Khẳng định chỗ đứng hàng Việt trên thị trường

.

Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, nhất là xuất khẩu bị đình trệ. Tuy nhiên đây cũng là “khoảng lặng” cần thiết để DN có cái nhìn sâu sắc hơn về vị thế của thị trường trong nước. Thực tế trong vài tháng qua, việc chuyển hướng đầu tư vào thị trường nội địa là giải pháp được nhiều DN hướng đến nhằm vượt qua khó khăn, khẳng định chỗ đứng của hàng hóa “made in Việt Nam” cũng như khai thác tốt hơn nữa thị trường nhiều tiềm năng này.

Hàng hóa nội địa tích cực tìm chỗ đứng ở thị trường trong nước sau Covid-19. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại siêu thị Big C Đà Nẵng. 	            Ảnh: KHÁNH HÒA
Hàng hóa nội địa tích cực tìm chỗ đứng ở thị trường trong nước sau Covid-19. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại siêu thị Big C Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế đánh giá, sau những sự cố như Covid-19, vai trò quan trọng của thị trường nội địa càng được khẳng định.

Đến thời điểm này, khi hoạt động xuất khẩu (chiếm hơn 50% doanh thu của đơn vị) chưa thể phục hồi thì việc thị trường trong nước nhanh chóng tái khởi động đã tạo cơ hội cho công ty phục hồi lại được các đơn hàng trong nước đầu tiên sau vài tháng bị đứt đoạn. “Ở mặt tích cực, Covid-19 thúc đẩy chúng tôi mạnh dạn hơn trong việc tái cơ cấu lại thị phần kinh doanh ở thị trường nội địa.

Thực tế, không chỉ khi Covid-19 xảy ra DN trong nước mới ý thức được điều này mà trước đó, câu chuyện hàng Việt gặp khó ngay trên chính sân nhà đã được nói đến nhiều, trở thành trăn trở lớn đối với DN sản xuất trong nước.

Trong suốt 10 năm qua, thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chúng tôi đã tích cực đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến bạn hàng trong nước cũng như tìm cách để người tiêu dùng trong nước tiếp cận được với sản phẩm chất lượng do chính DN mình làm ra”, ông Sơn chia sẻ.

Đồng quan điểm với ông Sơn, nhiều DN sản xuất trên địa bàn thành phố cho rằng, thị trường nội địa là mảnh đất màu mỡ chưa được khai thác triệt để. Sự cố Covid-19 không chỉ khiến DN mà ngay chính người tiêu dùng cũng dần thay đổi tâm lý và thói quen tiêu dùng, nên đây là thời điểm DN đẩy mạnh việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa. Sau một thời gian dài tích lũy “nội lực”, hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra có chất lượng ngày càng cao, đi kèm dịch vụ quảng bá, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp hơn.

Để hàng Việt có vị thế tốt hơn ngay chính ở thị trường trong nước, bên cạnh nỗ lực tự thân của DN, ông Phan Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại BQ cho rằng cần sự cộng hưởng của người tiêu dùng trong nước trong việc ưu tiên và tin dùng vào các sản phẩm “made in Việt Nam”.

Trong thời gian này, đơn vị cũng chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm cùng dịch vụ đi kèm, đồng thời, tham gia tích cực các chương trình kích cầu thị trường nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn nữa với người tiêu dùng.

Bên cạnh giải pháp kích cầu thị trường để khuyến khích người dân mạnh dạn chi tiêu, tăng cường lưu thông cho hàng hóa, trong đó có hàng hóa trong nước, việc hỗ trợ các DN khắc phục khó khăn, ổn định hoạt động kinh doanh cũng được triển khai nhanh chóng và đồng bộ.

Theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ DN nhanh chóng tái khởi động sau khi dịch bệnh được cơ bản kiểm soát tốt. Hiện nay, các DN trong các khu công nghiệp hầu hết đã trở lại hoạt động bình thường.

Hàng hóa do các đơn vị sản xuất, chế biến trong nước được đẩy mạnh đầu ra ở thị trường trong nước sau khi Covid-19 được kiểm soát.  TRONG ẢNH: Người dân và du khách lựa chọn mua hải sản khô tại chợ Hàn.Ảnh: KHÁNH HÒA
Hàng hóa do các đơn vị sản xuất, chế biến trong nước được đẩy mạnh đầu ra ở thị trường trong nước sau khi Covid-19 được kiểm soát. TRONG ẢNH: Người dân và du khách lựa chọn mua hải sản khô tại chợ Hàn. Ảnh: KHÁNH HÒA

Riêng đối với  một số DN gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài chưa được nhập cảnh vào Việt Nam, Ban Quản lý đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất với UBND thành phố để giải quyết các kiến nghị cho chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh vào làm việc tại các dự án trong Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, vừa tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.

Để hỗ trợ DN và người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn với hàng hóa, nhất là hàng hóa có chất lượng do chính DN trong nước sản xuất, ngay từ tháng 6-2020, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố (Sở Công thương) đẩy mạnh thực hiện hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa do DN thành phố sản xuất ra các tỉnh, thành lân cận cũng như tổ chức các hội chợ có quy mô lớn trên địa bàn để người dân có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố cho biết, đơn vị đã hoàn tất kế hoạch triển khai các chương trình xúc tiến thương mại từ nay đến cuối năm với sự tham gia của hàng chục DN sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cà phê, đồ thủ công mỹ nghệ, nông sản, thời trang may mặc, giày dép… nhằm tái khởi động sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả thị trường nội địa sau Covid-19.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.