Sẵn sàng hạ tầng để đón làn sóng đầu tư mới

.

Vừa qua, Ban Quản lý (BQL) Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng có thông báo mời sơ tuyển quốc tế để chọn nhà đầu tư cho 3 dự án KCN Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Cầm (giai đoạn 2) với tổng chi phí thực hiện gần 14.000 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2020 -2023. Đây là bước khởi động mới nhất nằm trong kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng để đón làn sóng đầu tư mới.

Nhiều cơ sở sản xuất đang thi công hạ tầng nhà xưởng trong khu công nghiệp Hòa Cầm. Ảnh: THÀNH LÂN
Nhiều cơ sở sản xuất đang thi công hạ tầng nhà xưởng trong khu công nghiệp Hòa Cầm. Ảnh: THÀNH LÂN

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, thực hiện theo các quyết định của UBND thành phố, đơn vị đã triển khai thông báo mời sơ tuyển nhà đầu tư cho 3 dự án KCN trên địa bàn.

Cụ thể, dự án KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2) tại phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) và xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) với diện tích hơn 120ha, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 2.232 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 1.000 tỷ đồng).

Dự án KCN Hòa Nhơn tại xã Hòa Nhơn có diện tích 360ha, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án 5.657 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 2.500 tỷ đồng). Dự án KCN Hòa Ninh tại xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) có diện tích hơn 400ha, sơ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 6.083 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 2.578 tỷ đồng).

Việc kêu gọi nhà đầu tư cho 3 dự án KCN là hết sức cần thiết đối với thành phố và là tín hiệu vui cho sự phát triển các địa phương nằm xung quanh KCN. Dự kiến sau khi hoàn thành, việc đầu tư này sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo nên sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế cho khu vực phía tây và tây bắc của thành phố (vốn chủ yếu sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp). Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ của địa phương chuyển đổi ngành nghề hoặc chuyển vào KCN sản xuất.

Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố, trước mắt, để thực hiện có hiệu quả việc kêu gọi nhà đầu tư cho 3 dự án KCN Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Cầm (giai đoạn 2) cũng các nhà đầu tư đầu tư vào thành phố; bên cạnh việc tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, mời thầu, việc chuẩn bị tốt môi trường pháp lý, thủ tục hành chính; thì việc thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia dự án là rất quan trọng.

Việc kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp sẽ góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của thành phố. Trong ảnh: Các đơn vị đang triển khai thi công xây dựng hạ tầng nhà xưởng trong Khu công nghiệp Hòa Cầm.     						                    Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Việc kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp sẽ góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của thành phố. Trong ảnh: Các đơn vị đang triển khai thi công xây dựng hạ tầng nhà xưởng trong Khu công nghiệp Hòa Cầm. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành phố đã đề nghị BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng khẩn trương thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Ninh, Hòa Nhơn nhằm sẵn sàng các hạ tầng thiết yếu để đón đầu sự chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.

Trước mắt, để sớm có mặt bằng bố trí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngay sau khi Covid-19 được khống chế, Sở KH&ĐT đề nghị quận Cẩm Lệ đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Cẩm Lệ giai đoạn 1 và tiếp tục triển khai giai đoạn 2.

Đồng thời, Sở KH&ĐT cũng đề nghị quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang tập trung giải tỏa đền bù song song với lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp Hòa Hiệp Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Nhơn… đối với các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Hòa Vang cần khẩn trương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.

Được biết, riêng trong năm 2020, kế hoạch vốn đầu tư công bố trí cho các quận, huyện lên đến hơn 2.192 tỷ đồng, chiếm 18% tổng kế hoạch của thành phố. Vì vậy, các quận, huyện cần tập trung quyết liệt triển khai thực hiện để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

 Một trong những khó khăn chung của toàn thành phố hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giải ngân vốn đầu tư. Cũng theo Sở KH&ĐT, trong thời gian tới các ngành, các cấp, các chủ đầu tư cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác tổ chức thực hiện. Nhất là trong công tác giải tỏa đền bù hiện nay còn quá chậm, kéo theo tỷ lệ giải ngân vốn xây lắp cũng thấp do không có mặt bằng để thi công.

Do đó, Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng các địa phương cần tập trung xử lý, đây là điểm nghẽn chính trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư, trong đó có đầu tư công. Bên cạnh đó, cần tập trung quyết liệt cho công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm nhằm tạo chuyển biển tích cực, rõ rệt và hiệu quả công tác giải ngân đầu tư công; chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng các cụm, KCN để đón làn sóng đầu tư mới.

Tính đến nay, thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động 6 KCN tập trung, bao gồm: KCN Đà Nẵng, KCN Hòa Cầm, KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Liên Chiểu và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, với quy mô tổng thể 1.030,9ha.

Trong đó diện tích hạ tầng đã xây dựng là 944,66ha; tỷ lệ lấp đầy là 86,45% với 593,09ha đất đã cho thuê. Đến hết năm 2019, các KCN của thành phố đã thu hút 488 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư trong nước là 17.339 tỷ đồng (363 dự án), vốn đầu tư nước ngoài là 1.669 triệu USD (125 dự án).

Tổng số tiền nộp ngân sách địa phương từ Khu công nghệ cao và các KCN của thành phố năm 2019 khoảng 5.541 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% tổng thu ngân sách của thành phố. Các KCN, Khu công nghệ cao hiện giải quyết việc làm cho hơn 78.000 lao động, trong đó lao động tại thành phố Đà Nẵng chiếm tỷ lệ 39%, lao động nữ chiếm tỷ lệ 67,4%.

PHƯƠNG UYÊN

;
;
.
.
.
.
.