Trên cơ sở phân tích, nhận định, đánh giá đầy đủ các lợi thế so sánh của Đà Nẵng, là thành phố trung tâm của miền Trung và Tây Nguyên, của duyên hải miền Trung và của Bắc miền Trung, Nghị quyết số 43-NQ/TW xác định quan điểm, mục tiêu và các giải pháp phát triển Đà Nẵng trong giai đoạn mới.
Bán đảo Sơn Trà phải được tiếp cận một cách bài bản, trong đó phát triển phải gắn với bảo tồn thiên nhiên. Ảnh: X.SƠN |
Đà Nẵng là một thành phố cảng, một thành phố biển có điều kiện tự nhiên hết sức ưu đãi. Với vị trí như vậy, có thể xác định Đà Nẵng có một vị trí địa chính trị, địa kinh tế hết sức quan trọng, là một lợi thế hết sức lớn lao. Đà Nẵng nằm trên trục Bắc Nam, cũng như là hành lang Đông - Tây. Vì thế, xây dựng và phát triển Đà Nẵng không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà còn tạo ra động lực và sự lan tỏa cho cả vùng.
Nghị quyết số 43-NQ/TW đã đặt mục tiêu tổng quát là “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học-công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phổ cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc (1).
Đà Nẵng đầu tư phát triển kinh tế dịch vụ cảng theo hướng tăng cường hoạt động về logistics. Ảnh: HUY ĐẰNG |
Mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch, một trung tâm về khoa học công nghệ, một trung tâm công nghiệp công nghệ cao, một trung tâm về logistics và phát triển Đà Nẵng theo hướng trở thành một thành phố thông minh, một thành phố sinh thái, một thành phố đáng sống để đến năm 2030 tầm cỡ của Đà Nẵng không chỉ là một thành phố hàng đầu của cả nước mà còn là một thành phố hàng đầu của khu vực Đông Nam Á; và đến năm 2045, trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á nói chung.
Mục tiêu đó đòi hỏi Đà Nẵng tập trung rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030 có tính đột phá, dự báo phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.
Về quy hoạch phát triển đô thị
Quá trình phát triển đô thị quá nhanh trong những năm qua đã bộc lộ những hạn chế về quy hoạch trước đây. Chẳng hạn, từ chỗ mong có nhà cao tầng đến chỗ phát triển nhà cao tầng mất kiểm soát, giờ sợ nhà cao tầng, nhất là khu vực ven biển. Đà Nẵng có lợi thế thiên nhiên sông-núi-biển tạo thành đô thị bản sắc, nhưng không thấy dựa vào núi mà cứ tập trung ra hết mặt biển.
Quy hoạch xanh và kiến trúc xanh cần được tính toán hợp lý trong phát triển thành phố. Ảnh: NGUYỄN NGỌC QUANG |
Do không tôn trọng quy hoạch nên khu vực ven vệt đường Phạm Văn Đồng, từ chỗ quy hoạch biệt thự, thế rồi thi nhau ghép thửa xây nhà cao tầng, quy hoạch dân từ 1.500 tới 2.000 người, giờ lên 6.000 người, nên hiện nay chịu áp lực lớn về đô thị như giao thông quá tải, cung cấp nước sạch, thoát nước… Khu vực quận Hải Châu, Thanh Khê hiện nay, hạ tầng lạc hậu nhất, vì quá cũ, đòi hỏi phải thiết kế quy hoạch lại để giải quyết bất cập. Hoặc bán đảo Sơn Trà như tờ giấy trắng, phải tiếp cận một cách bài bản, trong đó phát triển phải gắn với bảo tồn thiên nhiên, phải bảo tồn bán đảo Sơn Trà.
Để bứt phá, phát triển trong giai đoạn mới cần một quy hoạch đủ tầm. Việc điều chỉnh quy hoạch cũng sẽ hướng tới phục vụ cộng đồng, vì lợi ích cộng đồng, vì sự phát triển bền vững. Đây là giai đoạn bước ngoặt về quy hoạch của thành phố.
Quán triệt Nghị quyết số 43-NQ/TW, Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 phải định hướng thống nhất xây dựng Đà Nẵng là đô thị sinh thái, vùng đô thị kết nối với Lăng Cô, Điện Bàn, Hội An. Về không gian, quy hoạch Đà Nẵng, hướng tới mở rộng không gian đô thị Đà Nẵng, kết nối Đà Nẵng với chuỗi đô thị rộng lớn từ Lăng Cô, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ.
Khi tập trung điều chỉnh quy hoạch chung thành phố tới 2030, tầm nhìn 2045, cần lưu ý đô thị Đà Nẵng đang chịu nhiều áp lực, quá tải do những bất cập trong kiểm soát quy hoạch, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan và sử dụng đất đô thị.
Do vậy, cần quan tâm kiểm soát việc lập, thẩm định các quy hoạch; rà soát các đô thị cũ không bảo đảm hạ tầng thiết yếu để tái thiết văn minh, thông thoáng, hiện đại. Ngoài ra, phải xác định bản sắc đô thị của Đà Nẵng là sông - núi - biển, nên phải tận dụng ưu thế này, phát triển hướng tới đô thị xanh, hình thành cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, để phát huy lợi thế so sánh của đô thị Đà Nẵng, quy hoạch phát triển đô thị theo 8 định hướng sau: Phát triển vai trò chủ đạo, vị thế của một đô thị hạt nhân ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển - sông - núi; phát triển theo hướng bền vững, với quy hoạch xanh và kiến trúc xanh; phát triển thành đô thị văn minh, hiện đại, đại diện cho phát triển đô thị Việt Nam; phát triển thành đô thị đáng sống (livable city) hàng đầu tầm quốc gia và quốc tế; phát triển theo hướng đô thị thông minh; trở thành đô thị toàn cầu (global city); trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo(2).
Thực hiện những định hướng đó, đòi hỏi phải tập trung giải quyết 3 vấn đề chính về quy hoạch gồm: giao thông, cấp thoát nước và phân khu trung tâm. Về giao thông, quy hoạch lại hệ thống cảng biển bảo đảm hài hòa giữa phát triển cảng với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường vịnh Đà Nẵng. Kết nối sân bay Đà Nẵng với các sân bay Phú Bài, Chu Lai để hình thành một tổ hợp chia sẻ hành khách.
Vấn đề cốt lõi là phải sử dụng hợp lý quỹ đất đang ngày càng bị thu hẹp để phát triển giao thông công cộng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội.
Về cấp thoát nước, Đà Nẵng đang bị thách thức bởi biến đổi khí hậu, thiếu nguồn nước ngọt, do đó cần có giải pháp xây dựng hồ chứa nước ngọt lớn để giải quyết nguồn nước mùa khô, điều tiết lũ mùa mưa.
Ngoài ra, cần xác định các phân khu chức năng để tập trung đầu tư xây dựng trung tâm chính của thành phố.
Về phát triển kinh tế
Thành phố cần tập trung thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra về 3 trụ cột lớn cho phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới, đó là phát triển về du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển Đà Nẵng là một thành phố cảng biển.
Về du lịch, ngoài du lịch thông thường thì một trong những trọng tâm là phát triển Đà Nẵng thành một trong những trung tâm du lịch của quốc tế.
Về công nghiệp, bên cạnh việc phát huy lợi thế về du lịch cần bảo đảm môi trường sinh thái, vì vậy, phải tập trung phát triển Đà Nẵng theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh.
Về cảng biển, Đà Nẵng có lợi thế rất lớn về địa kinh tế và một cảng biển hết sức quan trọng, do vậy phải phát triển kinh tế dịch vụ cảng theo hướng tăng cường hoạt động về logistics.
Về phát triển văn hóa
Quá trình xây dựng thành phố đáng sống cần quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa, con người và coi đây là mục tiêu của mọi sự phát triển. Điều đó đòi hỏi phải bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa được hình thành theo thời gian trong dòng chảy của văn hóa xứ Quảng.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa được hình thành theo thời gian trong dòng chảy của văn hóa xứ Quảng. Trong ảnh: Lễ hội Mục đồng.Ảnh: H.ĐẰNG |
Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài vào để làm phong phú thêm và tạo nên bản sắc riêng của văn hóa đô thị, trong đó quan tâm xây dựng lối sống đô thị mang đặc trưng của một đô thị có cấu trúc núi - sông - biển, Qua một năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, năm 2019, theo đánh giá của lãnh đạo thành phố, Đà Nẵng đạt hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục duy trì tăng trưởng so với năm 2018; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tổng thu ngân sách thực hiện 28.170 tỷ đồng, đạt 102,9% dự toán, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Đặc biệt ngành du lịch doanh thu tăng 16,7%(3).
Đây là tiền đề để xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố thông minh, một thành phố sinh thái, một thành phố đáng sống để đến năm 2030 tầm cỡ không chỉ là một thành phố hàng đầu của cả nước mà còn là một thành phố hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á nói chung, như mong muốn của Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng nói riêng và của cả nước nói chung.
Để tiếp tục tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển, ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết vạch ra chủ trương, đường lối để phát triển thành phố Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo. Vì vậy, nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước hết sức đồng tình, ủng hộ, tạo ra khí thế mới cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới đây. |
PGS, TS TRƯƠNG MINH DỤC
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 43 NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về về xây dựng và phát triên thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(2) Ngô Viết Nam Sơn, (2019), “Đà Nẵng trước thời cơ, thử thách và vận hội phát triển mới”, Báo Đà Nẵng Xuân Kỷ Hợi, 2019, tr.16, 17.
(3)Trương Quang Nghĩa: “Mùa Xuân mới-niềm tin mới đưa Đà Nẵng phát triển”, Báo Đà Nẵng Xuân Canh Tý, 2020.