Cần có cơ chế khuyến khích xã hội hóa dịch vụ công ích đô thị - Bài cuối: Huy động các nguồn lực thực hiện dịch vụ

.

Để công tác xã hội hóa dịch vụ công ích đô thị đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng đô thị văn minh, cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi, huy động các nguồn lực và khuyến khích các đơn vị tư nhân và cả người dân chung tay thực hiện.

Cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, chung tay thực hiện các dịch vụ công ích đô thị. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, chung tay thực hiện các dịch vụ công ích đô thị. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Cần có cơ chế thu hút đấu thầu dịch vụ công ích

Xã hội hóa dịch vụ công ích đô thị là giải pháp huy động mọi nguồn lực xã hội đáp ứng dịch vụ cho người dân, cụ thể là huy động, động viên sự đóng góp kinh phí của mỗi người dân, doanh nghiệp… cho hoạt động cung ứng dịch vụ công ích cho Nhà nước nhằm làm giảm gánh nặng ngân sách. Để xã hội hóa việc thực hiện các dịch vụ công ích đô thị, thành phố đã có chủ trương thực hiện đấu thầu cung ứng dịch vụ thay cho đặt hàng theo khối lượng công việc.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Trung và Giám đốc Sở Xây dựng Lê Tùng Lâm cho biết, việc đặt hàng dịch vụ quản lý cầu đường và công tác quản lý vận hành, duy trì điện chiếu sáng công cộng của thành phố được giao cho Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng và Công ty CP Điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng đảm nhiệm trong thời gian không quá 6 tháng đầu của năm 2020 để tạo điều kiện cho 2 công ty hoạt động trong thời gian đầu chuyển đổi sang doanh nghiệp cổ phần hóa. Sau đó, việc cung cấp dịch vụ công ích về quản lý hệ thống giao thông đường bộ và quản lý, vận hành,duy trì điện chiếu sáng công cộng của thành phố sẽ được thực hiện theo kết quả đấu thầu cung ứng 2 dịch vụ.

Trước đó, vào ngày 7-5-2018, UBND thành phố ban hành Quyết định số 19/QĐ-UBND, trong đó, phân cấp cho các quận, huyện tổ chức đấu thầu cung ứng dịch vụ công ích vệ sinh môi trường. Trong năm 2019, các quận, huyện đã tiến hành đấu thầu cung ứng dịch vụ công ích vệ sinh môi trường trong giai đoạn 2019-2021 với tổng giá trị được trao thầu cho Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng và liên danh của công ty này là 290,32 tỷ đồng, giảm 8,59 tỷ đồng so với dự toán kinh phí được UBND thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, do việc đưa cả 2 khối lượng công việc là vệ sinh đường phố và thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt vào một gói thầu đã gây khó khăn cho việc thu hút các đơn vị bên ngoài tham gia đấu thầu và thắng thầu.

Ông Đinh Quang Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay: “Hiện đơn vị đang xây dựng nội dung sửa đổi Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND để trình UBND thành phố phê duyệt nhằm thu hút các đơn vị ngoài tham gia đấu thầu cung ứng dịch vụ công ích vệ sinh môi trường”. Còn ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Sở Giao thông vận tải thành phố cho rằng: “Để công tác đấu thầu và xã hội hóa việc cung ứng các dịch vụ công ích đô thị đạt hiệu quả cao, nhất là trong lĩnh vực quản lý cầu, đường thì cần thiết phải có cơ chế cho các doanh nghiệp bên ngoài bỏ đồng vốn thực hiện phải thu lại được lãi. Có như vậy, mới thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp bên ngoài tham gia đấu thầu và thực hiện dịch vụ”.

Một số người dân và chuyên gia cũng cho rằng, thành phố cần có thêm các cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp bên ngoài, nhà đầu tư và người dân cùng tham gia đầu tư, thực hiện nâng cao chất lượng dịch vụ công ích… Ông Trần Văn Tư, người dân tổ 39, phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) đề nghị: “Một điểm chung của các đơn vị thực hiện dịch vụ công ích đô thị là thiếu phương tiện, nhân lực và kinh phí hoạt động hạn chế.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân và người dân có các phương tiện, xe máy thì hoạt động với tần suất thấp và nhiều người lao động không có việc làm. Vì thế, thành phố và các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công ích cần tạo ra một cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân bên ngoài và hợp tác xã do người dân đóng góp phương tiện, xe máy, vốn để tham gia thực hiện các gói thầu hoặc hạng mục nhỏ về chăm sóc cây xanh, thi công sửa chữa và bảo trì hệ thống đường giao thông, duy tu và nạo vét cống thoát nước, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt đến điểm xử lý của thành phố, thi công và bảo dưỡng hệ thống điện chiếu sáng… để vừa thực hiện tốt dịch vụ, vừa phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”.

Bà Nguyễn Hoàng Phượng, chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đề nghị: “Phí của các dịch vụ công ích đô thị phải tính đúng, tính đủ thì việc xã hội hóa dịch vụ công ích mới thu hút và hiệu quả, bảo đảm được chất lượng dịch vụ; đồng thời, phải tuyên truyền cho người dân không trông chờ, ỷ lại vào việc bao cấp dịch vụ công ích của Nhà nước, mà phải có trách nhiệm đóng góp phí dịch vụ. Chẳng hạn như chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, chi phí này phải chiếm từ 1-1,5% tổng thu nhập của hộ gia đình thì mới đủ”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế giám sát chặt chẽ việc thực thi cổ phần hóa (CPH), xã hội hóa các dịch vụ công ích. Thực tế, khi bán cổ phần, khuyến khích tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công ích như: cấp nước, vệ sinh môi trường… theo chương trình CPH doanh nghiệp Nhà nước, có một vấn đề căn bản cần lưu ý, đó là khi người dân đóng thuế để tạo nguồn tài chính cho chính quyền thì chính quyền phải có trách nhiệm pháp lý cung cấp bảo đảm các dịch vụ công ích, đặc biệt là các dịch vụ thiết yếu ở đô thị như điện, nước, vệ sinh môi trường, xử lý chất thải...

Theo văn bản trao đổi với Báo Đà Nẵng, Sở Nội vụ cho rằng, những hạn chế, tồn tại hiện nay trong công tác CPH các doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập và cung cấp dịch vụ công ích sau CPH, một phần là do sự chưa hoàn thiện của hệ thống pháp lý. Do đó, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến CPH, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng dùng chung và quản lý việc cung cấp dịch vụ công ích. Về phía thành phố Đà Nẵng, để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công ích, các sở chuyên ngành quản lý đô thị cần chủ động tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện các quy định làm cơ sở tổ chức khai thác, vận hành, sử dụng hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng đô thị phục vụ cung cấp dịch vụ công ích; hoàn thiện quy định để thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Sửa đổi chính sách khuyến khích xã hội hóa

Cũng theo Sở Nội vụ, sau 15 năm thực hiện chính sách xã hội hóa (kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18-4-2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao), công tác xã hội hóa trên các lĩnh vực của thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kết quả thực hiện xã hội hóa trên các lĩnh vực chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; việc triển khai các chính sách gặp nhiều bất cập, chưa sát với yêu cầu thực tế; các chính sách ưu đãi dần hết dư địa, thiếu sức cạnh tranh so với các địa phương trong khu vực và cả nước… Việc đẩy mạnh xã hội hóa sẽ góp phần thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công, giảm dần sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước… Do đó, trong thời gian tới, thành phố cần thiết có các giải pháp thúc đẩy thực hiện chính sách xã hội hóa trên các lĩnh vực để giảm gánh nặng ngân sách đối với chi cho sự nghiệp, trong đó có đẩy mạnh xã hội hóa việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Tại Công văn số 2814/CT-NCDTPC ngày 7-8-2019 và Công văn số 4051/CT-KK ngày 28-10-2019, Cục Thuế Đà Nẵng cho hay, từ năm 2008 đến 2018, Cục Thuế đã thực hiện việc miễn, giảm thuế, phí cho các cơ sở thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn thành phố đạt 205,715 tỷ đồng. Cục Thuế đề nghị cần thiết phải xây dựng lại quy định về lĩnh vực và địa bàn khuyến khích xã hội hóa, chính sách khuyến khích xã hội hóa để làm cơ sở áp dụng các chính sách miễn giảm thuế đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa.
Trong khi đó, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở văn bản của UBND thành phố về xin ý kiến việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án xã hội hóa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 4074/BKHĐT-QLĐT ngày 14-6-2019 hướng dẫn: “Xã hội hóa không phải là một hình thức đầu tư, mà chỉ là chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có Công văn số 4645/BTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn về việc đấu giá đất, thuê đất và miễn, giảm tiền thuê đất đối với các dự án xã hội hóa... Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thay thế Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 22-3-2016 của UBND thành phố về một số chính sách khuyến khích xã hội hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các quyết định có liên quan đến chính sách khuyến khích xã hội hóa trên địa bàn thành phố.

 KHÁNH HÀ - KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.