Phát huy tiềm năng thu hút đầu tư ở Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp

.

Những năm qua, công tác thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cùng các cơ chế chính sách phù hợp.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Foster (Khu Công nghiệp Hòa Cầm). Ảnh: K.NINH
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Foster (Khu Công nghiệp Hòa Cầm). Ảnh: K.NINH

Cơ chế đặc thù tạo cú hích thu hút đầu tư

Đầu năm 2018, Khu CNC Đà Nẵng chính thức trở thành 1 trong 3 khu CNC của cả nước nhận cơ chế đặc thù của Chính phủ, mang lại nhiều ưu đãi, hỗ trợ về tiền thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cơ chế này đã giải phóng tiềm năng phát triển của khu CNC, tạo tiền đề để khu CNC tăng tốc thu hút các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa và phù hợp với sự phát triển của thành phố, chủ yếu ở các lĩnh vực như tự động hóa, cơ khí chính xác, nghiên cứu thiết kế và phát triển sản phẩm điện tử, các vi mạch điện tử tích hợp, công nghệ chế tạo điện tử linh hoạt…

Một số dự án mới được cấp phép đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng theo trọng tâm và lĩnh vực thành phố ưu tiên kêu gọi đầu tư như: dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (170 triệu USD, Mỹ), dự án Nhà máy sản xuất lắp ráp thiết bị điện tử của Tập đoàn Key Tronic (70 triệu USD, Mỹ)...

Năm 2020, cơ sở hạ tầng Khu CNC Đà Nẵng được tập trung hoàn thiện, công tác cải cách thủ tục hành chính được chú trọng, đặc biệt đã cắt giảm thủ tục, thời gian thực hiện và triển khai thực hiện tiếp nhận trực tuyến 100% hồ sơ hoặc theo dịch vụ bưu chính công ích; đồng thời chủ động tháo gỡ khó khăn trong quá trình làm thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Universal Alloy (chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine) Jon Kevin Loebbaka chia sẻ: “Chúng tôi chọn Đà Nẵng làm nơi đầu tư vì nhiều lý do, trong đó có cơ sở hạ tầng rất phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho dự án mở rộng sản xuất của Universal Alloy. Chúng tôi giao tiếp thuận lợi, minh bạch với chính quyền địa phương và các cơ quan khác tại Đà Nẵng, giúp đẩy nhanh quá trình đầu tư đến vận hành dự án”. Lũy kế đến nay, Khu CNC Đà Nẵng đã thu hút 22 dự án, trong đó có 12 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 6.300 tỷ đồng và 10 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD.

Trưởng ban Quản lý KCNC&CKCN Phạm Trường Sơn cho biết, định hướng phát triển Khu CNC Đà Nẵng cần bảo đảm 3 cấu thành cơ bản và liên quan chặt chẽ với nhau gồm: khu nghiên cứu và phát triển làm nhiệm vụ nghiên cứu thí nghiệm chuyển giao ứng dụng công nghệ, đào tạo đội ngũ chuyên gia công nghệ cao; khu sản xuất các sản phẩm CNC theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp, khoa học và công nghệ trong nước và khu vực; khu thương mại - dịch vụ làm nhiệm vụ thương mại hóa các sản phẩm công nghệ, kiểm định, giao dịch, thương mại, chuyển giao công nghệ và các sản phẩm CNC, đầu mối xuất nhập khẩu và trung chuyển các sản phẩm công nghệ.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology (Khu Công nghệ cao). Ảnh: K.NINH
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology (Khu Công nghệ cao). Ảnh: K.NINH

Giải quyết bài toán mặt bằng, nguồn nhân lực

Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng Huỳnh Liên Phương nhận định, giai đoạn 2016-2020, làn sóng đầu tư vào Việt Nam từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển rất mạnh. Các dự án cấp mới trong giai đoạn này tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp CNC… theo đúng định hướng kêu gọi đầu tư của thành phố. Hiện có nhiều dự án sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động, nhiều dự án mở rộng quy mô đầu tư, nâng công suất, tăng vốn đầu tư… thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.

Mặc dù diễn biến phức tạp của Covid-19 trên toàn cầu nhưng thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng vẫn có những tín hiệu khả quan. Các hoạt động kết nối nhà đầu tư đã linh hoạt chuyển qua hình thức trực tuyến (webinar) và chính quyền thành phố cũng tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu đầu tư tại Đà Nẵng.

Tuy vậy, thu hút đầu tư vào các KCN vẫn đang đối mặt với nhiều bài toán khó. Hiện tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện hữu trên địa bàn thành phố khoảng 86,45%. Tổng diện tích còn lại có thể cung cấp cho các nhà đầu tư khoảng 109,40ha, tập trung chủ yếu tại KCN Liên Chiểu, nhưng diện tích đất manh mún, phân tán nhỏ lẻ và thời gian hoạt động còn lại của dự án ngắn (đến ngày 12-12-2046) nên rất khó khăn trong việc kêu gọi các dự án đầu tư có quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp sạch.

Ngoài ra, các KCN đang tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật mà chưa quan tâm đến hạ tầng xã hội. Hệ thống xử lý chất thải và nước thải chưa được đầu tư xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn. Nhà xưởng cho thuê trong các KCN còn thiếu, chất lượng nhà xưởng cho thuê và môi trường cảnh quan chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất trong các KCN khi vận chuyển hàng hóa ra cảng Đà Nẵng phải di chuyển bằng đường nội đô trong thành phố làm tăng thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa.

Cảng Tiên Sa theo dự báo có nguy cơ quá tải trong dài hạn, trong khi dự án cảng Liên Chiểu đang được kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác công - tư nhưng tiến độ triển khai chậm. Về vấn đề nhân lực, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó trong tuyển dụng lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ điện tử, tự động hóa, cơ khí chính xác mà thành phố tập trung ưu tiên thu hút đầu tư. Thành phố vẫn còn thiếu những lao động lành nghề, kể cả công nhân kỹ thuật, nhân sự quản lý điều hành, chuyên gia cấp cao.

Để giải quyết bài toán này, thành phố đã phê duyệt đề án “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, trong đó sẽ tập trung triển khai các thủ tục chuyển đổi và hoàn thiện KCN hỗ trợ Khu CNC Đà Nẵng, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 3 KCN mới (Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Ninh và Hòa Nhơn) với tổng diện tích sử dụng đất hơn 800 ha và tổng vốn đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30-10-2020 về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể hóa nghị quyết này, thành phố cũng sẽ ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, làm cơ sở để tập trung đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ thu hút đầu tư trong các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; triển khai công tác dự báo nhu cầu lao động của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đối với một số ngành, lĩnh vực thành phố đang kêu gọi đầu tư; nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo nhằm nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, lao động có trình độ kỹ thuật cao, nhằm bắt kịp đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

KHANG NINH

Mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, Đà Nẵng sẽ thu hút ít nhất 3 dự án có quy mô vốn trên 100 triệu USD, có sức lan tỏa vào Khu CNC. Đến năm 2025, tỷ lệ đóng góp của Khu CNC Đà Nẵng vào GRDP của thành phố đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, phát triển Khu CNC Đà Nẵng đồng bộ với các Khu CNC Hòa Lạc (Hà Nội) và Khu CNC Thành phố Hồ Chí Minh, thúc đẩy Đà Nẵng trở thành hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

 

;
;
.
.
.
.
.