Thay đổi trong thiết kế kiến trúc trường học

.

Thiết kế kiến trúc trường học lâu nay chủ yếu theo các nguyên lý truyền thống, làm giảm sự đặc trưng, sắc thái của riêng mỗi trường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường học tại thành phố đã được đổi mới về thiết kế kiến trúc, gắn liền với các xu hướng kiến trúc hiện đại hơn.

Không gian cảnh quan tại Trường THCS Đàm Quang Trung, quận Liên Chiểu. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Không gian cảnh quan tại Trường THCS Đàm Quang Trung, quận Liên Chiểu. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Ven tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài (quận Liên Chiểu) là những khu đô thị mới được quy hoạch hiện đại và giữa cấu trúc không gian đó chính là Trường THCS Đàm Quang Trung - một điểm nhấn kiến trúc. Ngôi trường này được đầu tư và chuyển giao theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 29-4-2015.

Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng trên diện tích 16.000m2; được thiết kế hiện đại và khoa học, có 39 phòng gồm 4 khối: khối sảnh có mái che, khối hiệu bộ, 2 khối phòng học và các công trình phụ trợ như nhà xe giáo viên, cổng chính, cổng phụ, công viên cây xanh...

Trường được lắp đặt hệ thống camera giám sát toàn bộ khuôn viên để phục vụ công tác quản lý và an ninh. Cây xanh trong trường tạo bóng mát cho học sinh vui chơi. Cô Nguyễn Thị Thành, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Đàm Quang Trung chia sẻ, suốt quãng thời gian công tác trong ngành giáo dục thì đây là ngôi trường đẹp nhất mà cô từng nhìn thấy và vinh dự được công tác. Đây cũng là cơ sở giáo dục có kiến trúc đẹp, hiện đại ở thành phố Đà Nẵng.

Việc thay đổi trong thiết kế kiến trúc trường học đã được lãnh đạo địa phương và ngành giáo dục thành phố quan tâm. Trong năm 2015, Trường THPT Phan Châu Trinh được đầu tư cải tạo, nâng cấp với cấu trúc công trình mang tính hiện đại trong việc phân bố công năng trên tổng mặt bằng.

Công trình có thiết kế 4 tầng với 57 phòng học, diện tích xây dựng 1.800m2 với tổng vốn đầu tư xây dựng 90,6 tỷ đồng. Trường THPT Phan Châu Trinh ở cơ cở cũ cũng đã hợp nhất 2 cơ sở đối xứng nhau trên trục đường Lê Lợi, bảo đảm đạt chuẩn quốc gia về quy mô diện tích trường học với sự bề thế, khang trang hơn, xứng đáng với ngôi trường truyền thống của thành phố.

Thêm một công trình nữa đó là dự án cải tạo, nâng cấp Trường tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu), dự kiến đưa vào sử dụng từ năm học 2020-2021, với tổng vốn đầu tư trên 87 tỷ đồng. Ngôi trường này cũng tạo nên điểm nhấn kiến trúc trong không gian cảnh quan trung tâm đô thị.

Anh Nguyễn Đông Hải (phụ huynh có con đang theo học tại Trường tiểu học Lý Tự Trọng) phấn khởi cho biết, mỗi ngày qua lại nơi trường đang thi công cải tạo mà thấy vui và lâng lâng tự hào bởi con mình có ngôi trường khang trang và xinh đẹp để học tập vui chơi. Anh Hải rất ấn tượng với thiết kế cảnh quan khi mà những hàng cây, những gốc cổ thụ vẫn được giữ nguyên.Dấu ấn từ kiến trúc đem lại cho chính các bậc phụ huynh lẫn học sinh những cảm nhận ngay bài học về ý thức bảo vệ môi trường.

Trong dịp khai giảng năm học 2020-2021, khu vực Khu đô thị Hòa Xuân có thêm ngôi trường mới đó là Trường THPT Nguyễn Văn Thoại. Trường được xây dựng trên tổng diện tích đất quy hoạch 21.257m, đầy đủ các hạng mục phục vụ việc dạy và học, vui chơi giải trí, rèn luyện…, với tổng mức đầu tư khoảng 78 tỷ đồng, quy mô 30 lớp đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 1.200 học sinh.

Trường THPT Nguyễn Văn Thoại chưa chính thức khai trương, nhưng những hình ảnh về ngôi trường được nhiều người chia sẻ qua thông tin mạng xã hội với những lời khen ngợi về thiết kế kiến trúc cảnh quan; cơ sở hạ tầng khang trang với cấu trúc hiện đại cùng nhiều hạng mục công năng như: sân chơi thể thao trong và ngoài trời; sân vườn.

Theo một kiến trúc sư sinh hoạt tại CLB Kiến trúc sư trẻ thành phố, không gian kiến trúc trường học phổ thông hiện nay về nguyên tắc được xây dựng dựa theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8793:2011 đối với trường tiểu học và TCVN 8794:2011 đối với trường trung học.

Về giải pháp thiết kế kiến trúc trường học, hiện nay chủ yếu theo các nguyên lý truyền thống với những dãy nhà dài, hành lang bên, kiến trúc thấp tầng được phân chia thành các lớp học đều đặn. Vì tuân thủ theo nguyên lý tận dụng triệt để hướng ánh sáng tự nhiên, hướng gió chủ đạo nên bố cục các tòa nhà lớp học đều là các tuyến chạy song song và tách biệt, khoảng trống xen kẽ giữa các dãy nhà học chưa được nghiên cứu sử dụng cho việc học ngoài trời.

Do đó, bố cục không gian kiến trúc theo mô hình học thụ động, học trong nhà, thiếu sự kết nối với không gian mở, các không gian cộng đồng trải nghiệm thực hành các môn học. Trước sự đổi mới về giáo dục, yêu cầu mới đặt ra cho kiến trúc trường học ngày nay đòi hỏi sự đa dạng của các bộ phận cấu thành không gian học tập, với các giải pháp kiến trúc linh hoạt và các không gian đa chức năng, có khả năng tạo sự biến đổi môi trường của lớp học tùy theo môn học với các kiểu ghép nhóm, ghép lớp, bảo đảm chuẩn không gian lớp học và phục vụ học tập.

Việc đổi mới kiến trúc trường học cần gắn liền với các xu hướng kiến trúc hiện đại, trong đó tiết kiệm năng lượng, xu hướng kiến trúc xanh cần được nghiên cứu ứng dụng hơn nữa trong các giải pháp thiết kế kiến trúc, đồng thời thể hiện rõ bản sắc địa phương.

Những hình mẫu về thay đổi không gian kiến trúc trường học ở thành phố Đà Nẵng hướng đến điểm chung là tạo không gian xanh, cấu trúc thân thiện hài hòa cảnh quan và đa dạng trong kết nối công năng sử dụng hạ tầng ở mỗi trường học. Những thay đổi về thiết kế không gian kiến trúc trường học sẽ tác động đến việc đổi mới phương pháp dạy học lẫn chất lượng đào tạo trong thời gian đến. 

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích