Không để tình trạng thiếu nước ảnh hưởng đến đời sống người dân

.

UBND thành phố vừa ban hành công văn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22-1-2020 về triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đặc biệt là không để ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân do thiếu nước; đồng thời, sở tham mưu, đề xuất dự thảo văn bản cho UBND thành phố chỉ đạo công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn thành phố.

Tại chỉ thị nói trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn; tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với thực tiễn nguồn nước và bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; căn cứ tình hình nguồn nước và khả năng bảo đảm cấp nước, tiếp tục điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, xem xét lùi thời vụ, chuyển đổi sản xuất nếu nguồn nước không bảo đảm cung cấp trong suốt thời gian sản xuất.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo triển khai các biện pháp cần thiết để có thể lấy nước chủ động, không phụ thuộc vào việc xả nước của hồ thủy điện, như: nạo vét cửa lấy nước các trạm bơm, cống, kênh mương, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến...; chủ động tích trữ nước trong các hồ, ao, vùng trũng thấp, kênh rạch... để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn… Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước từ đô thị sang khu vực nông thôn để bảo đảm cấp nước cho người dân. Khi xảy ra nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nhất là tại vùng cao, ven biển, phải thực hiện các biện pháp cấp nước, không để ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân do thiếu nước…

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.