Kiếm tiền triệu từ những cây cảnh bỏ đi

.

Sau Tết Nguyên đán, từ mồng 10 tháng Giêng trở đi, những người làm nghề thu gom cây cảnh bắt đầu công việc mua lại “xác” cây mai, quất, lan... để bán lại hoặc chăm sóc để chuẩn bị cho mùa Tết năm sau, kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Một chuyến xe chuyển quất từ Đà Nẵng về Hội An. 	                Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Một chuyến xe chuyển quất từ Đà Nẵng về Hội An. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Nắm bắt được tâm lý của các gia đình sau khi chơi cây kiểng Tết thường vứt bỏ, hoặc bán rẻ nên rất nhiều nhà vườn cũng như người lao động làm nghề thu gom hoa kiểng vào cuộc lùng mua ở mọi nơi. Có mặt tại các cung đường, khu dân cư trên địa bàn thành phố trong khoảng thời gian này, không khó để nhận ra hàng chục xe tải cỡ nhỏ, xe bò, thậm chí xe máy nườm nượp chở mai, quất ra điểm tập kết, để chuyển về nhà vườn.  

Anh Lê Tấn Vạn, một “đầu nậu” chuyên thu mua mai, quất cũ ở quận Cẩm Lệ thổ lộ: “Tôi chạy xe đi khắp các ngõ, ngách để thu gom những “xác” mai, quất. Thông thường, có người bán rẻ, có nhà cho không. Chúng tôi chỉ việc thu gom về bán lại cho các nhà vườn để chăm sóc, chuẩn bị phục vụ mùa tiếp theo. Đối với người chơi cây cảnh Tết, một khi cây đã tàn hoa, rụng quả không còn giá trị nhưng với những người thu gom như chúng tôi là dịp để kiếm tiền. Mỗi ngày, ít nhất tôi cũng kiếm được trên 1 triệu đồng. Tính nhẩm từ mồng 10 tháng Giêng tới nay, thu nhập của tôi cũng đã trên 10 triệu đồng. Nếu lao động chăm chỉ từ nay đến hết tháng Giêng cũng kiếm được khoảng hai chục triệu đồng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thu mua “xác” quất, mai phổ biến với giá rất rẻ, chỉ từ 100.000 - 150.000 đồng/cây; riêng cây nào được giá cũng chỉ vài trăm ngàn đồng/cây, tùy thuộc vào gốc, dáng thế của từng cây. Nhiều nhà còn cho không người thu gom hoặc đem ra vỉa hè, bãi rác để bỏ. Không chỉ có các “đầu nậu” đi thu mua mai, quất mà dịch vụ này thu hút khá đông các lao động đang rảnh rỗi thời gian, nhất là thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đang diễn ra, các hoạt động khác đang ngưng trệ. Không ít người lao động tự do như: xe ôm, phụ hồ... cùng tranh thủ kiếm thu nhập từ nghề này.

Những ngày cuối tháng Giêng, dịch vụ thu gom những cây mai, quất đã tàn hoa, trái diễn ra nhanh chóng. Lý do là nếu để càng lâu sau Tết, cây càng mất sức khó phục hồi. Theo những người làm nghề, việc thu gom những gốc mai, quất này tuy vất vả vì phải đi nhiều nơi nhưng thuận lợi là khi mang về chỉ việc chăm sóc theo kỹ thuật, không phải uốn nắn nhiều mà lợi nhuận thu lại cũng kha khá. Chính vì “ngon ăn” nên công việc cũng gặp phải sự cạnh tranh lẫn nhau, thậm chí đã có trường hợp khiêng trộm cây khi chủ nhà chưa kịp đem đi bỏ.

Với những người làm vườn, để có được một gốc mai, quất có thế đẹp mất rất nhiều thời gian. Nếu làm theo cách thông thường là chiết cành hoặc nuôi gốc, phải mất vài ba năm mới có một gốc mai, quất to, già... bán được giá. Đi gom những gốc mai, quất mà người dân đã chơi hết Tết là cách hiệu quả nhất, đỡ tốn thời gian. Nhưng mua về là một chuyện, còn trồng cho cây sống và tạo hình thế để có thể bán, cho thuê vào năm sau lại là chuyện khác.

Ông Nguyễn Văn Thanh, một chủ vườn ở xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam - nơi được mệnh danh là “thủ phủ” quất miền Trung, cho biết, từ nhiều năm nay, sau mỗi dịp Tết, ông thuê nhiều người đi thu mua lại những gốc quất tạo thế để về chăm sóc. Giá thu mua mỗi cây quất có dáng đẹp dao động từ 1 triệu đến vài triệu đồng, tuy nhiên, sau một năm chăm sóc, mùa Tết năm sau có thể bán được hàng chục triệu đồng.

Cũng theo ông Thanh, việc mua lại “xác” cây quất, mai đã chơi Tết có nhiều lợi thế vì cây lớn, ít tốn công, tạo dáng, ghép cành. Chỉ cần tỉa bấm cành, bấm quả, bón đất, bón phân cho kịp thời gian cây sinh trưởng ra hoa, quả mùa sau. So với việc phải mất vài ba năm, thậm chí lên đến 5 năm mới có lại một cây mai, quất đẹp tự trồng mới. Cách làm này đang dần được nhân rộng, vừa tránh lãng phí lại góp phần bảo vệ môi trường.

Khu vực huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ có rất nhiều hộ dân trồng và bán quất giống, hầu hết đều tận dụng lại nguồn quất “xác”. Với hàng chục năm kinh nghiệm trồng quất, ông Nguyễn Phương (trú thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) thừa nhận, việc mua “xác” quất cũng có những rủi ro do chất lượng cây, trái không đều.

Hơn nữa, quất chỉ được thu mua trong tháng Giêng, nếu sang tháng 2 thì các chủ vườn sẽ không mua nữa vì cây mất sức không chăm được. Đối với cây mai trồng lại thì phải thay một lớp đất mới, phải cắt hết cành lá đến khi có chồi lộc mới thì tiếp tục nuôi dáng thế cho đẹp.

Còn quất cũng phải chăm sóc kỹ lưỡng, tỷ mẩn mới cho hoa, quả to đẹp vào dịp Tết năm sau. Năm nay, vườn ông thu mua khoảng 100 chậu về chăm bón lại, cộng thêm khoảng 200 cây giống trong vườn. Nghề thu gom “xác” mai, quất được coi là kiếm ra tiền, mua rẻ bán đắt.

Tuy nhiên, để chăm sóc thành công một gốc mai, quất đẹp từ chỗ bị bỏ ra đường đến lúc thành một gốc mai, quất bung hoa, nở quả đúng vào dịp Tết không phải là chuyện đơn giản và không phải ai cũng làm được.

PHƯƠNG UYÊN

;
;
.
.
.
.
.