Thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp

.

Trong giai đoạn 2016-2020, hoạt động thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao trên địa bàn thành phố đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần gia tăng tỷ trọng trong cơ cấu GRDP của thành phố qua từng năm.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Key Tronic Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, quận Liên Chiểu). Ảnh: PV
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Key Tronic Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, quận Liên Chiểu). Ảnh: PV

Báo cáo của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) thành phố Đà Nẵng cho thấy, giai đoạn 2016-2020, đơn vị đã thu hút 153 dự án, trong đó 109 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 9.872 tỷ đồng và 44 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 507,63 triệu USD. Lũy kế đến nay, KCNC&CKCN đã thu hút 490 dự án, trong đó 362 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng và 128 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1,59 tỷ USD.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý KCNC&CKCN thành phố, trong 15 năm qua, các dự án đầu tư trong nước và FDI đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Riêng giai đoạn 2016-2020, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đóng góp bình quân hơn 9% giá trị gia tăng toàn nền kinh tế; khu vực ngoài Nhà nước đóng góp 49,529% và khu vực FDI đóng góp 10,39% cho nguồn vốn đầu tư phát triển; tạo việc làm cho hơn 90.000 lao động và thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố. Đồng thời đóng góp tăng bình quân 10%/năm vào tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố giai đoạn 2016-2019 với 5,994 tỷ USD, riêng khu vực FDI đóng góp bình quân 53,07% tổng giá trị xuất khẩu.

Sự có mặt của các dự án, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã góp phần làm gia tăng năng lực sản xuất kinh doanh của thành phố; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy xây dựng thương hiệu điểm đến đầu tư. Đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy hội nhập quốc tế và thiết lập quan hệ hợp tác của Đà Nẵng với nhiều quốc gia trên thế giới trên nhiều lĩnh vực. Là một trong những nhà đầu tư có mặt sớm nhất tại thành phố Đà Nẵng (năm 2005), ông Ikeda Naoatsu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam chia sẻ: “Công tác thu hút đầu tư được đẩy mạnh cho thấy quyết tâm, khát vọng của thành phố đối với việc đầu tư, phát triển kinh tế, trong đó có ngành công nghiệp”.

Sự có mặt của các dự án, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã góp phần làm gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh của thành phố. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Hifi (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA
Sự có mặt của các dự án, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã góp phần làm gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh của thành phố. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Hifi (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA

Thực tế hiện nay, mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng công tác thu hút đầu tư vẫn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, do đó chưa tạo ra được bước phát triển đột phá như kỳ vọng. Thu hút đầu tư trong nước chủ yếu là các dự án bất động sản, dịch vụ về khách sạn, nghỉ dưỡng chiếm tỷ trọng lớn, tuy vậy, thu hút vào KCNC&CKCN chiếm tỷ trọng thấp (chỉ khoảng 11%). Thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chưa hiệu quả và chưa xác định được ngành công nghiệp hỗ trợ chủ đạo.

Để tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp nói chung mà hạt nhân là KCNC, thành phố đã phê duyệt đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, đặt mục tiêu giai đoạn 2020-2025 sẽ thu hút ít nhất 3 dự án có quy mô vốn trên 100 triệu USD, có sức lan tỏa vào KCN, nâng tỷ lệ đóng góp của KCNC Đà Nẵng vào GRDP của thành phố đạt tối thiểu 10% đến năm 2025. Đến năm 2030, phát triển KCNC Đà Nẵng đồng bộ với các KCNC Hòa Lạc và Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó quyết liệt rà soát và sử dụng quỹ đất đầu tư không hiệu quả trong và ngoài KCNC&CKCN; tập trung tháo gỡ vướng mắc và bảo đảm triển khai đúng tiến độ dự án KCNC và điều chỉnh, mở rộng KCNC; đẩy nhanh thủ tục thành lập, lựa chọn nhà đầu tư và hoàn thiện hạ tầng đưa vào sử dụng các KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh. Đồng thời hoàn chỉnh hạ tầng và đưa vào hoạt động Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam, Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Hiệp Bắc; phát triển hệ thống nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa - xã hội hỗ trợ cho công nhân tại các KCN. Thành phố sẽ phát triển hạ tầng logistics, đủ tầm vóc ở cấp quốc gia và quốc tế, có quy mô để đảm nhận vai trò dẫn dắt thị trường và hội tụ doanh nghiệp; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; nhân rộng mô hình KCN tự đào tạo nghề, gắn kết các trường nghề với nhu cầu của doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất.

Ông Phạm Trường Sơn cho biết thêm, qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, các KCN của thành phố Đà Nẵng đến nay đã cơ bản được lấp đầy diện tích, đóng góp một phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo 3 hướng đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về thu hút đầu tư công nghiệp CNC. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30-10-2020 về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều này khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian đến.

KHÁNH HÒA

"Trong định hướng phát triển thời gian đến, Đà Nẵng tập trung phát triển các ngành công nghiệp sạch có hàm lượng công nghệ cao, các sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng sạch trong hoạt động sản xuất và phát triển các công nghệ ít phát thải. Phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường là một trong những yêu cầu quan trọng và ưu tiên hàng đầu của thành phố Đà Nẵng”

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý KCNC&CKCN

 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích