Hướng tới phát triển tư duy cho trẻ em

.

Cùng được ươm tạo từ Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) năm 2019, hai dự án Beekids và AI Fablab có nhiều điểm chung khi đều hướng tới đối tượng là trẻ em bằng việc xây dựng phương pháp giáo dục hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ.

Từ tâm lý là một người cha luôn mong muốn những điều tốt nhất cho con mình, anh Lê Trung (sinh năm 1989), Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế Công nghệ thông tin Dragold (31 Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu) đã xây dựng nên dự án Beekids vào tháng 8-2019.

Anh Lê Trung cho biết: “Xuất phát là “dân” lập trình, trước khi xây dựng Beekids, tôi đã có trên dưới 10 ý tưởng khởi nghiệp lấy yếu tố công nghệ thông tin làm cốt lõi, có thể kể đến như các chatbot bán hàng, hay gần với Beekids nhất là Edutalk, một ứng dụng giáo dục trực tuyến. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên các dự án đó đã tạm gác lại, hiện tôi đang tập trung vào phát triển Beekids được nhiều người biết đến”.

Beekids hướng đến việc khuyến khích sự sáng tạo và mang trải nghiệm cho trẻ nhỏ thông qua mô hình đồ chơi thông minh. Beekids đã đưa ra thị trường 2 bộ đồ chơi Kidtobo - hộp công cụ phát triển tư duy toàn diện cho trẻ từ 4-7 tuổi.

Các bộ trò chơi của Kidtobo gồm: bộ công cụ đồng hồ, bộ tangram, bộ hình số học, bộ trò chơi mê cung, bộ trò chơi que diêm, domino. “Trẻ sẽ được nâng cao nhận biết về màu sắc, toán học, tư duy logic, thể hiện trí tưởng tượng sáng tạo thông qua các hình ảnh quan sát được từ thế giới thực. Bên cạnh đó, sản phẩm giúp trẻ giảm bớt sự phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ và quan trọng hơn hết là gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau khi cha mẹ cùng chơi và giải các câu hỏi cùng con”, anh Lê Trung cho hay.

Tuy nhiên, sau khi khảo sát và làm việc với một số trường học trên địa bàn thành phố, anh Lê Trung nhận thấy các giải pháp công nghệ và mô hình của mình còn tương đối mới mẻ. Chính vì vậy, anh mở rộng thêm một hướng mới, đó là tăng cường kết nối với các đối tác đào tạo và chuyên gia giáo dục nhằm nâng cao giá trị của mình.

“Chúng tôi đang xây dựng các chương trình học trực tuyến, bao gồm học và thi trên facebook, website, ứng dụng di động (mobile apps), qua đó trẻ sẽ học tốt hơn và phụ huynh cũng nắm được con mình học gì, có hiệu quả không. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ xây dựng được danh mục khách hàng về giáo dục cho những đơn vị đối tác. Hai hướng đi sẽ bổ trợ cho nhau, tìm kiếm danh mục khách hàng cho các đơn vị đối tác cũng là tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho các sản phẩm Kidtobo”, anh Lê Trung chia sẻ.

Trong khi đó, với AI Fablab, hai startup Lã Trung Kiên và Trần Ngọc Hoàng - đồng sáng lập Công ty TNHH AI Make (4 Hoàng Sỹ Khải, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) - mong muốn xây dựng một “công xưởng” cho chương trình STEM Robotics. Bắt đầu từ việc muốn dạy con việc lập trình, anh Lã Trung Kiên nhận thấy Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng thực sự thiếu những sân chơi công nghệ cho trẻ em, nguyên nhân từ việc chưa có một chương trình hay một khóa học nào hướng trẻ em nghiên cứu khoa học công nghệ.

Tháng 8-2018, AI Fablab (Artificial Intelligence Fabrication-laboratory - xưởng chế tạo trí tuệ nhân tạo) được ra đời, với định hướng AI Fablab sẽ là nơi học tập và nghiên cứu khoa học công nghệ cho các em học sinh, và sau này là cả sinh viên. Các bài học trong chương trình STEM Robotics được xây dựng theo những chủ đề dựa trên các vấn đề thực tiễn, học sinh từ đó sẽ sử dụng robot và các công cụ lập trình để mô phỏng, điều này cho phép học sinh được học các kiến thức tích hợp của 4 lĩnh vực khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán học (Mathematics), gọi chung là giáo dục STEM.

Sau nhiều cải tiến, đến nay AI Fablab có nhiều sản phẩm tương đối hoàn thiện, có thể kể đến như Vision - Humanoid robot có thể mô phỏng hoạt động của con người từ chào hỏi, nhảy múa đến nói chuyện trực tiếp bằng tiếng Anh hay Pio là robot tay máy, có chức năng điều khiển, di chuyển và gắp vật thể đơn giản đến phức tạp, được thiết kế để học tập và phát triển tư duy lập trình trên hệ điều hành Android… các sản phẩm này phù hợp cho các bé từ 6 đến 15 tuổi. Qua gần 2 năm hoạt động, AI Fablab thu hút khoảng 30 học viên tham gia các khóa học như: công xưởng robotics, khám phá đam mê robotics, kỹ sư nhí, thế giới 3D Printer…

Các khóa học được thiết kế với chủ đề mở, các học viên sẽ tự đề xuất ý tưởng, trên cơ sở đó AI Fablab sẽ hoàn thiện thành một dự án, quy trình thực hiện dự án sẽ được mô phỏng như thực tế nhằm phát huy khả năng sáng tạo, khả năng xử lý tình huống, một số chủ đề minh họa như hệ thống tưới thông minh sử dụng cảm biến nhiệt độ, độ ẩm kết hợp hệ thống bơm khi đạt điều kiện nhất định, kính trợ giúp người mù tự nhận dạng và phát ra tiếng kêu khi có chướng ngại vật…

“Khó khăn lớn nhất vẫn là việc phát triển giáo dục STEM ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ, nên nhiều phụ huynh chưa biết đến để đầu tư cho con ngay từ nhỏ. Trong giai đoạn 2020-2021, AI Fablab sẽ tiếp tục mở rộng các dịch vụ cho mô hình học STEM; đồng thời phát triển các dự án khoa học cho học sinh cấp 3 và sinh viên khoa học công nghệ, các lớp dự án này quy tụ các em học sinh, sinh viên có năng khiếu và hướng tới phải xây dựng được sản phẩm thật. Các sản phẩm sẽ được kinh doanh hoặc dự thi tại các cuộc thi khởi nghiệp, khoa học công nghệ”, anh Trần Ngọc Hoàng thông tin.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.