EVFTA: Giải pháp quan trọng để đạt các chỉ tiêu tăng trưởng

.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu lãnh đạo các đơn vị liên quan cần chủ động, tích cực chuẩn bị các nội dung cần thiết để Hiệp định EVFTA có thể sớm được đưa vào thực thi.

Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: TTXVN)
Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: TTXVN)

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có ý nghĩa quan trọng, là bước đi mới trong tiến trình hội nhập của đất nước và là giải pháp quan trọng để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành công thương trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến không thuận lợi.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định như vậy tại buổi làm việc chiều ngày 4-3 với lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng liên quan về chuẩn bị thực thi EVFTA khi Hiệp định này chính thức có hiệu lực, dự kiến vào tháng 7 tới.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu lãnh đạo các đơn vị liên quan cần chủ động, tích cực chuẩn bị các nội dung cần thiết để Hiệp định có thể sớm được đưa vào thực thi.

“Để việc triển khai đạt được kết quả tốt, cần có sự vào cuộc của các tổ chức, cơ quan nhà nước, của cả hệ thống chính trị, nhất là sự chuẩn bị từ trong nội bộ ngành công thương,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Báo cáo với Bộ trưởng về tình hình thực hiện các thủ tục phê chuẩn Hiệp định, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 12-3 tới phía EU sẽ hoàn thành thủ tục ở khâu Hội đồng châu Âu, sẵn sàng cho khâu thực hiện. EU đã chủ động dự thảo các văn bản để thực thi trước khi trình Nghị viện châu Âu nên có thể đưa Hiệp định vào thực thi ngay.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Việt Nam đã hoàn thành các nhiều bước cơ bản như Bộ Công Thương đã trình Chính phủ hồ sơ về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA; Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành rà soát lại danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành, sửa đổi, bổ sung để thực thi Hiệp định EVFTA, hiện Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các Thành viên Chính phủ về Tờ trình này của Bộ Công Thương.

Để đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn Hiệp định, đáp ứng các quy định về trình tự, thủ tục của luật, Vụ Đa biên kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương có kế hoạch triển khai một số công việc cụ thể như làm việc với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - thống nhất các nội dung của hồ sơ trình Quốc hội cũng như việc phục vụ cho các Ủy ban và đại biểu Quốc hội tiến hành thẩm tra, xem xét việc phê chuẩn Hiệp định.

Cùng với đó, ông Lương Hoàng Thái cũng đề nghị lãnh đạo Bộ làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công nhận EU là một thực thể trong các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), trong trường hợp cần thiết thì có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Vụ Đa biên làm việc với EU để xác nhận về Chương trình hành động của Chính phủ để EU có thể đảm bảo Việt Nam thực hiện được các cam kết của Hiệp định.

Riêng với việc xây dựng văn bản pháp luật để thực thi EVFTA, Vụ Đa biên kiến nghị giao Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với các đơn vị iên quan rà soát lại công tác xây dựng pháp luật, có kiến nghị về hình thức và nội dung văn bản quy nhạm pháp luật Bộ Công Thương chịu trách nhiệm làm đầu mối xây dựng.

Mặt khác, giao Cục Xuất Nhập khẩu đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện nội dung của Thông tư về xuất xứ hàng hóa và nghiên cứu hình thức hướng dẫn cho doanh nghiệp thực thi cam kết về phân bổ hạn ngạch thuế quan đối với gạo xuất khẩu sang EU.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trong bộ, nhất là vụ Chính sách thương mại đa biên (đơn vị đầu mối) phải tập trung rà soát các nội dung trong phụ lục; hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảo bảo việc phê chuẩn của Quốc hội.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Vụ Chính sách thương mại đa biên sớm làm việc với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, thống nhất các nội dung của hồ sơ trình Quốc hội cũng như phục vụ cho các Ủy ban và đại biểu quốc hội tiến hành thẩm tra, xem xét việc phê chuẩn hiệp định.

Đặc biệt, nội dung tập trung vào các căn cứ trình Quốc hội, vấn đề Brexit, nội dung về pháp luật như lộ trình ban hành văn bản, các nội dung áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tổ chức các buổi toạ đàm dưới hình thức phù hợp, cung cấp thông tin về khía cạnh pháp lý cho các đại biểu Quốc hội trước khi trình Hiệp định lên Quốc hội. Cần cụ thể hoá các kế hoạch, không báo cáo chung chung, thành lập nhóm tư vấn.

Hơn nữa, sớm làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về nội dung công nhận EU là một thực thể trong các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Bởi theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đây là nội dung lớn nên đề nghị Cục Xuất Nhập khẩu, Vụ châu Âu-châu Mỹ phải đánh giá các ngành hàng có điều kiện gia tăng dư lượng ở thị trường này cũng như việc mở cửa thị trường, cơ chế hỗn hợp song phương và đảm bảo câu chuyện cân bằng lợi ích giữa hai bên.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.