Lan tỏa sức mạnh đồng thuận để vượt qua khó khăn

.

Dịch bệnh Covid-19 đặt ra những thách thức chưa từng có trong suốt hàng chục năm sau ngày đất nước giải phóng về việc bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, an sinh xã hội, phát triển kinh tế… Tuy nhiên, cũng chính trong thời điểm khó khăn này, một lần nữa truyền thống đoàn kết của dân tộc được thể hiện rõ nét để cùng với hệ thống chính trị “biến nguy thành cơ”, từng bước vượt qua khó khăn.

Nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố chung tay, góp sức phòng, chống Covid-19, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.Ảnh: KHÁNH HÒA
Nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố chung tay, góp sức phòng, chống Covid-19, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.Ảnh: KHÁNH HÒA

Ngày 1-4-2020 có thể xem là dấu mốc được nhiều người nhớ mãi về sau khi lần đầu tiên Chính phủ, dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định áp dụng biện pháp cách ly giãn cách xã hội, một khái niệm mới để góp phần phòng, chống Covid-19. Kể từ đó cho đến nay, thành phố Đà Nẵng ghi nhận tiền lệ chưa từng có trong suốt 45 năm sau ngày giải phóng với hàng ngàn cửa hàng, điểm kinh doanh, giải trí đồng loạt đóng cửa ngừng hoạt động.

“Thành phố du lịch”, vốn là mỹ từ được ưu ái dành cho thành phố bên bờ sông Hàn thơ mộng với những con phố sầm uất, từng tấp nập người và khách du lịch qua lại nhộn nhịp nay trở nên thênh thang, tĩnh lặng hơn hẳn. Trong suốt hơn 2 tháng, kể từ sau khi Chính phủ chính thức công bố về Covid-19 trên cả nước, Đà Nẵng là một trong những địa phương luôn nghiêm túc trong việc triển khai nhanh chóng các chủ trương chung của Trung ương cũng như chủ động áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để cùng cả nước đạt hiệu quả cao nhất trong “trận chiến” với Covid-19.

Để có được thành quả đó, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực bất kể ngày đêm của cả hệ thống chính trị, là sự đồng thuận từ nhân dân thành phố. Trong khó khăn, người dân Đà Nẵng đã luôn nêu cao ý thức tự giác trong chấp hành các chủ trương chung; chủ động và luôn cảnh giác cao trong việc áp dụng các biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo.

Nhiều người còn chủ động có phương án điều tiết thói quen và nhu cầu cuộc sống hằng ngày để phù hợp với tình hình chung. Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng lớn, đặt nhiều người vào tình huống phải làm những điều chưa từng có tiền lệ, nhưng không phải với sự gượng ép mà bằng tâm thế bình tĩnh và tin tưởng vào sự điều hành của địa phương cũng như Chính phủ.

Hàng loạt tiểu thương tại các chợ phải đóng cửa tạm dừng hoạt động. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, một hộ kinh doanh tại chợ Cồn (quận Hải Châu) nói rằng, đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm kinh doanh tại chợ, bà đóng cửa quầy hàng khi thành phố chính thức triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp về phòng, chống dịch bệnh vào ngày 2-4-2020. Tuy nhiên, để cùng thành phố và cả nước vượt qua thời điểm khó khăn này, nếu cần bà sẵn sàng kéo dài hơn nữa thời gian tạm dừng hoạt động cũng như chấp hành nghiêm túc mọi yêu cầu của ngành chức năng.

Trong thời điểm khó khăn, thành phố cùng cả nước kiên trì vừa đối phó với dịch bệnh vừa quan tâm đến đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Hằng ngày, trên nhiều trang thông tin chính thống hay mạng xã hội, vẫn lan tỏa nhiều hình ảnh đẹp về những chiếc khẩu trang, những hộp cơm, bì gạo được phát miễn phí từ tấm lòng hảo tâm của các cá nhân, tổ chức.

Đạo lý “góp gió thành bão” của dân tộc được lan tỏa nhanh chóng đến từng ngóc ngách trong đời sống xã hội, trở thành luồng năng lượng tích cực, góp phần nâng đỡ niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân về một “chiến thắng” không xa.

Chính bởi vậy mà sau khi tham gia tình nguyện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm nơi cách ly cho 90 khách lưu trú là người nước ngoài, bà Phan Thị Thanh, Giám đốc khách sạn Sam Grand (ở số 7 đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà) khẳng định, sẵn sàng cung cấp 4 địa điểm khác nữa nếu thành phố tiếp tục cần đến.

Gần đây nhất, ngày 20-4, thông qua Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, cộng đồng doanh nghiệp thành phố cùng chung tay gửi đến Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng và mua 4 máy ATM phát gạo miễn phí cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Trước đó, Hội cũng đã trao tặng thành phố 1.000 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 với trị giá 500 triệu đồng. Đây là nghĩa cử đáng quý trong khi thực tế, nhiều hội viên của hội vẫn đang gặp khó khăn do tác động của Covid-19 .

Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân thành phố Đà Nẵng chia sẻ rằng, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Do đó, trong khả năng của mình, cộng đồng doanh nhân trẻ mong muốn đóng góp một phần nhỏ công sức để cùng nhân dân thành phố vượt qua cơn hoạn nạn này.

“ATM gạo” luôn rộng cửa đón nhận bất cứ ai cần đến. Còn theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng, từ khi dịch xuất hiện đến nay, Đà Nẵng luôn là một trong những địa phương rất tích cực trong việc triển khai các giải pháp đồng bộ để mang lại kết quả tốt nhất trong công tác phòng, chống Covid-19.

Không chỉ nhanh chóng, quyết kiệt áp dụng nguyên tắc trong phòng, chống dịch bệnh mà ngay từ sớm, thành phố đã nhanh chóng vào cuộc trong việc tìm hiểu, nắm bắt và tổ chức các buổi đối thoại để lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp, người kinh doanh bày tỏ những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm báo cáo kịp thời lên các bộ, ngành Trung ương để tìm cách tháo gỡ.

“Chính sự vào cuộc nhanh chóng với tinh thần cầu thị như vậy đã góp phần tạo được lòng tin và sự đồng thuận của doanh nghiệp nói riêng, người dân thành phố nói chung trong cuộc chiến với dịch bệnh này”, ông Quang nói.

Đứng trước những sự cố mang tính toàn cầu như Covid-19, với tinh thần cảnh giác, chủ động vào cuộc nhanh chóng cùng kế sách đúng đắn, xuyên suốt là đặt sức khỏe của người dân lên trên lợi ích kinh tế, Chính phủ nói chung, hệ thống chính trị của thành phố Đà Nẵng nói riêng đã tạo lập được lòng tin, lan tỏa được tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng đến mọi tầng lớp nhân dân.

Nhờ đó mà lời hiệu triệu “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ” và “trong cuộc chiến này không ai bị bỏ lại phía sau” đã được nhà nhà, người người đồng tâm hưởng ứng với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, sẵn sàng tâm thế cho giai đoạn phát triển mới thời kỳ “hậu” Covid-19.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.