Nhiều khách sạn được rao bán

.

Hiện đang có nhiều thông tin chuyển nhượng bất động sản (BĐS) du lịch trên thị trường qua nhiều kênh thông tin như rao bán qua mạng, treo bảng thông tin tại chỗ... Các thông tin rao bán BĐS du lịch chủ yếu ở phân khúc BĐS khách sạn tiêu chuẩn dưới 3 sao và một số công trình khách sạn đang xây dựng dở dang.

Thông tin rao bán khách sạn quy mô tiêu chuẩn dưới 3 sao đang xuất hiện càng nhiều qua các kênh thông tin mua, bán.
Thông tin rao bán khách sạn quy mô tiêu chuẩn dưới 3 sao đang xuất hiện càng nhiều qua các kênh thông tin mua, bán.

Một số tuyến đường tại khu vực Phố du lịch An Thượng, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn hiện có nhiều công trình khách sạn ở trạng thái đầu tư xây dựng dang dở. Tại tuyến đường Ngô Thì Sỹ, hiện có vài khách sạn cao tầng đã hoàn thành xây thô nhưng dừng thi công. Tuyến đường An Thượng 9 cũng có dự án khách sạn vừa hoàn thành xây thô trong dịp trước Tết Canh Tý nhưng liền sau đó công trình ngừng thi công và hiện đang được rao bán, chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác.

Thời gian gần đây, mỗi ngày có hàng chục bản tin rao bán khách sạn, nhà nghỉ, homestay mà chủ BĐS du lịch nêu thẳng nguyên nhân do kinh doanh lưu trú ế ẩm vì Covid-19. Theo một thông tin rao bán cho biết một khách sạn 3 sao, 12 tầng mặt tiền tuyến đường Hồ Xuân Hương (quận Ngũ Hành Sơn) đang được chủ nhân rao bán với giá 110 tỷ đồng. Một khách sạn tiêu chuẩn 3 sao khác trên tuyến đường Dương Đình Nghệ (quận Sơn Trà) cũng đang được rao bán với mức giá giảm “sập sàn” 41,7 tỷ đồng.

Ông Lê Thái Bảo Long, Giám đốc Công ty MTV Thương mại và Du lịch Trường Sa cho biết, dịch vụ lưu trú phụ thuộc vào nguồn du khách. Trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và nguồn khách du lịch xuống thấp; nhiều cơ sở lưu trú chất lượng cao tung các gói kích cầu nên tác động trực tiếp đến các cơ sở lưu trú quy mô nhỏ. Việc chuyển nhượng các cơ sở lưu trú quy mô dưới 3 sao trên địa bàn thành phố chỉ là hiện tượng tất yếu khi các cá nhân, tổ chức kinh doanh khó khăn do Covid-19. “Nguồn khách không đủ.

Chủ khách sạn thì phải trả nợ, trả lương cho nhân viên, cùng các chi phí điện, nước… là rất lớn. Việc nhiều cơ sở lưu trú rao bán khách sạn trong thời gian gần đây không phải lần đầu. Năm 2012, sau khủng hoảng kinh tế tài chính cùng sự vỡ ‘bong bong” trên thị trường BĐS thì tình trạng rao bán khách sạn cũng diễn ra ào ạt. Từ đây xuất hiện một “lứa’ nhà đầu tư mới.

Theo đó, BĐS du lịch Đà Nẵng được gia tăng thêm nguồn cung. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể hạ tầng lưu trú ở phân khúc thấp từ 1 đến 3 sao đang cho thấy có dấu hiệu dư thừa. Trong khi nguồn khách lưu trú lựa chọn thuộc phân khúc thấp này được định vị không còn tốt nữa. “Nguồn khách đến Đà Nẵng đã tăng ở những phân khúc cao hơn. Trước đây họ tập trung nhiều vào phân khúc 1 đến 3 sao. Hiện nay, do mức sống cao, chi tiêu cao nên có sự dịch chuyển”, ông Long chia sẻ.

Theo khảo sát của Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) thực hiện vào tháng 4-2020 về những khó khăn, thách thức của Covid-19 đối với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong nước, có tới 82,7% trong tổng số 394 doanh nghiệp được hỏi nhận định hoạt động kinh doanh không trở lại bình thường vào trước quý 4-2020, 41,1% doanh nghiệp dự đoán phải đến năm sau ngành Du lịch mới có thể phục hồi. Nhiều doanh nghiệp cho biết, đang cơ cấu lại mạnh mẽ để phát triển, ưu tiên về số lượng nhân viên, loại hình dịch vụ và cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Tuy nhiên, hiện hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về tài chính.

Thống kê ở thời điểm cuối năm 2019, tại Đà Nẵng có khoảng 1.000 khách sạn với hơn 40.000 phòng. Từ năm 2016 đến 2019, mỗi năm tại Đà Nẵng tăng gần 5.000 phòng khách sạn. Trong khi đó, số lượt khách các cơ sở lưu trú phục vụ ước tính 6 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 1.660 ngàn lượt, giảm 49,1% so với cùng kỳ năm 2019. Nhận định về việc nhiều chủ khách sạn tại Đà Nẵng đã rao bán BĐS của mình, ông Lâm Quang Bình, Văn phòng Hội Doanh nhân Tư nhân miền Trung cho rằng, thực chất hoạt động kinh doanh BĐS du lịch là kênh đầu tư tài chính.

Dòng vốn đầu tư phần lớn từ các ngân hàng, vốn góp từ nhiều chủ thể. Tuy nhiên, do hoạt động kinh doanh không đạt hiệu quả như mong muốn và tác động bởi Covid-19 còn lâu dài nên các chủ đầu tư, quản lý khách sạn buộc phải có giải pháp chủ động ngăn chặn nợ xấu. Việc chuyển nhượng BĐS du lịch là các khách sạn là bình thường trong đầu tư kinh doanh nhưng “đóng lại” cho cá nhân, đơn vị này nhưng lại “mở ra” cơ hội kinh doanh cho cá nhân, đơn vị khác.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích