Diễn đàn xây dựng thành phố môi trường

.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng đang lấy ý kiến góp ý của cộng đồng, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân... đối với đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030; hướng đến xây dựng thành phố sinh thái theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Báo Đà Nẵng ghi nhận một số ý kiến góp ý về đề án này.

Khu công nghiệp Hòa Khánh đã đạt được hầu hết các tiêu chí khu công nghiệp sinh thái, góp phần xây dựng thành phố môi trường. Ảnh: MINH HÀ
Khu công nghiệp Hòa Khánh đã đạt được hầu hết các tiêu chí khu công nghiệp sinh thái, góp phần xây dựng thành phố môi trường. Ảnh: MINH HÀ

TS Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chương trình hành động của Thành ủy, UBND thành phố về xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, đô thị sinh thái, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn từ năm 2020-2025, nhất là các giải pháp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước hết, tiến hành nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp... về bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tiếp đó, xây dựng các chính sách, quy định địa phương về quản lý và tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, cụ thể: cần đa dạng các loại hình, hoạt động bảo vệ môi trường và có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế thực hiện dịch vụ bảo vệ môi trường; có chính sách khuyến khích tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ về xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường, chăm sóc cây xanh…

Đồng thời, tạo chuyển biến căn bản trong quản lý, hành động bảo vệ môi trường, nhất là quản lý chặt chẽ môi trường các khu, cụm công nghiệp, kiểm soát chặt các nguồn xả thải, xử lý nghiêm đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường; kiên quyết lựa chọn các công nghệ xử lý hiện đại, bền vững; công trình xử lý môi trường phải có tính dự phòng cao; triển khai hiệu quả phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, quản lý tổng hợp chất thải rắn theo hướng hiện đại, tái sử dụng, tái chế kết hợp thu hồi năng lượng... Chúng ta cần tổ chức, kiện toàn hệ thống quản lý môi trường, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong quản lý môi trường...

TS Nguyễn Đình Huấn, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng: Áp dụng thêm các biện pháp xử lý rác, trồng cây xanh

Đà Nẵng còn nguồn lực đất đai không nhiều nên lựa chọn phương pháp đốt để xử lý rác sinh hoạt là hợp lý. Tuy nhiên, cần nghiên cứu áp dụng thêm phương án ủ làm phân và ủ tạo khí đốt ở Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, giảm tối đa khối lượng rác đem chôn lấp; tăng cường thu gom rác sinh hoạt từ hộ gia đình và rác xây dựng, rác đổ trộm ven đường, kênh... Đà Nẵng có lợi thế gần biển nên chất lượng không khí khá tốt nhưng cũng cần lắp đặt thêm các trạm quan trắc tự động để kiểm tra chất lượng không khí. Đồng thời, có chiến lược giảm ô nhiễm không khí do giao thông, kêu gọi đầu tư các dự án thân thiện môi trường, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, yêu cầu các chủ đầu tư dự án từng bước thay đổi công nghệ, có quy định về tiếng ồn đối với thiết bị và máy móc công nghiệp...

Thành phố cần đánh giá tổng thể để phân bổ trữ lượng nước thải đến các trạm xử lý hợp lý, trong đó có đánh giá về hệ thống thu gom. Bên cạnh đó, nâng cấp các trạm xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu, từng bước tự động hóa trong xử lý và quản lý; cải thiện chất lượng nước của các hồ. Thành phố cần tăng diện tích cây xanh, có chiến lược trồng cây. Các tòa nhà cần hài hòa với không gian xanh và có biện pháp tiết kiệm năng lượng...

KTS Huỳnh Việt Thành, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Đánh giá kỹ hiện trạng môi trường

Cần phân tích nguyên nhân tồn tại các vấn đề môi trường của thành phố hiện nay. Tiếp đó, đánh giá các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường được thực hiện từ năm 2008 đến nay đã đạt hiệu quả đến đâu để rút kinh nghiệm trong việc triển khai, thực hiện các chương trình, dự án tiếp theo cho phù hợp và hiệu quả.

Cũng cần đánh giá hiện trạng môi trường tại các khu vực dân cư, khu công nghiệp, ven biển, ven sông kỹ hơn để đầu tư các chương trình, dự án xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường cho thỏa đáng và có trọng tâm. Các chương trình, dự án này phải gắn với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để việc đầu tư có trọng điểm hơn.

Ông Đinh Phạm Công Anh Tuân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cẩm Lệ: Tập trung xây dựng quận, huyện và phường, xã thân thiện môi trường

Vừa qua, thành phố đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, trong đó đánh giá kỹ những chỉ tiêu đã đạt được và chưa đạt được. Qua đó cho thấy, sự tham gia, chung tay, góp sức của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp thông qua các mô hình, phong trào... là rất quan trọng, nên cần đưa ra tiêu chí cụ thể hơn về sự tham gia của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp xây dựng thành phố môi trường trong giai đoạn tiếp theo.

Muốn xây dựng thành phố môi trường, cần xây dựng được quận, huyện, phường, xã thân thiện môi trường. Nếu cả 56 phường, xã trên địa bàn thành phố đều đạt được các tiêu chí phường, xã thân thiện với môi trường do UBND thành phố quy định thì đây là cơ sở quan trọng, góp phần khẳng định Đà Nẵng là thành phố môi trường. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, công chức ở phường, xã làm công tác về môi trường rất ít, thậm chí có những người làm công tác về môi trường mà không có chuyên môn về môi trường. Do đó, muốn thực hiện được quận, huyện và phường, xã thân thiện môi trường cũng như thành phố môi trường thì cần có con người để thực hiện.

HOÀNG HIỆP (lược ghi)

;
;
.
.
.
.
.
Địa chỉ thu mua vải giá cao thông tắc cống