AI Fuel - Cơ hội việc làm cho người yếu thế

.

Giữa tháng 5-2020, Công ty CP VBPO (Công viên phần mềm Đà Nẵng, quận Hải Châu) ra mắt AI Fuel - một trong những ứng dụng thu thập và xử lý dữ liệu đầu tiên tại Việt Nam. Sử dụng ứng dụng này trên điện thoại thông minh, bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào chuỗi cung ứng dữ liệu toàn cầu, tạo ra nguồn thu nhập cho chính mình.

Anh Trần Mạnh Huy (phải) giới thiệu về dự án AI Fuel tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng. Ảnh: KHANG NINH
Anh Trần Mạnh Huy (phải) giới thiệu về dự án AI Fuel tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng. Ảnh: KHANG NINH

Chúng tôi gặp anh Trần Mạnh Huy, Giám đốc Công ty CP VBPO vào một buổi sáng cuối tuần tại Công viên phần mềm Đà Nẵng. Nhìn tác phong làm việc nhanh nhẹn, ít ai nghĩ rằng từ lúc mới sinh ra anh đã bị liệt nửa người bên phải và có lẽ vì vậy mà anh luôn hướng suy nghĩ của mình về những người yếu thế.

Ngay cả khi thành lập công ty cách đây 10 năm, anh cũng chọn mảng dịch vụ thuê gia công quy trình doanh nghiệp (thực hiện những việc như xử lý ảnh, nhập liệu, số hóa văn bản, kế toán - tài chính...), bởi những công việc này tạo ra khối lượng công việc lớn nhưng đơn giản, thích hợp với những người khuyết tật, trình độ vừa phải.

Anh Huy kể, AI Fuel là dự án mà anh đã ấp ủ trong nhiều năm. Với kinh nghiệm “lăn lộn” trên thương trường, kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo của các công ty công nghệ, anh hiểu rõ tầm quan trọng của dữ liệu đối với doanh nghiệp.

Anh chia sẻ: “Ví dụ, Amazon (tập đoàn thương mại điện tử) cần nhiều dữ liệu địa lý để tính toán cách vận chuyển hàng hóa đến tay khách hàng. Ứng dụng bản đồ của Google cũng cần rất nhiều dữ liệu để đề xuất với người dùng nên hay không nên đi một tuyến đường nào đó (vì dễ kẹt xe, ngập úng...).

Ngay cả một công ty sản xuất nhỏ cũng cần dữ liệu để tối ưu hóa quy trình, chăm sóc khách hàng, thương lượng giá cả với nhà cung ứng... Dữ liệu có ở khắp mọi nơi, nhưng chúng cần được thu thập, xử lý mới có thể dùng được. AI Fuel làm được điều đó”. 

Theo anh Huy, có thể xem AI Fuel như một “nhà máy” có chức năng thu thập đa dạng dữ liệu, từ chữ viết, âm thanh đến hình ảnh, video... sau đó xử lý để biến dữ liệu thô thành dữ liệu tinh, làm đầu vào cho các “cỗ máy thông tin” ở các doanh nghiệp khác.

Tất cả hoạt động của “nhà máy” này đều được thực hiện bởi con người phối hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo. Sau khi đăng ký tài khoản (miễn phí) trên ứng dụng AI Fuel, người dùng bắt đầu lựa chọn các nhiệm vụ như: chuyển âm thanh sang chữ viết, “dán nhãn” cho ảnh, chụp ảnh một vật theo yêu cầu (quyển sách, con mèo, máy tính...).

Các nhiệm vụ thường rất nhỏ, dễ làm và có thể làm xong trong thời gian ngắn. Sau khi hoàn thành, người dùng sẽ được tích điểm, từ đó đổi thành tiền mặt. Anh Huy nói: “Dữ liệu thô ở khắp mọi nơi, nên cần rất nhiều người ở nhiều nơi thu thập. Đây chính là điểm mà chúng tôi tận dụng để tạo ra công việc cho nhiều người”.

 Điểm đặc biệt của AI Fuel là người dùng có thể làm việc mọi lúc mọi nơi, không đòi hỏi nhiều thời gian và sự cam kết. Chỉ cần một chiếc điện thoại kết nối mạng, những người tài xế đợi khách, những bà mẹ “bỉm sữa”... vẫn có thể làm việc và tạo ra thu nhập. Dữ liệu thu thập về sẽ được Công ty VBPO xử lý và tìm đầu ra.

Theo anh Huy, mô hình dịch vụ này đã phổ biến ở nước ngoài (với tên gọi data crowdsourcing, tức thu thập dữ liệu từ cộng đồng), song gần như chưa có mặt ở Việt Nam. Việt Nam đang là thị trường được nhiều nhà đầu tư nước ngoài “để mắt” đến, đặc biệt là sau Covid-19. Do vậy, nên chuẩn bị sẵn những thứ họ cần ngay từ bây giờ thì mới có thể đẩy mạnh công tác xúc tiến. Hiện AI Fuel đã kết nối được với một số khách hàng tại Mỹ và Nhật Bản.

 Dự án AI Fuel đang được ươm tạo tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng. Đây cũng là 1 trong 3 dự án được Giải thưởng Én Xanh 2019 (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam... phối hợp tổ chức) vinh danh vì thúc đẩy kinh doanh bao trùm và đa dạng. Anh Huy bộc bạch: “Ước mơ của tôi là đem lại việc làm cho những người yếu thế. Đà Nẵng là nơi khởi phát cho việc thực hiện ước mơ này”.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.