muốn bán được nhiều hàng tồn, hàng hết mode (mẫu cũ) để kích cầu người tiêu dùng mua sắm và cũng để nhanh hoàn vốn.

Nhưng cũng có những trường hợp, chủ kinh doanh “nâng giá” cao gấp hai, gấp ba lần giá thật của sản phẩm, sau đó treo bảng giảm giá đến... 70%. Đây là một trong những chiêu thức tinh vi vừa để câu khách, vừa “móc” hầu bao của khách hàng một cách công khai của một số chủ kinh doanh. Nếu các “thượng đế” lý trí một chút thì sẽ đặt câu hỏi: Vậy giá trị thật của sản phẩm là bao nhiêu? Điều này chỉ có người bán, nhà phân phối biết rõ, còn người tiêu dùng là người chịu thiệt nhất. Vậy nên, người ta mới nói “Chỉ có mua nhầm chứ bán không nhầm”.

Thực tế cho thấy, để đánh vào tâm lý  thích rẻ của người tiêu dùng, một số cửa hàng kinh doanh không minh bạch thường sử dụng nhiều chiêu thức để bán được hàng, chạy doanh số... Vì vậy, là người tiêu dùng thông minh, khách hàng cần chú ý đến thông tin về các mặt hàng giảm giá trên các trang web thông tin đại chúng với hàng khuyến mãi đi kèm để không phải mua lầm hàng hóa kém chất lượng, hoặc sản phẩm giảm giá nhưng thực chất lại không hề giảm, thậm chí đắt so với nơi khác.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát các hoạt động khuyến mãi, giảm giá, tặng phẩm của các công ty, nhà phân phối, cửa hàng kinh doanh... để xử lý, chấn chỉnh kịp thời nhằm bảo vệ và giúp người tiêu dùng an tâm mua sắm, nhất là những ngày cuối năm, khi những cơn “bão” sale đang càn quét, thao túng thị trường mua sắm.

N.H

 

;
;
.
.
.
.
.