Cùng doanh nghiệp khắc phục hậu quả Covid-19

.

Tháng Công nhân hằng năm luôn là ngày hội nhiều màu sắc được mong chờ của đoàn viên, người lao động (NLĐ) thành phố. Tuy nhiên, trước những khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, “Tháng Công nhân” năm nay được các cấp Công đoàn xác định là thời gian để sẻ chia với NLĐ mất việc, thiếu việc làm.  

Các hoạt động của Liên đoàn Lao động thành phố thời gian này tập trung chăm lo đời sống cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong ảnh: Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh trao trợ cấp khó khăn cho người lao động trên địa bàn quận Hải Châu. Ảnh: N.C
Các hoạt động của Liên đoàn Lao động thành phố thời gian này tập trung chăm lo đời sống cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong ảnh: Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh trao trợ cấp khó khăn cho người lao động trên địa bàn quận Hải Châu. Ảnh: N.C

Tháng Công nhân năm 2020 có chủ đề “Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt” diễn ra từ ngày 1 đến 31-5. Do ảnh hưởng của Covid-19, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố không tổ chức lễ phát động để tránh hoạt động tập trung đông người, thay vào đó là các hoạt động thiết thực hướng về đoàn viên, NLĐ tại cơ sở. Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Duy Minh cho biết, mục tiêu hướng đến của Tháng Công nhân năm nay là “Công đoàn chung tay cùng doanh nghiệp khắc phục hậu quả Covid-19”, cũng như kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Theo đó, các cấp Công đoàn tiếp tục phối hợp với người sử dụng lao động (NSDLĐ) tổ chức các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” để đoàn viên, NLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến nâng cao năng suất, ổn định đời sống. Công đoàn sẽ đề xuất với NSDLĐ tổ chức đào tạo lại để NLĐ có thể chuyển đổi nghề thích nghi tình hình mới. Đối với các đơn vị Công đoàn cơ sở doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Tháng Công nhân năm 2020 triển khai thực hiện theo chủ đề “Duy trì việc làm - An toàn lao động - Thu nhập ổn định”; trong đó tập trung duy trì việc làm, nâng cao vai trò của Công đoàn cơ sở trong việc giám sát NSDLĐ khi thực hiện cắt giảm lao động, bảo đảm các chế độ, chính sách cho NLĐ bị cắt giảm lao động.

Người  lao  động  Công  ty  CP  Sản  xuất  thương  mại  Hữu  Nghị  Đà  Nẵng  yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập vì đã được công ty chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch tốt. Ảnh: N.C
Người lao động Công ty CP Sản xuất thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập vì đã được công ty chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch tốt. Ảnh: N.C

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Dệt may 29-3 Lê Thị Hải Châu cho biết, công ty tổ chức phun thuốc khử trùng tại khuôn viên và các ban, phòng, bếp ăn tập thể, tặng hơn 8.000 chai nước rửa tay sát khuẩn cho NLĐ, trang bị toàn bộ khay ăn cá nhân mới thay vì trước đó là ăn chung bàn nhằm phòng, chống dịch. Ban Chấp hành Công đoàn công ty đã chủ động đề xuất hỗ trợ gần 5 tỷ đồng trả lương cho NLĐ trong 15 ngày công ty phải dừng hoạt động do thiếu đơn hàng. Tháng 5 này, công ty đi vào sản xuất ổn định, đời sống NLĐ cũng được quan tâm hơn.

Trong khi đó, Công ty CP Sản xuất thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng chuyên sản xuất giày xuất khẩu hiện có 2.300 lao động. Công đoàn cơ sở đã chủ động đề xuất công ty trang bị quạt, hệ thống làm mát tự động, hệ thống hút mùi, khử mùi keo, tạo môi trường an toàn cho NLĐ. Chị Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, công nhân xưởng may phấn khởi chia sẻ: “Covid-19 gây ra khó khăn chung nhưng công ty vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng và quan tâm đến môi trường làm việc, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Công nhân có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn giữa ca được chú trọng có tác dụng động viên NLĐ gắn bó với công ty”.

Dịp này, các Công đoàn cơ sở tổ chức hoạt động thăm hỏi, trợ cấp, động viên những trường hợp bị tai nạn lao động, suy giảm sức lao động, mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày, giảm sâu thu nhập, bị ngừng việc vì ảnh hưởng Covid-19; tiếp tục tham mưu, đề xuất chính quyền có giải pháp hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị mất việc làm… LĐLĐ thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch. Đến nay, Công đoàn các cấp được chi hỗ trợ cho NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gần 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách; trong đó LĐLĐ thành phố chi 1,5 tỷ đồng cho 1.500 suất trợ cấp, mỗi suất 1 triệu đồng. LĐLĐ thành phố cũng có kế hoạch khảo sát để hỗ trợ NLĐ chưa thuộc diện bao phủ của gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố còn tổ chức hoạt động “Tư vấn - đối thoại” nhằm nâng cao hiểu biết về các quy định pháp luật cho NLĐ; trao 21 bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống Covid-19; đề nghị UBND thành phố và Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng khen cho 4 tập thể, cá nhân khác; trao kinh phí hỗ trợ xây dựng và sửa chữa Mái ấm Công đoàn cho 30 đoàn viên, NLĐ khó khăn về chỗ ở với tổng giá trị gần 530 triệu đồng; khám và phát thuốc miễn phí cho gần 1.000 NLĐ trong khu công nghiệp.

NGỌC CHÂN

;
;
.
.
.
.
.