Covid-19 tác động đến nền kinh tế nhưng cũng là cơ hội cho hàng hóa sản xuất trong nước phát triển, khẳng định chỗ đứng trên thị trường khi chiếm tỷ lệ ngày càng cao trên kệ các siêu thị và được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng.
Nguồn hàng sản xuất trong nước ngày càng chiếm tỷ trọng lớn ở các chợ, siêu thị. (Ảnh chụp tại siêu thị BigC) Ảnh: KHÁNH HÒA |
Giai đoạn bùng phát dịch bệnh vừa qua ở thành phố, các mặt hàng phục vụ đời sống hằng ngày do các doanh nghiệp trong nước sản xuất và cung ứng ghi nhận sức tiêu thụ tương đối ổn định. Bà Lê Thị Hiền, Giám đốc siêu thị Co.oopmart Sơn Trà cho biết, siêu thị sử dụng nguồn hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ 95%.
Việc đứt gãy chuỗi cung sản phẩm khiến việc lưu chuyển hàng hóa từ nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, thậm chí cả Trung Quốc… gặp khó khăn nhưng không quá ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ngược lại, đã góp phần tạo cơ hội cho hàng nội địa vươn lên khẳng định chỗ đứng trên thị trường bán lẻ, nhất là các mặt hàng đồ gia dụng, đồ thực phẩm chế biến sẵn, rau củ quả, hàng thủy hải sản tươi sống…
Theo bà Hiền, nguyên nhân hàng Việt chiếm được ưu thế giữa thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp chủ yếu do trong những năm qua, doanh nghiệp sản xuất trong nước đã không ngừng đầu tư cải tiến chất lượng, mẫu mã, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh thương hiệu đi đôi với mức giá hợp lý đã giúp cho hàng Việt từng bước tạo được sức hút lớn đối với người tiêu dùng, nhất là trong và sau Covid-19.
Tương tự, đại diện siêu thị BigC Đà Nẵng cho biết, hiện nay, tỷ trọng hàng Việt đã chiếm tới 85% nguồn hàng hóa lên kệ. Tại chợ Cồn, một trong những chợ dân sinh lớn nhất của thành phố Đà Nẵng, trong suốt những tháng xảy ra dịch bệnh, nguồn hàng về chợ luôn bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng ban quản lý chợ Cồn cho hay, nguồn hàng nội địa chiếm đến hơn 80% tổng lượng hàng hóa nhập về chợ, nhất là các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày như gạo, đồ gia vị, thực phẩm đóng gói, rau củ quả…
Hàng Việt đang ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... Trong ảnh: Người tiêu dùng tại siêu thị BigC Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Khảo sát thị trường thành phố Đà Nẵng hiện nay, có thể nhận diện nhiều sản phẩm do doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất đã tạo được chỗ đứng vững vàng trên thị trường thông qua các kênh siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng phân phối... với đa dạng về chủng loại, ngành hàng, mẫu mã cũng như chất lượng ngày càng được nâng cao. Từ các loại nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hằng ngày như rau, củ, quả sạch từ vùng nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Hòa Vang, nước mắm Nam Ô... đến sản phẩm hàng quà lưu niệm, phục vụ du lịch như bánh khô mè Bà Liễu; ngành hàng thời trang có sản phẩm áo quần, khẩu trang y tế của Tổng Công ty CP dệt may Hòa Thọ; các sản phẩm chế biến từ sữa của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamailk) chi nhánh Đà Nẵng; đồ thực phẩm chế biến sẵn của Công ty CP Acecook Việt Nam; các loại hải sản chế biến sẵn; giày dép BQ...
Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX Rau sạch La Hường (quận Cẩm Lệ), một thương hiệu rau sạch nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay các loại rau, củ được sản xuất ra đã tìm được các kênh phân phối ổn định là cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch, chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn, khu nghỉ dưỡng... và ngày càng được người tiêu dùng tin dùng. Nhờ đó, HTX cũng có những kế hoạch dài hơi để tăng cường chất lượng sản phẩm, tăng quy mô sản xuất trong thời gian tới.
Theo nhìn nhận của nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa, việc “sống chung” với Covid-19 đã tạo ra sự thay đổi lớn trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh việc quan tâm và tin dùng hơn đối với hàng Việt thì người tiêu dùng ngày càng tìm đến sản phẩm được sản xuất với tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm mang dấu ấn nông nghiệp sạch tại địa phương. Ngoài ra, tâm lý ủng hộ doanh nghiệp trong nước, thói quen sử dụng hàng Việt có chất lượng đã từng bước được hình thành và ngày càng lan rộng trong người dân cũng góp phần mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất nội địa.
Bà Đỗ Thị Thu Hương (ở quận Hải Châu) bày tỏ, qua đợt dịch bệnh này, bà nhận thấy hàng hóa trong nước sản xuất rất phong phú và đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng không có quá nhiều khác biệt so với hàng nhập ngoại trong khi giá cả hợp lý. Nhìn nhận về một số mặt hàng được doanh nghiệp Đà Nẵng sản xuất, bà Trần Thị Thu (quận Thanh Khê) cho rằng, sản phẩm nước mắm Nam Ô luôn là lựa chọn duy nhất của gia đình bà trong nhiều năm trở lại đây vì chất lượng không thua kém gì các thương hiệu nước mắm khác trên cả nước và bản thân bà Thu luôn có tâm lý ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa, trong đó có sản phẩm do doanh nghiệp thành phố sản xuất ra.
Tương tự, ông Đỗ Văn Hải (quận Hải Châu) cho biết gia đình ông thường xuyên sử dụng hàng nội địa, trong đó có các mặt hàng áo quần, thời trang do Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ sản xuất. “Tôi nhận thấy hàng hóa trên thị trường Đà Nẵng rất dồi dào, phong phú, chưa lúc nào có tình trạng khan hiếm dù trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng hay thiên tai lũ lụt xảy ra. Chất lượng và mẫu mã được cải tiến rất nhiều. Tôi yên tâm khi sử dụng”, ông Hải bày tỏ.
Theo đánh giá từ Sở Công thương thành phố, tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 39.994 tỷ đồng, giảm 6,05% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến căng thẳng, các nhà cung ứng hàng hóa trong nước thông qua hệ thống các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa... đều cam kết đáp ứng phục vụ tối đa nhu cầu của người dân. Điều này đã cho thấy nội lực sản xuất trong nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng dồi dào, đủ sức để phục vụ nhu cầu của địa phương, giữ tỷ trọng hàng hóa lẫn thị trường trong nước. |
KHÁNH HÒA