Biến sản phẩm kính thành thớt

.

Từ trăn trở về mối nguy hiểm của các loại thớt gỗ, thớt nhựa ẩm mốc đến sức khỏe của người dùng và với kinh nghiệm “gia truyền” hơn 10 năm làm kính, chị Đặng Thị Hằng (sinh năm 1990) đã mạnh dạn bắt đầu dự án khởi nghiệp Sala – Khi kính là thớt.

Chị Đặng Thị Hằng và sản phẩm thớt kính cường lực Sala. 	                   Ảnh: Mai Quế
Chị Đặng Thị Hằng và sản phẩm thớt kính cường lực Sala. Ảnh: Mai Quế

“Là một người mẹ, hẳn ai cũng muốn những điều tốt nhất cho con mình, vốn tính cầu toàn, tôi nghĩ việc chế biến thức ăn cho con trên chiếc thớt gỗ ẩm mốc thật không tốt chút nào. Vậy là tôi suy nghĩ xem có vật dụng gì có thể thay thế được không?”, chị Hằng chia sẻ ý tưởng khi chị sinh em bé vào năm 2015.

Mỗi ngày đều đi qua xưởng kính của gia đình ở huyện Hòa Vang, chị Hằng chợt nghĩ ra tại sao không thử dùng kính cường lực để làm thớt khi nó có thể chịu lực khá tốt. Nghĩ là làm, chị nhờ người nhà tạo ra một chiếc thớt bằng kính cường lực.

Khi thử chặt, xắt trên nó, mọi thao tác đều khá ổn và không thua kém gì thớt gỗ hay thớt nhựa và không tạo ẩm mốc trên bề mặt. “Khi đó, tôi thực sự rất vui vì tạo ra được một sản phẩm đúng tiêu chí đặt ra, thế là tôi làm tặng tất cả họ hàng, người thân một chiếc thớt kính cường lực với suy nghĩ đơn giản là để bảo đảm sức khỏe cho họ và những người xung quanh. Sau đó, những người được tôi tặng thớt kính cường lực lại bảo rằng, sản phẩm này có tính khả thi để sản xuất, kinh doanh, tại sao không thử?”, chị Hằng kể.

Được tiếp thêm động lực, năm 2016, chị Hằng đăng lên mạng xã hội về công dụng của thớt kính cường lực và bất ngờ nhận được 300 đơn đặt hàng trong vài tiếng đồng hồ. Nhận thấy nhu cầu của thị trường, nên dù bước đầu còn nhiều khó khăn, chị Hằng cũng mạnh dạn vay mượn để đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị với giá hàng trăm triệu đồng để sản xuất thớt kính cường lực.

Xuất phát từ dân thiết kế nên với một sản phẩm làm ra, chị Hằng suy nghĩ không chỉ là công dụng, mà còn phải mang tính thẩm mỹ cao và đặc biệt an toàn với người sử dụng. Dễ nhận thấy, tâm lý của người tiêu dùng khi nghe tới kính là dễ vỡ và sợ nguy hiểm khi kính nứt, mẻ hoặc những góc thớt kính không được bo tròn. Chính vì vậy, khác với những chiếc thớt chị Hằng làm tặng mọi người, những chiếc thớt kính cường lực bán ra liên tục được cải tiến để vừa đẹp vừa thuận tiện nhất.

Vừa sản xuất, vừa học hỏi, chiếc thớt kính cường lực Sala hoàn chỉnh hiện nay ở tay cầm được gắn thêm roan cao su để an toàn hơn khi sử dụng, tại 4 góc thớt gắn thêm các chân đế chống trượt, độ dày mỗi chiếc thớt có loại 10mm, 12mm, được nghiên cứu sao cho khi cầm lên không quá nặng nhưng vẫn chịu được lực chặt thức ăn. Sau gần 4 năm hoạt động trên thị trường, đến thời điểm hiện tại, chị Hằng đã đạt được những thành quả nhất định với hơn 30 nhà phân phối trên toàn quốc.

Bên cạnh việc bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng, những chiếc thớt kính cường lực của chị Hằng còn bảo vệ môi trường và mang tính tái sử dụng cao. Từ những chiếc kính ở các công trình xây dựng còn thừa, gọi là kính “rẻo”, miễn là kích thước không quá nhỏ, chị Hằng sẽ thu mua lại để gia công thành thớt kính cường lực, tuy nhiên, những loại kính “rẻo” này phải có nguồn gốc rõ ràng từ những lò cường lực quanh khu vực miền Trung.

Chủ nhân của dự án Sala cho biết, một chiếc thớt kính cường lực muốn tốt thì cái phôi kính của nó phải tốt. “Tôi chỉ tin tưởng những nhà máy sản xuất trong nước với chất lượng được bảo đảm, từ cát làm ra phôi kính chứ không sử dụng những loại phôi kính làm từ nhiều loại tạp chất, khi đó chiếc thớt kính cường lực chỉ sử dụng vài lần đã hỏng ngay”, chị Hằng nói.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, chị Hằng hiện sắp đưa vào thị trường một dòng sản phẩm mới với nhiều cải tiến vượt trội, có tên gọi Sala Lux. Với dòng sản phẩm này, chị Hằng mong muốn đưa được những chiếc thớt kính cường lực không chỉ trong bếp của gia đình Việt, mà còn xuất hiện trong gian bếp các gia đình khắp thế giới.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.