Ngày 3-4, tại Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh: “Dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản, không nói chung chung là đang tốt hơn nhưng thực tế vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lý, càng mất vốn”.
Chỉ 2 dự án có lãi
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy, sau 3 năm triển khai Quyết định 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, với sự nỗ lực quyết tâm cao của Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành và các tập đoàn, tổng công ty, tình hình các dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương đã có những chuyển biến nhất định, bước đầu đạt được một số mục tiêu, yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.
Trong số 6 dự án có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ trước đây, trong hai năm 2018 – 2019, có 2 Nhà máy có lãi là DAP-1 Hải Phòng và Thép Việt Trung; 4 dự án từng bước khắc phục khó khăn, giảm lỗ là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-2 Lào Cai, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất DQS. Trong 3 dự án đã bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay, dự án Xơ sợi polyester Đình Vũ PVTex đã vận hành trở lại, 2 dự án đủ điều kiện vận hành trở lại, nhưng chưa khởi động do điều kiện thị trường khó khăn là Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước.
Đã hòa giải xử lý được tranh chấp Hợp đồng tổng thầu EPC đối với dự án PVTex; rà soát pháp lý, đàm phán thành công việc sửa đổi, bổ sung các căn cứ pháp lý (hợp đồng liên doanh, điều lệ liên doanh) bảo đảm quyền lợi cho phía Việt Nam đối với dự án nhà máy Thép Việt Trung. Quá trình xử lý các dự án, doanh nghiệp cơ bản vẫn bảo đảm quyền lợi cho người lao động, bảo đảm an ninh trật tự xã hội và ổn định môi trường kinh doanh.
Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp đã được thực hiện khẩn trương. Đến nay, toàn bộ 12 dự án, doanh nghiệp đều đã được tiến hành thanh tra các cấp, có 7/12 dự án đã được kiểm toán, điều tra và khởi tố 4 dự án, từ đó làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Khó xử lý dứt điểm
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Phú Cường cho biết, trong 4 dự án yếu kém của Tập đoàn, ngoài DAP-1 Hải Phòng có lãi trong năm 2019, ba dự án còn lại là DAP-2 Lào Cai, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình đều lỗ. Chỉ với 3 dự án làm ăn thua lỗ đã hút toàn bộ nguồn lãi của các doanh nghiệp khác. Tập đoàn đồng tình với phương án của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là bán 3 công ty này, trường hợp bán không thành công thì tiến hành thủ tục phá sản.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa, với phương thức xử lý như hiện nay, khó khoàn thành mục tiêu đề ra tại Đề án 1468 là xử lý dứt điểm yếu kém của 2 dự án mà Tổng công ty tham gia là Thép Việt Trung và Dự án mở rộng giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO-2). Các giải pháp đã có nhưng khi triển khai rất vướng, không khả thi. Chủ đầu tư, Tổng công ty đã triển khai quyết liệt, bám theo nguyên tắc của Đề án 1468 là xử lý dự án theo cơ chế thị trường và nhà nước không cấp vốn, đảm bảo vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, xác suất để đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc là không khả thi, khó đáp ứng, dẫn đến các đơn vị, cá nhân trực tiếp xử lý chần chừ, không tránh được tình trạng đưa ra kiến nghị chung chung và chờ ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên quyết định.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam kiến nghị Ban Chỉ đạo thay đổi mục tiêu, thay vì phải bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì phải chấp nhận mục tiêu là giảm thiểu tối đa tổn thất tại các dự án. Lấy mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án là chủ đạo trong quá trình xử lý.
“Chủ đầu tư là Tổng công ty Thép có thể thiệt hại trong quá trình xử lý, tuy nhiên, lợi ích kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của dự án về tổng thể sẽ lớn hơn, tốt hơn. Nhà nước, chủ đầu tư, ngân hàng, các bên liên quan, các địa phương cùng chia sẻ khó khăn”, ông Nghiêm Xuân Đa nói.
Đối với dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam Nguyễn Việt Đức thông tin, hiện nay Tổng công ty đang làm thủ tục định giá, dự kiến xong trong quý II-2020, sau đó sẽ làm thủ tục để bán. Tuy nhiên, ông bày tỏ, có ba lý do rất khó thành công. Đó là việc định giá còn cao (khoảng 1.700 tỷ đồng), có một số nhà đầu tư quan tâm nhưng với giá đưa ra, họ sẽ không mua, nếu có bán được thì mức giá phải dưới 1.000 tỷ đồng. Định giá lại theo giá bán được thì rất khó và Tổng công ty không dám làm. Nếu có bán được với giá dưới 1.000 tỷ đồng thì ngay lập tức Tổng công ty sẽ mất khả năng thanh toán, dừng hoạt động và sẽ âm vốn chủ sở hữu, không cổ phần hóa được.
Bên cạnh đó, một phần tài sản này hình thành từ vốn vay của Ngân hàng PVcombank, hiện ngân hàng này đang kiện Tổng công ty để đòi tiền, do đó, việc bán là khó. Ông đề xuất 2 giải pháp, thứ nhất là tách dự án ra thành một pháp nhân riêng và làm thủ tục phá sản, thứ hai là cổ phần hóa chung với Tổng công ty Giấy Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, nên có lộ trình giải quyết dứt điểm 12 dự án trên. Những vấn đề còn tồn tại đang là vướng nhất đối với các dự án. Ông nhất trí với quan điểm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là bán toàn bộ phần vốn của Tổng công ty Thép tại dự án TISCO-2, nhưng phải chuyển trách nhiệm bảo lãnh sang nhà đầu tư mới.
Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, nhiều dự án đang dở dang và còn tranh chấp hợp đồng EPC, chưa quyết toán dự án hoàn thành, chưa xác định được hậu quả thiệt hại. Bộ Công an sẽ chỉ đạo các đơn vị ở các địa phương có dự án tổ chức nắm, phát hiện dấu hiệu sai phạm và điều tra xử lý theo quy định, nhất là với các vụ án kinh tế, chú trọng công tác thu hồi tài sản. Công tác này sẽ không ảnh hưởng đến sự phục hồi và cơ cấu lại các dự án. Ông đề nghị Thanh tra Chính phủ sớm kết luận thanh tra đối với Nhà máy đạm Hà Bắc.
Dự án thua lỗ có thể cho phá sản
Quanh cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Nhấn mạnh, theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, thời hạn để hoàn thành việc xử lý 12 dự án, doanh nghiệp còn lại không nhiều, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, khối lượng nhiệm vụ năm 2020 còn lại đều là những nhiệm vụ khó khăn và chưa xử lý được từ các năm trước, tập trung vào vướng mắc pháp lý trong quyết toán các hợp đồng EPC các dự án, doanh nghiệp; giải pháp hỗ trợ tài chính, tín dụng và phương án xử lý dứt điểm đối với một số dự án, doanh nghiệp theo tình hình hiện nay, bảo đảm tính khả thi.
Về xử lý vướng mắc pháp lý quyết toán các hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản các dự án, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các tập đoàn, tổng công ty thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 86/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, cần xác định rõ trách nhiệm thuộc về tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp chủ đầu tư dự án để tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc này trong năm 2020.
Các tập đoàn, tổng công ty khẩn trương thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về xử lý các vướng mắc thực hiện quyết toán và xác định giá trị thanh toán theo hợp đồng EPC; báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để báo cáo Ban Chỉ đạo trong tháng 4-2020.
Phó Thủ tướng cũng đưa ra hướng xử lý với các dự án cụ thể. Trong đó, đối với 5 dự án, doanh nghiệp không có vốn góp trực tiếp của các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước (2 dự án của Tổng công ty Thép, 3 dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước, Phú Thọ, Quảng Ngãi thuộc đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN quyết định việc xử lý vốn nhà nước tại các dự án này theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước xử lý việc thoái vốn của Tổng công ty Thép tại hai dự án: Thép Việt Trung và TISCO-2.
Đối với 4 dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Ủy ban chỉ đạo Vinachem trình cấp thẩm quyền xử lý thoái vốn của Tập đoàn tại dự án DAP-1 Hải Phòng theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Đối với 3 dự án còn lại, Ủy ban tiếp thu ý kiến các cơ quan dự họp, chỉ đạo Vinachem hoàn thiện phương án xử lý, phân tích kỹ ưu, nhược điểm, đánh giá tính khả thi từng giải pháp trong mỗi phương án, có tính đến khả năng Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho cơ cấu nợ, giảm lãi suất vay đối với 3 dự án nếu được cấp thẩm quyền chấp thuận, báo cáo Ban Chỉ đạo trước ngày 15-4.
Về dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam khẩn trương hoàn thành sớm nhất việc thẩm định giá đối với toàn bộ tài sản cố định và hàng tồn kho dự án theo quy định của pháp luật, chuyển kết quả định giá cho Kiểm toán nhà nước để kiểm toán, làm căn cứ tổ chức triển khai bán đấu giá lần thứ 2 đối với dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 4-2020.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, trong quá trình xử lý thoái vốn nhà nước tại các dự án nêu trên, các tập đoàn, tổng công ty đề nghị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nghiên cứu, tham gia quá trình tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp này theo đúng vai trò, chức năng của DATC. Bộ Tài chính chỉ đạo và tạo điều kiện để DATC tham gia tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, cố gắng giảm thiểu thiệt hại tối đa cho nhà nước.
“Vấn đề đặt ra đối với xử lý các dự án là Nhà nước không phải tiếp tục gánh nợ treo lơ lửng. Cần đánh giá kỹ, dự án nào phát triển được thì đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém. Dự án nào cần liên doanh, bán đứt hoặc cho thuê tài sản thì tìm kiếm, kêu gọi các đối tác hợp tác, vận hành dự án. Dự án thua lỗ, nếu có thể thì cho giải thể, phá sản, không để kéo dài đeo đẳng”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo Báo Tin tức