Chủ động chống hạn vụ đông xuân

.

Lúa vụ đông xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ, đứng cái và làm đòng, nhưng một số diện tích bị khô nước mặt ruộng. Trước tình hình đó, UBND thành phố vừa chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai chống hạn hán ngay giữa vụ đông xuân và thực hiện các biện pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại, không để có diện tích sản xuất nào bị mất trắng do khô hạn.
 

Nhân viên Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng đang điều tiết nước tưới cho các cánh đồng. 						           Ảnh: HOÀNG HIỆP
Nhân viên Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng đang điều tiết nước tưới cho các cánh đồng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện có 7ha lúa ở các thôn Xuân Phú, Phú Thượng, Tùng Sơn của xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) bị khô nước mặt ruộng. Số diện tích lúa này phụ thuộc vào nguồn nước trời (mưa).

Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều cánh đồng lúa ở huyện Hòa Vang, hiện có một số diện tích bị khô nước, mặt ruộng nứt nẻ chân chim do chậm trổ nước vào ruộng, ở cuối nguồn nước tưới hoặc do mặt ruộng cao hơn khu vực xung quanh.

Đặc biệt, một số diện tích trồng lúa ở rìa phía đông bắc thôn Tây An, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) do một số hộ dân ở phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) canh tác, đang thiếu nước tưới do ở cuối tuyến kênh dẫn nước từ trạm bơm Bích Bắc về.

Tại đây, người dân đã đặt sẵn nhiều ống dẫn nước và máy bơm nước tưới chạy bằng dầu từ một ngách của sông Cầu Đỏ nhưng bơm nước thất thường do sông đang bị nhiễm mặn nặng. Vào trưa 25-2, ông Lê Dược (trú tổ 1A, phường Hòa Thọ Đông) đội nắng múc từng gàu sòng tưới vào một phần thửa ruộng đang bị khô nước, mặt ruộng đã có vài vết nứt nẻ chân chim.

“Ruộng thì rộng, sức người có hạn nên chỉ tát được ít gàu nước, không thể múc tưới hết được. Vừa tát vừa chờ chủ thửa ruộng bên cạnh lên vận hành máy bơm nước rồi trổ nước vào ruộng của mình. Các thửa ruộng xung quanh đây đều khô nước, riêng thửa ruộng của tôi đã có khoảng 250m2 bị khô hẳn nước”, ông Lê Dược lo lắng.

Trong khi đó, theo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, để bảo đảm nước tưới cho diện tích lúa vụ đông xuân và cả vụ hè thu đến, công ty đã trữ nước hồ Đồng Nghệ, đắp nhiều đập bổi để giữ nước… ; đồng thời, lắp đặt, vận hành các trạm bơm chống hạn tại Phú Sơn, An Tân, Dương Sơn, Lệ Sơn, Yến Nê, Miếu Ông, đập dâng An Trạch… để bổ sung nước thiếu.

Ông Lê Văn Sâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng cho biết: “Qua tính toán cân bằng nước cho thấy, trữ lượng nước trong hồ Đồng Nghệ không bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong năm 2020 nên bên cạnh thực hiện các biện pháp đắp đập bổi, vận hành sớm các trạm bơm chống hạn, chúng tôi khuyến cáo người dân và các địa phương sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý và be bờ để giữ nước”.

Cũng theo ông Lê Văn Sâm, một vấn đề quan trọng là cần có sự phối hợp giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước sông Vu Gia. Công ty đã đề nghị lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng sớm có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cùng các đơn vị liên quan của tỉnh để có sự thống nhất và phối hợp tốt trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Vu Gia một cách hợp lý, bảo đảm cấp nước tưới cho diện tích sản xuất của 2 địa phương.

Theo đó, cần có sự thống nhất về lịch xuống giống và lịch vận hành các trạm bơm cấp nước dọc hệ thống sông Vu Gia cũng như hệ thống thủy lợi An Trạch. “Việc phối hợp khai thác, sử dụng nước ở hệ thống thủy lợi An Trạch hợp lý là rất quan trọng vì vừa bảo đảm đủ nước sản xuất nông nghiệp, vừa giúp đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng.

Chẳng hạn, nếu một mực đóng kín các cửa van của đập dâng An Trạch thì khi mực nước sông Vu Gia cao, sẽ chảy tràn qua các nhánh sông khác và chảy ra biển, trong khi sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng, nhưng không có thêm nguồn nước để đẩy mặn. Việc cấp nước sinh hoạt cho người dân là ưu tiên hàng đầu, nhưng việc bảo đảm nước cho sản xuất nông nghiệp là rất quan trọng, nên cần phải có sự phối hợp sử dụng nước hợp lý”, ông Lê Văn Sâm đề cập.

Theo Chi cục Thủy lợi (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng), dự báo lưu lượng dòng chảy về sông Vu Gia và các sông thuộc thành phố Đà Nẵng từ tháng 2 đến tháng 5-2020 thiếu hụt khá nhiều so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Mực nước trên sông Vu Gia và Cẩm Lệ từ tháng 4-2020 đến tháng 6-2020 có khả năng xuống thấp hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt, mực nước sông Vu Gia có khả năng xuống thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử và tình hình xâm nhập mặn trên các sông có khả năng mạnh hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước. Trên các sông sẽ xuất hiện độ mặn lớn, mặn xâm nhập sâu vào trong sông gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt…

Với tình hình thời tiết và nguồn nước như trên, dự kiến công tác cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp năm 2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sẽ gặp nhiều khó khăn. Chi cục Thủy lợi đã xây dựng, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND thành phố ban hành phương án chống hạn sản xuất nông nghiệp năm 2020 trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 519/QĐ-UBND ngày 17-2-2020.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện quản lý khai thác công trình thủy lợi và các tổ chức thủy nông phải triển khai ngay các giải pháp chống hạn ngay giữa vụ đông xuân. Các đơn vị quản lý, khai thác công trình tăng cường kiểm tra kênh mương, đồng ruộng, kiểm tra lượng nước lãng phí từ các kênh tiêu của từng khu tưới để điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm nước; phối hợp với các đội thủy nông cơ sở tổ chức lấy nước đúng phiên và xử lý kịp thời những sự cố.

Đồng thời, tu bổ, đắp kín các đập thời vụ, đập ngăn kênh tiêu trong khu tưới, khắc phục rò rỉ nước kênh mương và đồng ruộng; tổ chức đắp các đập tạm trên các mương tiêu để lấy nước tưới cho các diện tích thấp, sử dụng nước tiết kiệm, tăng cường vận hành các trạm bơm tại hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn theo lịch xả nước của các hồ thủy điện.

Những khu tưới có điều kiện thì tổ chức áp dụng tưới tiêu theo phương pháp nông - lộ - phơi để tiết kiệm nước… UBND thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện chủ động xây dựng và triển khai thực hiện phương án chống hạn trên địa bàn và chỉ đạo các địa phương tuyên truyền nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng thiếu nước, hạn chế thấp nhất thiệt hại, không để có diện tích sản xuất nào bị mất trắng do khô hạn.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.