Những câu hỏi quan trọng khi bắt đầu khởi nghiệp

.

Sean Wise, nhà đầu tư mạo hiểm, cố vấn khởi nghiệp người Canada cho rằng, trước khi quyết định khởi nghiệp, bạn cần tự hỏi một số câu hỏi quan trọng.

1. Ai là khách hàng của bạn?

Hãy luôn là khách hàng của chính mình. Khi đó, bạn không chỉ có cái nhìn thấu đáo về sản phẩm hay dịch vụ mà mình cung cấp, mà còn có khả năng tiếp cận dễ dàng hơn với các khách hàng khác. Trong một chuyến công tác đến Paris (Pháp) cách đây hơn 10 năm để dự hội thảo, Travis Kalanick đã không thể bắt được taxi, để rồi ông sáng lập ra Uber (ứng dụng di động giúp người dùng chia sẻ phương tiện đi lại, chủ yếu là xe hơi).

2. Vấn đề cần giải quyết là gì?

Sau khi xác định nhóm khách hàng mục tiêu, điều bạn cần làm là tìm hiểu những vấn đề lớn mà nhóm này đang mắc phải. Ông Sean Wise cho rằng cần giải quyết các nhu cầu, thay vì các mong muốn. Bạn cần tìm môt vấn đề đủ lớn đến mức nhóm khách hàng thích nghi nhanh (“early adopter” - tức những người dùng đầu tiên, sẵn sàng thử nghiệm cái mới và chấp nhận rủi ro) sẽ trả tiền ngay cả khi phương án bạn đưa ra chưa thực sự hoàn hảo.

3. Hiện trạng còn thiếu sót gì?

Sau khi xác định được vấn đề, bạn cần tìm hiểu trên thị trường đã có những giải pháp nào cho vấn đề đó và điểm yếu của chúng là gì. Từ đó, xác định những yếu tố mà giải pháp mới của bạn cần có để người dùng chuyển từ những giải pháp cũ sang giải pháp mới của bạn. Cần lưu ý, một số giải pháp cần có những yếu tố khác mới có thể tiếp cận với người dùng. Netflix (dịch vụ xem phim, chương trình truyền hình trực tuyến) đã không thể đánh bại Blockbuster Video (từng là “đại gia” trong làng cho thuê băng video) cho đến khi đa số người Mỹ sử dụng internet tốc độ cao. Do vậy, cần tự hỏi giải pháp của bạn cần thêm những yếu tố “ngoại cảnh” nào để khách hàng trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ tốt nhất. Bạn có thể tạo nên những yếu tố “ngoại cảnh” đó không? Nếu có, bạn có thể bảo vệ tài sản trí tuệ đó không? Tuy vậy, ông Sean Wise cũng lưu ý rằng, một giải pháp mới không luôn đòi hỏi phải có công nghệ mới. Netflix, Tinder (ứng dụng hẹn hò), Airbnb và Uber đều thành công dựa trên mô hình chứ không chỉ dựa trên công nghệ.

4. Liệu có ai mua sản phẩm/ dịch vụ của bạn không?

Đa phần các nhà đầu tư kỳ vọng một startup đã có lợi nhuận, tăng trưởng khách hàng… trước khi họ rót vốn. Do đó, việc startup xây dựng được nhóm khách hàng trung thành ở giai đoạn sớm quan trọng hơn việc hoàn thiện sản phẩm/dịch vụ đến mức hoàn hảo. Theo Sean Wise, nếu một startup không thể tìm ra khách hàng cho phiên bản beta của sản phẩm của họ (phiên bản đã được chỉnh sửa sau phiên bản thử nghiệm đầu tiên, nhìn vào đó có thể thấy được kế hoạch tương lai của startup) thì có khả năng vấn đề mà startup đó đang giải quyết (ở câu hỏi số 2) không phải là 1 vấn đề lớn.

5. Liệu bạn có thể tạo ra lợi nhuận?

Nếu doanh thu cuối cùng vẫn không thể lớn hơn chi phí, startup của bạn đã chết. Đơn giản là vậy! Hãy tìm những cách chi phí thấp nhất để thu hút khách hàng mới. Chạy quảng cáo Facebook? Tham gia các cuộc thi Twitter? Dự triển lãm thương mại? Hãy tìm những người dùng mới thật nhanh chóng mà ít tốn kém nhất có thể. Sau đó, hãy tập trung vào việc tận dụng tối đa những khách hàng mới này. Cố gắng tìm cách tăng doanh thu bằng cách tăng giá trị.

6. Startup của bạn có thể mở rộng quy mô không?

Khi doanh nghiệp của bạn đã có lãi, việc mở rộng quy mô sẽ giúp đưa nó lên vị trí top đầu thế giới. Hãy mở rộng quy mô khi chi phí thu hút 1 khách hàng mới thấp hơn doanh thu mà bạn có thể kiếm được từ khách hàng đó.

                                       KHANG NINH (lược dịch từ Inc.com)

 

;
;
.
.
.
.
.