Doanh nghiệp đổi mới công nghệ và dịch vụ

.

Thời gian qua, dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng nhiều doanh nghiệp đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất góp phần tăng năng suất, đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Nhiều doanh nghiệp chủ động đổi mới phương thức hoạt động để thích ứng và tạo đà tăng tốc sau khi dịch bệnh được kiểm soát. TRONG ẢNH: Công ty TNHH Danang Marina (chủ nhà hàng Marina, đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà) đã dành toàn bộ thời gian thực hiện giãn cách xã hội để thiết kế lại không gian bài trí cũng như cung cách phục vụ theo hình thức ẩm thực biểu diễn.  				Ảnh: KHÁNH HÒA
Nhiều doanh nghiệp chủ động đổi mới phương thức hoạt động để thích ứng và tạo đà tăng tốc sau khi dịch bệnh được kiểm soát. TRONG ẢNH: Công ty TNHH Danang Marina (chủ nhà hàng Marina, đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà) đã dành toàn bộ thời gian thực hiện giãn cách xã hội để thiết kế lại không gian bài trí cũng như cung cách phục vụ theo hình thức ẩm thực biểu diễn. Ảnh: KHÁNH HÒA

Hoạt động trong ngành sản xuất đồ dùng gia dụng, từ tháng 7, Công ty sản xuất thương mại và dịch vụ Lê House (quận Hải Châu) đầu tư mới 2 máy ép khuôn silicon để cho ra đời sản phẩm mới là thớt kính, với công suất 200 sản phẩm/ngày. Đây là dòng sản phẩm cao cấp, có độ bền, đẹp và dễ sử dụng, lại không bị mùn, mốc như thớt gỗ. Đến thời điểm này, nhờ mạnh dạn đi trước một bước nên ngay sau khi thị trường tái khởi động trở lại, đơn vị đã kịp thời tung ra dòng sản phẩm và nhanh chóng tạo được thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận với sức tiêu thụ tốt.

Bà Đặng Thị Hằng, Giám đốc Công ty sản xuất thương mại và dịch vụ Lê House cho biết, nhờ đầu tư và áp dụng thiết bị máy móc mới nên ngay sau khi thị trường tái khởi động trở lại, đơn vị đã ký kết được nhiều đơn hàng lớn, bảo đảm được việc làm, thu nhập cho đội ngũ công nhân cũng như bù đắp doanh thu cho doanh nghiệp trong năm 2020.

“Chúng tôi xác định đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất là bước đi then chốt để nâng cao năng suất, cải tiến tính năng của sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường cũng như chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi trong vài năm tới. Đó là vừa mở rộng thị trường nội địa, vừa đẩy mạnh phân khúc xuất khẩu sang một số nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản...”, bà Hằng cho hay.

Ở lĩnh vực cung ứng dịch vụ ăn uống, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội (tháng 8, 9), Công ty TNHH Danang Marina (chủ nhà hàng Marina, đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà) đã thiết kế lại không gian bài trí cũng như cung cách phục vụ theo hình thức ẩm thực biểu diễn, mô phỏng mô hình nhà hàng Vapiano (kiểu Ý) với 9 quầy ẩm thực gồm các món ăn của Việt Nam, Ý, Hàn Quốc, Nhật Bản, Brazil...

Với hình thức mới này, thực khách khi đến đây thay vì vào bàn, đợi nhân viên phục vụ đem món ăn tới thì khách sẽ được tự chọn món ăn, nguyên liệu để đầu bếp trực tiếp chế biến, đồng thời trò chuyện với đầu bếp để được giới thiệu sâu hơn về món ăn mà mình lựa chọn. Sau vài tháng phải tạm ngưng đóng cửa, đến nay, nhà hàng Marina đã trở lại hoạt động bình thường và đón một lượng khách lớn đến thưởng thức.

Đổi mới công nghệ nhằm tạo đà phát triển khi thị trường phục hồi sau thời gian ảm đạm do Covid-19 cũng là hướng đi đúng đắn được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ ở Làng đá mỹ nghệ Non Nước lựa chọn. Đây cũng là giải pháp quan trọng để trụ vững trước khó khăn, khủng hoảng, được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhận diện qua kinh nghiệm ứng phó với đại dịch toàn cầu như Covid-19. Đơn cử như câu chuyện của hộ kinh doanh đá mỹ nghệ Nguyễn Văn Toan (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Dù trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh nhưng đơn vị vẫn quyết tâm đầu tư hệ thống máy tiện đá tự động, có ứng dụng lập trình sản phẩm trị giá 792 triệu đồng để phục vụ tiện các sản phẩm đá.

Ông Nguyễn Văn Toan, chủ hộ kinh doanh cho biết, đây là quyết định liều lĩnh nhưng nhờ đó mà trong thời gian diễn ra Covid-19, cơ sở của ông không những không bị giảm sản lượng, ngược lại, đơn hàng còn tăng lên khi thiết bị mới đã tăng công suất gấp 20 lần so với máy cũ, cho phép tiện ra các con tiện đá theo đúng mẫu mã, thẩm mỹ cao, tỷ lệ sản phẩm đúng với yêu cầu của khách hàng, sức cạnh tranh của sản phẩm vì vậy tăng lên đáng kể lại an toàn, tiết kiệm sức lao động. Hiện đơn vị đang hối hả chuẩn bị hoàn tất các đơn hàng còn lại trong năm 2020 và ký thêm các đơn hàng mới cho năm 2021.

Một ví dụ khác minh chứng cho việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh tăng sức chống chịu trước những rủi ro, sự cố ngoài ý muốn để nhanh chóng bắt nhịp khi thị trường tái khởi động là trường hợp của Công ty TNHH MTV Chiến Thắng Gia, chuyên thu gom và tái chế biến đá phế phẩm của Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.

Trong vài năm trở lại đây, doanh nghiệp này không ngừng đầu tư trang bị, áp dụng nhiều loại máy móc mới vào quy trình sản xuất, nhờ đó từ một hộ sản xuất thủ công, quy mô nhỏ, sản phẩm chất lượng không cao, năng suất lao động rất thấp và không tận dụng được tối đa đá phế phẩm, nay thành doanh nghiệp sản xuất với sản lượng tăng lên đến 30 tấn/ngày, đủ năng lực ký các hợp đồng dài hạn, cung ứng liên tục cho đối tác mà không sợ bị đứt gãy. Hiện mỗi tháng công ty cung cấp cho thị trường1.000 tấn bột đá mịn vừa phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Bà Trần Thị Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chiến Thắng Gia cho biết, phải có đầu tư may móc tân tiến mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đáp ứng được đa dạng các phân khúc khách hàng khác nhau và đa dạng được thị trường.

Đến thời điểm này, sau gần một năm với nhiều biến động do ảnh hưởng bởi sự cố Covid-19, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất cho biết họ kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc và ấm dần lên, để có một mùa làm ăn thuận lợi và hiệu quả hơn. Nhất là khi đã chủ động và táo bạo đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, dù trước đó phải đối diện với không ít khó khăn.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.