Hướng đến phát triển tài sản trí tuệ

.

Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập sâu và toàn diện như hiện nay. Tạo dựng được một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh và hoàn thiện là một nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của bất kỳ quốc gia nào. Đây cũng là đòi hỏi bắt buộc trong quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tốt sẽ khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm. Ngoài ra, việc bảo hộ tốt sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm cao, hạn chế các vi phạm như: tình trạng khai thác công nghệ không được phép của người sở hữu bằng độc quyền, hay sản xuất hàng giả, hàng nhái và các vi phạm khác. Xét về lâu dài, hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh sẽ có tác dụng tốt trong việc phát triển công nghệ và kinh doanh lành mạnh, đóng một vai trò tích cực đối với công cuộc phát triển kinh tế.

Trong những năm gần đây, Đà Nẵng đã đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thực tế hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của tài sản trí tuệ và việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng xâm nhập thị trường, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tính đến tháng 9-2019, số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đăng ký và được cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu nông nghiệp vẫn ở mức rất thấp, chỉ chiếm khoảng 1,2% tổng số các doanh nghiệp đã tiến hành đăng ký kinh doanh.

Trước thực trạng đó, cộng với mục đích hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai công tác tuyên truyền pháp luật sở hữu trí tuệ với nhiều hình thức đa dạng (tập huấn, hội thảo, hội nghị, tọa đàm, cuộc thi, chương trình truyền hình). Kế thừa các nội dung Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 và thực hiện định hướng của Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 của Thủ tướng chính phủ tại Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết quy định về nội dung và tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, sở đã tiếp nhận, thẩm định và tổ chức các Hội đồng đánh giá xét sáng kiến hằng năm và tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố quyết định công nhận sáng kiến cho 5 người đứng đầu của 13 sáng kiến và 11 sáng kiến có tác dụng, ảnh hưởng đối với thành phố. Đầu năm 2020, Sở tiếp tục thành lập các hội đồng đánh giá xét công nhận và tham mưu cho UBND thành phố quyết định công nhận 24 sáng kiến. Ngoài ra, Sở cũng tiến hành kiểm tra bộ chỉ số theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả hoạt động sáng kiến tại 39 cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố; tiến hành hỗ trợ các thành phần kinh tế xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong việc phát triển tài sản trí tuệ cho 5 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố; phối hợp với Hội nông dân xã Hòa Tiến chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể “HÒA TIẾN vì sức khỏe mọi nhà”.

Từ việc được Sở KH&CN hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã hoạt động thành công và tạo được uy tín, thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước như: Công ty TNHH Intercare VN, Công ty TNHH MTV Bảy Viễn, Công ty TNHH MTV Liên Hoa Châu, Doanh nghiệp tư nhân Lê Mịch, Công ty TNHH MTV Star Life…

Chỉ tính riêng trong năm 2019, Sở KH&CN đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương như: Tổ chức thực hiện tổng cộng 85 đề tài, dự án các cấp, trong đó bao gồm 4 đề tài cấp quốc gia, 6 dự án Nông thôn miền núi, 33 đề tài cấp thành phố và 42 đề tài cấp cơ sở. Đây là nguồn tài sản trí tuệ của các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố cần khuyến khích khai thác, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa.

Nhìn chung, chính sách tiên quyết của Sở KH&CN về sở hữu trí tuệ là tăng cường tuyên truyền sâu rộng cho các doanh nghiệp, cho người dân tham gia đăng ký bảo hộ, tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm... nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của thành phố. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy các doanh nghiệp đăng ký tham gia bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn làm cho sản phẩm đặc trưng vùng miền không bị lợi dụng và hạ thấp giá trị, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho người dân địa phương.

Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập sâu và toàn diện như hiện nay. Tạo dựng được một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh và hoàn thiện là một nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của bất kỳ quốc gia nào. Đây cũng là đòi hỏi bắt buộc trong quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam.

XUÂN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.