Quyết tâm khai mở, khơi thông sông Cổ Cò được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam quan tâm và chỉ đạo quyết liệt để sớm khởi công dự án.
Một số dự án phát triển đô thị đang được đầu tư ven sông Cổ Cò. |
Ông Huỳnh Đắc Đạt, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết, tổng kinh phí dự án khơi thông sông Cổ Cò qua địa bàn Đà Nẵng là 486 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn bố trí năm 2020 là 176 tỷ đồng (30 tỷ đồng từ ngân sách thành phố).
Việc triển khai dự án nạo vét sông Cổ Cò góp phần bảo đảm cảnh quan khu vực, thúc đẩy phát triển tuyến du lịch đường thủy Đà Nẵng - Hội An và đồng bộ với dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp, chống xâm thực nhập mặn sông Cổ Cò đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam, phát triển liên kết giữa hai địa phương thuộc khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Ông Đạt thông tin thêm, trong tháng 3-2020 sẽ hoàn thành xong toàn bộ nội dung của dự án. Tiến độ được xây dựng với mốc thời gian ngày 30-4 trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tháng 5-2020 lựa chọn thiết kế thi công, tháng 7-2020 hoàn thành toàn bộ dự toán kinh phí, thiết kế bản vẽ thi công và tháng 9-2020 khởi công công trình.
Tiến độ trong năm nay hoàn toàn bảo đảm, công trình không thể chậm trễ bởi lẽ toàn bộ các khâu khó khăn như quy hoạch chi tiết 1/500, báo cáo đánh giá tác động môi trường (phải thống nhất 2 địa phương) đều đã xong. Hiện Ban Quản lý dự án đang phối hợp với Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch để thiết kế cảnh quan hai bên sông Cổ Cò. Viện Quy hoạch đã trình Sở Xây dựng thẩm định để sớm trình thành phố.
Tại buổi họp ngày 11-2-2020, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho rằng, dự án nạo vét sông Cổ Cò là công trình trọng điểm của thành phố nên phải triển khai khẩn trương. Hồ sơ phần việc nào xong trước thì làm trước, không nhất thiết phải chờ tổng thể nhằm rút ngắn thời gian.
Đồng thời chỉ đạo, khi thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông, Viện Quy hoạch cần lấy ý kiến Sở Văn hóa-Thể thao, Sở Du lịch và UBND quận Ngũ Hành Sơn, bởi lẽ cảnh quan hai bên sông cũng để phát triển du lịch, nhất là đoạn qua khu vực chùa Quán Thế Âm.
Riêng phần bờ kè đi qua các khu đô thị như FPT, Phú Mỹ An, Sở Xây dựng phải có văn bản đốc thúc, yêu cầu các chủ đầu tư dự án đô thị này triển khai bờ kè sông Cổ Cò qua phần dự án của mình đúng với thiết kế chung của thành phố. Thời gian triển khai bờ kè cũng phải được công khai cụ thể, tránh tình trạng thành phố triển khai xong bờ kè, nhưng phần qua các dự án chậm trễ triển khai.
“Tinh thần rút ngắn thời gian, thủ tục không để chậm tiến độ, song vẫn phải bảo đảm đúng quy định. Nếu thiếu sót thủ tục phải làm lại, chậm trễ sẽ kéo dài qua năm 2021 đồng nghĩa với nguồn vốn bố trí từ Trung ương sẽ trôi qua”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
Về phía địa phận tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc triển khai nạo vét sông Cổ Cò thể hiện quyết tâm chính trị của địa phương và lãnh đạo tỉnh đã quy hoạch toàn bộ khu vực ven sông Cổ Cò để phát triển đô thị, dịch vụ du lịch. Dự án khơi thông sông Cổ Cò nối cửa Hàn tới cửa Đại (thành phố Hội An) dài 28km nhằm hình thành tuyến giao thương, du lịch đường thủy để phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài 9km qua địa phận Đà Nẵng, thì 14km từ Cửa Đại đến Điện Dương (thị xã Điện Bàn) do phía Quảng Nam triển khai đang được nạo vét với tổng kinh phí 850 tỷ đồng (341 tỷ từ nguồn vốn Trung ương). 5,7km còn lại từ Điện Dương tới Cocobay (giáp Đà Nẵng) chưa tìm được nguồn vốn.
Không chỉ nạo vét, khơi thông với bề mặt sông rộng 90m, đáy rộng 40m, hai bên sông còn được xây bờ kè theo quy chuẩn chung; đồng thời địa phận Quảng Nam đã xây 3 cây cầu và sẽ triển khai xây thêm cầu Mỹ Tự dài 188m, cầu Ông Điền dài 242m.
UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, mọi quan ngại về môi trường khu vực nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đã được giải quyết khi vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, thành phố Hội An.
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, tổng vốn năm 2019 đã bố trí cho dự án 192,1 tỷ đồng; trong đó vốn Trung ương 170,6 tỷ đồng, vốn địa phương 21,5 tỷ đồng.
Đơn vị này đang thực hiện các bước để phê duyệt thiết kế dự án, dự kiến trong quý 1-2020 sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp và khởi công công trình vào quý 2-2020.
Ông Nguyễn Đạt, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, dự án nạo vét sông Cổ Cò là dự án có tính chất liên kết, liên vùng. Dự án này sau khi được nạo vét thông thương giữa Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ tạo ra vệt dân cư, đô thị dọc hai bên bờ sông.
Ông Đạt cho rằng, khi sông Cổ Cò được nạo vét, giao thông đường thủy cũng như du lịch, dịch vụ, thương mại sẽ phát triển tốt hơn; điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội thị xã Điện Bàn theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ ở phía đông của thị xã. Hiện trên 82% lao động trên địa bàn làm trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Với quyết tâm của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, hy vọng sông Cổ Cò sẽ sớm được khơi dòng và hồi sinh, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội hai địa phương và một chuỗi đô thị ven con sông thơ mộng Lại Cảnh Giang sẽ được đầu tư trong tương lai không xa.
TRIỆU TÙNG