Thị trường bánh kẹo: Đa dạng nhưng khó kiểm soát

.

Giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng đột biến, đặc biệt là mặt hàng bánh kẹo. Theo khảo sát, mặt hàng bánh kẹo trong nước đã có sự đổi mới mạnh mẽ về cả hình thức và chất lượng sản phẩm, cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.

Các loại bánh kẹo được bày bán tại siêu thị BigC với nhiều lựa chọn cho khách hàng. Ảnh: GIAO THỦY
Các loại bánh kẹo được bày bán tại siêu thị BigC với nhiều lựa chọn cho khách hàng. Ảnh: GIAO THỦY

Những ngày này, thị trường bánh kẹo khá sôi động ở các siêu thị, chợ, tạp hóa lớn, nhỏ. Đa số các mặt hàng bánh kẹo đều có giá cả phù hợp, đi cùng đó là mẫu mã đa dạng, thu hút người mua.

Riêng tại hệ thống các siêu thị như BigC, Co.opmart, Mega Market, mặt hàng bánh kẹo trong nước chiếm 70-80% từ các thương hiệu quen thuộc của Bibica, Kinh Đô, OISHI…, còn lại là các mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Đức, Mỹ… với các nhãn hiệu Royal, Richy, Bristish, Danisa, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu tiêu dùng đa dạng và làm quà biếu tặng. Bên cạnh các nhà sản xuất có thương hiệu, uy tín thì tại các chợ truyền thống, các cửa hàng, chợ online..., nhiều loại bánh kẹo, mứt không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn khá phổ biến, chất lượng đang bị thả lỏng.

Khảo sát tại chợ Cồn, chợ Hàn (quận Hải Châu), chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), nhiều tiểu thương bày bán các loại bánh mứt được bán theo ký, đựng trong khay nhựa hoặc bao nilon không có thông tin rõ ràng về sản phẩm, cơ sở sản xuất. Bà Hoa (một người chuyên bán mặt hàng bánh kẹo tại chợ Cồn) cho hay: “Đó là những sản phẩm nhà làm hoặc do các cơ sở nhỏ trong nước sản xuất. Họ tiết kiệm chi phí đóng gói bao bì nên mới có giá thành thấp hơn, mà người tiêu dùng cũng lợi so với việc mua tại các hệ thống lớn”. Chúng tôi cũng đặt câu hỏi, vì sao trên từng thùng bánh kẹo không có nguồn gốc rõ ràng cũng như hạn sử dụng thì các tiểu thương giải thích “trên thùng lớn có đầy đủ thông tin, nhưng khi xé lẻ ra bán thì không còn” (!?). Năm nay, thị trường bánh kẹo xuất hiện thêm các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc với mẫu mã đơn giản, bắt mắt, giá thành dao động từ 50.000-200.000 đồng/hộp (tùy loại). Tuy nhiên, theo quan sát, không ít sản phẩm được nhập đại trà không ghi rõ nguồn gốc nên khi chọn mua người tiêu dùng cần lưu ý về nhãn mác để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Theo tìm hiểu, do ảnh hưởng của Covid-19 nên năm nay, nhiều người tiêu dùng có xu hướng “bùng nổ” mua sắm qua các trang mạng trực tuyến. Điều này dẫn đến những mặt hàng như bánh mứt cũng giảm dần sức tiêu thụ tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ. Việc mua sắm này giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin sản phẩm từ nhiều nguồn khác nhau: trang web, mạng xã hội (facebook, instagram…) và giúp tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, việc mua sắm hàng thực phẩm qua các trang thương mại điện tử sẽ khó kiểm soát được giá cả, chất lượng sản phẩm. Cùng một mặt hàng nhưng ở nhiều chỗ mức giá có thể chênh lệch từ vài chục đến cả trăm ngàn đồng. Với sự đa dạng của mặt hàng bánh, mứt, kẹo trên thị trường hiện nay, rất cần các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng; tránh nguồn hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành. Người tiêu dùng cũng cần thận trọng trong lựa chọn bánh kẹo, tránh “tiền mất, tật mang”.

GIAO THỦY - PHƯƠNG BÙI

;
;
.
.
.
.
.