Từ nghiên cứu khoa học đến khởi nghiệp

.

Từ lâu, đông trùng hạ thảo đã được xem là một loại đông dược có nhiều ích lợi cho hệ miễn dịch của con người và thường được bán với giá khá đắt. Với mong muốn giúp nhiều người có thể tiếp cận loại dược liệu này, anh Nguyễn Thành Trung và anh Nguyễn Thiện Khiêm đã xây dựng chu trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo nhân tạo, tạo ra sản phẩm có hàm lượng hoạt chất cao với giá “mềm”.

TS Nguyễn Thành Trung kiểm tra các phôi nấm đông trùng hạ thảo đang được ươm trồng. Ảnh: KHANG NINH
TS Nguyễn Thành Trung kiểm tra các phôi nấm đông trùng hạ thảo đang được ươm trồng. Ảnh: KHANG NINH

Sau khi lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành Sinh học phân tử tại Đại học tổng hợp Greifswald (Đức), năm 2013, anh Nguyễn Thành Trung trở về Đà Nẵng. Trong thời gian làm việc tại Trung tâm Sinh học phân tử thuộc Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (Trường Đại học Duy Tân), anh Trung nhận thấy tiềm năng của loài đông trùng hạ thảo đối với sức khỏe con người.

Anh kể, khoảng năm 2017 - 2018, đông trùng hạ thảo đã được nuôi trồng và bán rất nhiều tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, song ở miền Trung vẫn còn ít. Vốn có chuyên ngành về công nghệ sinh học, anh góp vốn cùng bạn của mình là anh Nguyễn Thiện Khiêm để cùng nghiên cứu, xây dựng một cơ sở chuyên ươm tạo đông trùng hạ thảo ngay tại Đà Nẵng. Anh Trung chia sẻ: “Khi bắt tay vào làm, chúng tôi có 2 mục tiêu chính.

Thứ nhất, phải làm sao để có sản phẩm chất lượng, có hàm lượng dược liệu cao nhất có thể. Thứ hai, sản phẩm phải có giá thành phù hợp với người tiêu dùng miền Trung. Để đáp ứng 2 mục tiêu đó, chỉ có cách chủ động nguồn giống rồi nghiên cứu quy trình ươm giống gốc thành phôi, thay vì nhập phôi như đa phần các cơ sở trồng đông trùng hạ thảo khác đang làm”.

Đầu năm 2018, anh Trung và anh Khiêm bắt đầu đi tìm những giống đông trùng hạ thảo bảo đảm chất lượng. Quy trình ươm giống thành phôi đã có sẵn, song những chi tiết bên trong quy trình như tỷ lệ các chất dinh dưỡng, thành phần giá thể... thì phải tự mày mò, cải biến. Anh Trung nói: “Cứ mỗi lần điều chỉnh 1 bước nào đó, hai anh em lại hồi hộp chờ khoảng 2 tháng để xem thành phẩm nấm ra thế nào. Có nhiều lần làm sai, phải vứt bỏ cả mẻ nhưng mình vẫn phải làm tiếp. Cuối cùng, sau hơn nửa năm, hai anh em tìm ra quy trình ưng ý nhất”.

Kết quả thử nghiệm của Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) vào tháng 12-2019 đối với sản phẩm đông trùng hạ thảo sợi khô của anh Trung và anh Khiêm cho thấy, hàm lượng cordycepin là 422,5mg/100g, hàm lượng adenosine là 125,2 mg/100g.

Đây là hàm lượng cao nhất trong các loại đông trùng hạ thảo nhân tạo được ươm tạo tại miền Trung hiện nay. Cordycepin là thành phần quan trọng nhất của đông trùng hạ thảo, có tác dụng ngăn ngừa và ức chế các khối u và tế bào gây ung thư, kháng khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Còn adenosine là hoạt chất giúp ngủ ngon, tăng cường chuyển hóa năng lượng, cải thiện tuần hoàn máu, chống lão hóa.

Tháng 8-2018, anh Trung và anh Khiêm thành lập Công ty Công nghệ sinh học Vinseed. Anh Khiêm bảo: “Đây là một cột mốc trên con đường đi từ nghiên cứu khoa học sang khởi nghiệp. Trước đó, mình đã tìm hiểu nhiều về khởi nghiệp tinh gọn nên quyết định ở giai đoạn đầu sẽ cố gắng tận dụng mọi tài nguyên có sẵn.

Phòng thí nghiệm được cải tạo lại từ 1 căn phòng trống trong nhà. Nhân viên cũng đa phần là bán thời gian để giảm chi phí”. Theo đó, công suất tối đa của Vinseed là 40,4 kg đông trùng hạ thảo thành phẩm/tháng. Hiện đa phần các sản phẩm được bán trực tuyến hoặc truyền miệng, với khoảng hơn 100 khách hàng ở khu vực miền Trung.

Anh Khiêm thông tin thêm, Công ty Vinseed đang làm hồ sơ đăng ký thành doanh nghiệp khoa học công nghệ tại Sở Khoa học và Công nghệ. Trong thời gian tới, anh Khiêm và anh Trung sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và thị trường, khai thác các sản phẩm dược liệu, nấm và công nghệ sinh học khác ngoài đông trùng hạ thảo.

“Đi từ nghiên cứu khoa học sang khởi nghiệp, mình đã thu gom được một số bài học quý. Công việc nghiên cứu đã hỗ trợ cho mình những kiến thức chuyên môn để tạo ra sản phẩm có hàm lượng hoạt chất cao nhất có thể. Nhưng chỉ nghiên cứu không thôi thì không giải quyết được bài toán đầu ra, mà phải có thêm những người phụ trách kinh doanh, thị trường nữa. Khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học giống nhau ở điểm sẽ phải trải qua nhiều lần thử và sai, nhưng mình buộc phải tìm ra nguyên nhân để giải quyết vấn đề chứ không được nản. Phải dồn toàn tâm toàn ý vào công việc, nhưng cũng phải luôn chú ý đến tốc độ, bởi nếu chậm chân thì sẽ có các đơn vị khác “nhảy” vào làm, cạnh tranh gay gắt”, anh Trung chia sẻ.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.