Người dân ở một số xã ở huyện Hòa Vang và đại diện các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương lo ngại xảy ra ngập úng cục bộ, ngập sâu ở một số khu vực dân cư trong mùa mưa bão năm nay vì đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hòa Tiến - Hòa Phong (đường ADB 5), đường Hòa Phước - Hòa Khương (đường vành đai phía nam)... cắt ngang tuyến thoát lũ.
Ông Nguyễn Văn Lý, Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện Hòa Vang cho biết, các tuyến đường giao thông như: đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường ADB 5, đường Hòa Phước - Hòa Khương... gây chia cắt địa hình và ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ.
Có một số nơi trước đây bị ngập lũ thì những năm gần đây lại không ngập; ngược lại, những nơi mà trước đây không có ngập lụt thì những năm gần đây bị lũ ống, ngập úng sâu. Một số khu vực của các địa phương bị lũ bao vây, khoanh vùng do ảnh hưởng của các tuyến đường giao thông. Do đó, huyện rất lo ngại tình trạng ngập úng sâu tại một số khu vực dân cư trong mùa mưa bão năm nay và đã đề nghị UBND thành phố cùng các sở, ngành nghiên cứu giải pháp khắc phục.
Trong khi đó, nhiều người dân ở các xã Hòa Khương và Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) bức xúc vì công trình đường Hòa Phước - Hòa Khương xây dựng cống có khẩu độ hẹp và bố trí cống chưa hợp lý, làm chậm thoát lũ và nước lũ dâng cao ở thượng lưu gây ngập nhà dân trong trận lũ xảy ra vào tháng 11-2017 (năm 2018 và 2019 không xảy ra lũ ở huyện Hòa Vang).
Điển hình là ở thôn Phú Sơn 3 (xã Hòa Khương), mực nước lũ dâng trong trận lũ xảy ra vào tháng 11-2017 cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999 đến 50cm làm ngập 200 hộ dân trong thôn. Nguyên nhân là cống thoát lũ qua đường Hòa Phước - Hòa Khương có khẩu độ hẹp, chênh lệch mực nước thượng lưu và hạ lưu đường gần 1m.
Ông Trần Văn Mười, người dân thôn Phú Sơn 3 (xã Hòa Khương) cho hay: “So với đỉnh lũ lịch sử năm 1999, mực nước trong đợt lũ vào tháng 11-2017 có nhiều khu vực bằng hoặc cao hơn từ 0,2-0,5m do cống thoát nước không bảo đảm thoát lũ qua đường Hòa Phước - Hòa Khương, gây thiệt hại nặng cho 70% hộ dân của thôn.
Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét bố trí thêm cống có khẩu độ lớn tại công trình đường Hòa Phước - Hòa Khương”. Người dân xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) thông tin, trong trận lũ gần đây nhất nhất (tháng 11-2017), nhiều vùng chưa từng bị ngập lụt của xã Hòa Tiến đã bị ngập sâu do công trình đường Hòa Phước - Hòa Khương xây dựng băng qua cánh đồng lúa nhưng bố trí cống thoát lũ cho sông Tây Tịnh quá hẹp.
Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xác nhận, trong các đợt mưa lũ những năm gần đây, đã xảy ra tình trạng ngập lụt nặng nề tại huyện Hòa Vang, nhất là tại các xã Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn.
Đặc biệt, các tuyến đường giao thông đi qua địa bàn huyện Hòa Vang như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hòa Tiến - Hòa Phong, đường Hòa Phước - Hòa Khương... đã chắn ngang, gây ảnh hưởng tuyến thoát lũ tại hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn.
Cùng với đó, hệ thống thoát nước của các tuyến đường này cũng không bảo đảm thoát lũ làm cho tình trạng ngập lụt trở nên nặng nề hơn. Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chuyên môn liên quan xem xét, đánh giá lại tổng thể hệ thống thoát nước, khả năng thoát lũ và quy hoạch hành lang thoát lũ trên các sông hạ lưu hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn để có giải pháp khắc phục hiệu quả, hạn chế tối đa tình trạng ngập lụt do việc thu hẹp, chắn ngang các tuyến hành lang thoát lũ tự nhiên.
Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND thành phố có Thông báo số 275/TB-VP ngày 10-6-2020 thông tin, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh giao Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chuyên môn xem xét, đánh giá lại tổng thể hệ thống tiêu thoát nước, khả năng thoát lũ trên các sông ở thành phố Đà Nẵng bị ảnh hưởng bởi các dự án, công trình, khu dân cư... Trên cơ sở đó, điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố cho phù hợp. |
KHÁNH HÀ