Ghi nhận trên địa bàn thành phố vào sáng 16-4, nhiều người dân, hộ kinh doanh cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi thành phố tiếp tục thực hiện cách ly xã hội thêm 1 tuần. Bên cạnh đó, người dân cũng bày tỏ sự đồng thuận với quyết định cho phép các hàng quán phục vụ ăn uống, giải khát được mở cửa hoạt động trở lại với hình thức được bán mang đi, bán qua mạng.
Dù mở cửa bán hàng trở lại nhưng hầu hết các hộ kinh doanh, quán hàng thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn thành phố, sau 15 ngày tạm dừng hoạt động, các quầy hàng kinh doanh ăn uống, giải khát tại chợ đã bắt đầu hoạt động trở lại từ sáng 16-4. Bà Đặng Thị Hiền, tiểu thương kinh doanh mặt hàng ăn uống tại chợ Đống Đa cho biết, ngay khi nhận được thông báo cho phép mở cửa trở lại, bà đã ra chợ mở quầy và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Ban Quản lý chợ.
Theo ông Nguyễn Công An, Trưởng ban Quản lý chợ Đống Đa, ngay khi nhận được văn bản chỉ đạo của ngành Công thương thành phố, đơn vị đã thông báo qua tin nhắn tới hơn 140 hộ kinh doanh ăn uống, giải khát tại chợ về chủ trương cho phép mở cửa hoạt động trở lại và yêu cầu không được bày biện bàn ghế vì không cho phép phục vụ tại chỗ, chỉ cho bán mang về, bán online và thực hiện nghiêm việc giãn cách 2m.
Chợ Đống Đa cũng tiếp tục duy trì nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã triển khai từ hơn nửa tháng qua như yêu cầu tất cả người dân, hộ kinh doanh phải mang khẩu trang, xịt nước rửa tay sát khuẩn khi đến chợ; mỗi quầy hàng rau hành laghim phải kẻ ô đứng mua hàng, bảo đảm khoảng cách 2m theo khuyến cáo.
Trước đó, ngay trong tối 15-4, sau khi thành phố ban hành văn bản tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đến ngày 22-4, trong đó cho phép các đơn vị kinh doanh ăn uống, giải khát được mở cửa hoạt động theo hình thức bán mang về, bán hàng online, lực lượng chức năng các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn đã nhanh chóng chủ động vào cuộc tuyên truyền chủ trương chung đến từng hộ kinh doanh nhằm giúp họ nắm vững tinh thần chỉ đạo của thành phố.
Tại quận Hải Châu, trong ngày 16-4, các lực lượng kiểm tra quy tắc đô thị, công an, dân phòng và lãnh đạo UBND 13 phường trực tiếp kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn các hộ kinh doanh ăn uống trên các tuyến đường Hoàng Diệu, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Chí Thanh, Phan Châu Trinh, Ngô Gia Tự, 3 Tháng 2, Đống Đa, Lý Tự Trọng... phải đeo khẩu trang, không phục vụ khách tại chỗ mà chỉ bán hàng trực tuyến qua mạng hoặc bán hàng cho khách mang về, nhắc nhở khách hàng giãn cách tối thiểu 2m...
Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho hay, sáng 16-4, lực lượng chức năng của các phường trên địa bàn quận đã đi kiểm tra, hướng dẫn các chủ cơ sở, hộ kinh doanh ăn uống theo chỉ đạo UBND thành phố. “Nhìn chung, người dân chấp hành tốt và rất phấn khởi vì được kinh doanh trở lại sau 15 ngày, dù quy mô phục vụ có nhỏ hơn. Quận cũng đã chỉ đạo các phường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về các biện pháp chống dịch và báo cáo về quận những vướng mắc, khó khăn để kịp thời giải quyết”, ông Sơn nói.
Dù là địa bàn nông thôn nhưng huyện Hòa Vang cũng nhanh chóng triển khai chủ trương của Trung ương và thành phố đến từng đối tượng kinh doanh. “Về cơ bản người dân chấp hành rất tốt nhưng huyện vẫn chỉ đạo các xã xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không chấp hành nghiêm túc quy định đã ban hành”, ông Phạm Nam Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang khẳng định.
Theo quan sát, trong ngày 16-4, dù có nhiều hàng quán mở cửa hoạt động trở lại nhưng ý thức chấp hành về phòng, chống dịch của người dân, hộ kinh doanh khá tốt, không để xảy ra tình trạng chen lấn hay tập trung quá đông người tại một điểm mua bán. Nhiều người dân thành phố tiếp tục nâng cao ý thức nhằm góp phần giữ vững “thế trận” hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh mà thành phố đã và đang duy trì.
Bày tỏ việc ủng hộ chủ trương chung của Chính phủ và địa phương, bà Hoàng Thị Thanh Hòa (một người dân sống ở quận Cẩm Lệ) cho rằng, đây là điều cần thiết nhằm vừa bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch bệnh của Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung đạt kết quả cao nhất, vừa tạo điều kiện cho người dân thuận lợi hơn trong sinh hoạt hằng ngày; còn với người kinh doanh, sẽ tiếp tục có việc làm và duy trì nguồn thu nhập, vốn đã suy giảm do ảnh hưởng của Covid-19.
“Tôi thấy những quyết định này là hợp lý khi diễn biến tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng đang được kiểm soát khá tốt. Chỉ mong mọi người tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc chủ trương chung của thành phố để sớm vượt qua thời gian này”, bà Hòa nêu ý kiến.
Tuy vậy, ghi nhận thực tế trong ngày đầu cho phép mở cửa kinh doanh trở lại đối với mặt hàng ăn uống, giải khát, vẫn còn tình trạng một số chủ hộ kinh doanh, nhân viên chế biến thức ăn không đeo khẩu trang liên tục trong quá trình phục vụ hay chưa bảo đảm khoảng cách theo khuyến cáo. Ở một số góc đường, vỉa hè, còn xảy ra tình trạng một số nhóm nhỏ người mua hàng giúp qua mạng (shipper) đứng, ngồi tụ tập thành nhóm không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2m, thậm chí có người còn không đeo khẩu trang.
Sẽ đóng cửa nếu không thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch và giãn cách xã hội Sáng 16-4, Sở Công thương có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt công tác phòng, chống Covid-19 trên tinh thần thực hiện cách ly xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố. Theo đó, yêu cầu Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, Trưởng ban Quản lý các chợ quận, huyện và chủ các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo liên quan của Thành ủy Đà Nẵng, UBND thành phố với tinh thần không chủ quan, không buông lỏng, không để dịch bùng phát trên địa bàn. Các cơ sở kinh doanh ăn uống được hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 16-4 theo hình thức bán trực tuyến (bán online) và bán mang về, tuyệt đối không phục vụ tại chỗ. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh, người vận chuyển thức ăn, người dân đến mua thức ăn mang về phải tuân thủ, bảo đảm tuyệt đối các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt là về giãn cách xã hội. Giám đốc các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, cung ứng lương thực, thực phẩm chủ động xây dựng kế hoạch cân đối lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và hàng hóa thiết yếu khác tại đơn vị để cung ứng cho người dân; tuyệt đối không được găm hàng, đầu cơ, tăng giá gây bất ổn thị trường và tăng cường giải pháp bán trực tuyến (bán hàng online), bán qua điện thoại đặt hàng để phục vụ nhân dân nhằm hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp. Đối với các đơn vị vận chuyển hàng ăn uống (Now, Grab, GoViet, Be...) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, cần thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế cho nhân viên giao hàng... |
KHÁNH HÒA - HOÀNG HIỆP