Hiện nay, vẫn còn tình trạng hoạt động kinh doanh lữ hành trái phép, nhất là các tour giá rẻ (tour 0 đồng). Quản lý hoạt động này như thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường du lịch thành phố là điều cần làm.
Thành phố cần có giải pháp quản lý việc thanh toán, mua sắm của khách để tránh thất thu thuế. |
Thực tế hiện nay, tour giá rẻ là chiêu thức các công ty lữ hành sử dụng để cạnh tranh giá, thu hút khách. Khách mua tour giá rẻ thì chương trình tour chủ yếu đi mua sắm và tham quan tại các điểm miễn phí hoặc các điểm có giá vé thấp, các bữa ăn có định mức thấp.
Điều này về lâu dài, theo đánh giá của những người làm du lịch, sẽ không tốt cho điểm đến vì khi được cung cấp các dịch vụ dưới mức chuẩn hoặc chương trình đi mua sắm quá nhiều thì du khách sẽ có những đánh giá, nhận xét không tốt về điểm đến, ảnh hưởng trực tiếp đến điểm đến.
Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Đoàn Hải Đăng chia sẻ, tour giá rẻ ở các nước khác trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... đều có nhưng quan trọng là họ kiểm soát được, còn ở mình hiện nay chưa quản lý hết được.
Do đó, tour giá rẻ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tour truyền thống và gây áp lực lên hướng dẫn viên, buộc hướng dẫn viên phải đưa khách đi mua sắm càng nhiều càng tốt để bù vào chi phí đã bán (giá rẻ)... và khi đi mua sắm nhiều thì sẽ gọi là tour mua sắm (shopping tour).
Cơ quan quản lý Nhà nước có thể kiểm soát các tour giá rẻ này bằng cách không có các điểm bán hàng “chặt chém”, giá cao, bán hàng thu tiền mặt, ngành thuế phải thu được thuế từ các dịch vụ tiêu tiền của khách.
Tổng Giám đốc Công ty Vietnam Travel Mart Nguyễn Như Nam nhìn nhận, tour giá rẻ được các đơn vị khai thác chào bán chủ yếu đánh vào tâm lý của những khách chuộng giá rẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác khách, mà cụ thể là cạnh tranh về giá giữa các đơn vị lữ hành đang khai thác của các tour truyền thống.
Thống kê sơ bộ của Sở Du lịch thành phố, năm 2019, khách Trung Quốc đi tour giá rẻ đến Đà Nẵng là khoảng 616.000 lượt, chiếm 88% lượng khách Trung Quốc lưu trú tại Đà Nẵng; khách Hàn Quốc đi tour giá rẻ khoảng 357.000 lượt, chiếm 21% lượng khách Hàn Quốc lưu trú tại Đà Nẵng.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố, một trong những vướng mắc, khó khăn trong quản lý hoạt động tour giá rẻ chính là sự thông thoáng của Luật Du lịch về điều kiện kinh doanh lữ hành (không cần hướng dẫn viên cơ hữu - trước đây yêu cầu phải có 3 hướng dẫn viên - và không cần phương án kinh doanh lữ hành, không qua cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở địa phương thẩm định hồ sơ, thị trường, địa điểm kinh doanh, đại diện pháp luật). Điều này dẫn tới việc số lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế được thành lập mới rất nhiều (hiện có 253 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 33 doanh nghiệp so với 2018).
Một khó khăn nữa là bất cập của Luật Xuất nhập cảnh quy định sử dụng lao động người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, công ty lữ hành Việt Nam cho người Trung Quốc, Hàn Quốc thuê tư cách pháp nhân để kinh doanh trái phép; người nước ngoài thuê người Việt đứng tên thành lập công ty lữ hành, mua khách sạn và thuê người Việt đứng tên; đặt trụ sở làm việc trong căn hộ chung cư hoặc ngoài địa bàn Đà Nẵng; tình trạng người nước ngoài hoạt động kinh doanh du lịch trái phép làm việc trực tiếp với các nhà cung ứng dịch vụ như khách sạn, nhà hàng để ép giá...
Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, thời gian đến sẽ tăng cường vai trò của các ngành chức năng trong việc kiểm tra hoạt động lữ hành, khách sạn, vận chuyển, cơ sở mua sắm; kiểm tra tạm trú người nước ngoài, sử dụng lao động nước ngoài, niêm yết giá, nguồn gốc hàng hóa, giao dịch thanh toán qua ví điện tử trái phép, thanh toán ngoại tệ...
Qua đó, kiến nghị Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an chia sẻ thông tin về các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam thực hiện duyệt nhân sự và bảo lãnh khách Trung Quốc để làm cơ sở phát hiện sớm hoạt động kinh doanh lữ hành trái phép của người nước ngoài tại Đà Nẵng.
Sở Du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch và Câu lạc bộ Lữ hành khai thác thị trường khách Hoa ngữ để ban hành mức giá tối thiểu chương trình tour giá rẻ nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, tích cực vận động các doanh nghiệp lắp đặt camera trên xe vận chuyển để giám sát hoạt động du lịch trái phép; xây dựng và tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động điều hành, hướng dẫn du lịch; kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định quản lý hoạt động thanh toán điện tử xuyên biên giới để ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ sở làm việc với các ngân hàng nước ngoài quản lý hoạt động thanh toán điện tử nằm hỗ trợ cơ quan chức năng chống thất thu thuế.
Năm 2019, Thanh tra Sở Du lịch đã tiến hành 11 đợt kiểm tra hoạt động lữ hành, khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, khu, điểm du lịch với hơn 160 lượt kiểm tra. Theo đó, ban hành 70 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 20 tổ chức và 50 cá nhân vi phạm với tổng số tiền phạt trên 435 triệu đồng, tăng 20,7% so cùng kỳ 2018. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không mang thẻ hướng dẫn viên trong khi hành nghề, sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa để hướng dẫn cho khách quốc tế, không có hợp đồng lao động khi hành nghề, không hướng dẫn khách du lịch theo đúng lịch trình du lịch, không mang bảng phân công nhiệm vụ, chương trình du lịch trong khi hành nghề, sử dụng văn bằng chứng chỉ giả trong hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên... |
Bài và ảnh: HÀ KHUÊ