Tính đến 15-8, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài (ODA) mới đạt hơn 230 tỷ đồng, tương ứng với 17% kế hoạch, trong đó giải ngân vốn ODA nguồn ngân sách Trung ương cấp phát hơn 121/769 tỷ đồng, bằng 16%; giải ngân vốn ODA vay lại hơn 109/597 tỷ đồng, đạt 18%.
Do gặp nhiều nguyên nhân khách quan nên tỷ lệ giải ngân vốn vay ODA trên địa bàn thành phố chưa cao. TRONG ẢNH: Thi công tuyến đường ĐH2 (huyện Hòa Vang), một trong những dự án có vốn vay nước ngoài. Ảnh: THÀNH LÂN |
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành phố, nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân vốn ODA chưa cao là do công tác triển khai thực hiện dự án của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án còn chậm.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng dịch bệnh và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng tác động đến tiến trình giải ngân vốn. Một số trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay…
Phó Giám đốc phụ trách Kho bạc Nhà nước thành phố Phan Quảng Thống cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 3 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi do thành phố quản lý đang được triển khai thực hiện; có 1 dự án do Trung ương là cơ quan chủ quản. Tổng vốn đầu tư 4 dự án trên khoảng 424,311 triệu USD, trong đó vốn ODA và vốn vay ưu đãi là 333,814 triệu USD, chiếm 78,67%, vốn đối ứng đạt 90,497 triệu USD, chiếm 21,33% tổng vốn đầu tư.
Theo Kho bạc Nhà nước thành phố, với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ Covid-19, nếu các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ dự án không có các giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành giải ngân nguồn vốn vay ODA năm 2020 và cho cả nhiệm kỳ 2016-2020, vì năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Huỳnh Anh Vũ cho biết, năm 2020 thành phố được phân bổ hơn 1.366 tỷ đồng vốn ODA.
Trong đó, dự án Phát triển bền vững thành phố 904,4 tỷ đồng; dự án Cải thiện hạ tầng giao thông 276 tỷ đồng; dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng), bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của âu thuyền Thọ Quang và khả năng thoát nước lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của thành phố Đà Nẵng hơn 185,7 tỷ đồng.
Đến nay, công tác giải ngân vốn ODA của các dự án đạt trên 17%. Sở dĩ tốc độ giải ngân chưa đạt là do ảnh hưởng của Covid-19, đồng thời dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng phải điều chỉnh và tái cơ cấu hợp phần 2, hệ thống xe buýt nhanh BRT thành hệ thống xe buýt chất lượng cao…
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn ODA nói riêng, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố đã có nhiều cuộc họp với các sở, ngành, địa phương để đánh giá tình hình giải ngân đầu tư công và đề ra giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động triển khai tích cực các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân. Cụ thể như tích cực đôn đốc các cơ quan chủ quản, chủ dự án đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh thi công công trình, tổ chức các buổi đi kiểm tra thực tế, đôn đốc tiến độ giải ngân các dự án có kế hoạch vốn lớn...
Hiện nay, nhiều hợp phần của các dự án trên đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Kỹ sư Nguyễn Văn Nhưỡng, Chỉ huy trưởng công trình đường và cầu qua sông Cổ Cò cho biết, trong những ngày này, các mũi thi công đều áp dụng các giải pháp công nghệ mới trong việc thi công kết cấu phần hạ bộ cầu; đồng thời tăng số lượng máy móc, thiết bị, phương tiện thi công; chia làm nhiều mũi thi công đồng loạt; cho tăng ca làm việc từ 2 ca trước đây lên 3 ca/ngày…
Trong khi đó, theo Giám đốc ban điều hành liên doanh nhà thầu, dự án đường vành đai phía tây 2 Trương Xuân Thành, hiện đơn vị đang quyết liệt đẩy mạnh thi công với mục tiêu phấn đấu đạt tiến độ cao nhất có thể. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng bị chậm nên nhà thầu không có mặt bằng để thi công. Do đó, ban điều hành kiến nghị cần ưu tiên giải phóng mặt bằng để thực hiện công tác thi công một cách đồng bộ.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT thành phố Trần Phước Sơn, mặc dù vốn đầu tư đã được giao từ đầu năm nhưng đến nay khối lượng triển khai thi công các công trình còn thấp.
Có dự án phải điều chỉnh hợp phần, điều chỉnh hiệp định vay nên triển khai chậm. Bên cạnh đó, thời gian thống nhất được với nhà tài trợ nước ngoài về các nội dung hoạt động của dự án thường kéo dài. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc phối hợp cùng các địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đốc thúc nhà thầu tích cực thi công, thành phố cũng đã kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành Trung ương cho phép điều chỉnh Hiệp định tài trợ dự án Phát triển thành phố Đà Nẵng được gia hạn ngày đóng tín dụng đến 30-6-2023.
Đồng thời chấp thuận sử dụng tín dụng gốc để thanh toán cho các hạng mục được mô tả tại Hiệp định tài trợ bổ sung. Đối với dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng, thành phố cũng đã đề nghị thống nhất sử dụng hình thức giải ngân qua tài khoản đặc biệt đối với nguồn vốn OFID để thực hiện thủ tục rút vốn.
THÀNH LÂN