Trung Quốc thiệt hại kinh tế do Covid-19

.

Đại dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và lan rộng ra toàn thế giới làm hơn 5,7 triệu người nhiễm bệnh và 350.000 người tử vong. Nền kinh tế toàn cầu bị ngưng trệ thời gian dài và lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Đối với Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới tuy đã dập được dịch và bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng việc hồi phục kinh tế không thể ngày một ngày hai.

Ngày 22-5, lần đầu tiên trong phiên khai mạc kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường không đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ông mô tả rằng, “đất nước chúng ta đang phải đối đầu với những thách thức chưa từng có đối với sự phát triển và những thách thức này sẽ còn kéo dài”. Trong khi đó, theo thống kê chính thức được Trung Quốc công bố vào 17-4 vừa qua, tăng trưởng kinh tế quý 1 năm 2020 là -6,8%. Đây là lần đầu tiên kinh tế Trung Quốc giảm sút như vậy kể từ năm 1992. Tỷ lệ tăng trưởng thậm chí còn bị sụt giảm mạnh hơn so với dự báo là -6,5%. Trong quý 4-2019, tăng trưởng của Trung Quốc là 6%.

Để hỗ trợ nền kinh tế, Trung Quốc sẽ cho thâm thủng ngân sách năm nay tăng lên thành 3,6% GDP (so với mức 2,8% năm ngoái), tức tăng thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ (NDT). Chính phủ cũng sẽ phát thành trái phiếu “Coronabonds”, huy động 1.000 tỷ NDT để khắc phục hậu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, có hai tác nhân khác không kém phần quan trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Một là, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 còn nằm trên giấy và có thể bị phá sản bất cứ lúc nào nếu Trung Quốc không thực thi các cam kết mua hàng nông sản của Mỹ. Vì thế, việc khởi động đàm phán giai đoạn 2 vẫn bỏ ngỏ.

Trên bình diện khác, có nhân tố đổ thêm dầu vào lửa khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc không minh bạch và che giấu dịch bệnh, tạo cơ hội cho Covid-19 lan rộng toàn cầu. Nước Mỹ hiện có hơn 1,6 triệu ca nhiễm và gần 100.000 ca tử  vong - con số lớn gấp nhiều lần so với Trung Quốc đại lục - nơi xuất phát của Covid-19.

Vì thế, ông Trump không chỉ liên tiếp cáo buộc, phê phán Trung Quốc mà còn cùng các đồng minh nhìn nhận lại tác động của Covid-19 trong việc làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhất là các sản phẩm chủ lực liên quan đến an ninh và sức khỏe của người dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dây chuyền sản xuất. Mỹ cùng các đồng minh đề ra các chính sách nhằm bắt buộc hoặc khuyến khích các doanh nghiệp di dời khỏi Trung Quốc để trở về nước hoặc sang nước khác.

Hai là, Sáng kiến Một vành đai - một con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng với hơn 1.000 tỷ USD rải dài hơn 130 nước. Song, nhiều dự án bị chậm tiến độ, thua lỗ đã tạo ra khối nợ xấu khổng lồ. Nhiều nước tham gia BRI đã vay tiền của Trung Quốc để đầu tư cho những dự án mới. Thế nhưng, theo nhận định của nhà phân tích Kaho Yu, chuyên gia về châu Á của Công ty tư vấn chiến lược và rủi ro Verisk Maplecroft, “Covid-19 làm xáo trộn mọi nền kinh tế và sẽ khiến các kế hoạch trả nợ trở nên phức tạp”.

Ngoài việc các dự án bị chậm tiến độ vì Covid-19, khả năng thanh toán các khoản nợ bằng USD cho các chủ nợ Trung Quốc của các nước này cũng bị tác động “vì đồng tiền quốc gia sẽ bị mất giá do thất thu từ xuất khẩu, nhưng lại phải tăng chi nội địa để tái thiết kinh tế”. Trong đó, đáng chú ý là đối với Pakistan và Sri Lanka, có lẽ Trung Quốc mất hy vọng thu về một số khoản nào đó trong năm 2020. Một nguồn nợ xấu khác đến từ các thỏa thuận cấp tín dụng đổi dầu lửa, được Trung Quốc áp dụng và luôn bị Ngân hàng Thế giới chỉ trích là thiếu minh bạch về số tiền vay. Đối với những nước ký thỏa thuận kiểu này với Bắc Kinh, trong đó có nhiều nước châu Phi (Angola, Nigeria), tình hình sẽ còn khó khăn hơn.

Diễn biến trên cho thấy hậu đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, gây nên những phản ứng dây chuyền với một số nước. Đây cũng là cơ hội để các nước nhìn nhận lại quá trình tương tác các chuỗi cung ứng nhằm tránh nguy cơ đứt gãy khi có các biến cố bất ngờ xảy ra.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.