ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Phát huy kinh tế tri thức và công nghệ cao làm đòn bẩy phát triển

.

Báo Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận các ý kiến tâm huyết sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao với diện tích 1.700ha là nguồn tài nguyên lớn cho sự phát triển kinh tế- xã hội bền vững ở thành phố. TRONG ẢNH: Dự án Nhà máy ươm tạo công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao với diện tích 1.700ha là nguồn tài nguyên lớn cho sự phát triển kinh tế- xã hội bền vững ở thành phố. TRONG ẢNH: Dự án Nhà máy ươm tạo công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng:

Tiền đề đưa Khu Công nghệ cao Đà Nẵng trở thành trung tâm sáng tạo, khởi nghiệp và thương mại hóa công nghệ

Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có nội dung tập trung phát triển công nghệ cao (CNC) với quy mô diện tích đất khoảng 1.710ha. Việc định hướng mở rộng Khu CNC Đà Nẵng theo quy hoạch là góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị trong việc xác định công nghiệp CNC là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng, gắn công nghiệp CNC với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và kinh tế số; đồng thời nâng cao lợi thế cạnh tranh của Khu CNC Đà Nẵng so với các khu CNC trong cả nước.

Việc quy hoạch mở rộng Khu CNC Đà Nẵng có ý nghĩa quan trọng khi đây là tiền đề đưa Khu CNC Đà Nẵng trở thành trung tâm sáng tạo, khởi nghiệp và thương mại hóa công nghệ, tạo ra thế hệ doanh nghiệp CNC mới, có khả năng tham gia hiệu quả và bền vững vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Khu CNC Đà Nẵng sẽ được phát triển với nền tảng là các lĩnh vực công nghệ được ưu tiên phát triển, đầy đủ các chức năng nghiên cứu phát triển, thương mại hóa công nghệ và sản xuất CNC, trong đó lấy chức năng nghiên cứu và phát triển làm hạt nhân. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào khu CNC, đặc biệt là các dự án lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, có tính lan tỏa cao, củng cố sự liên kết với các công ty tư vấn đầu tư quốc tế, các tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài để xác định, lựa chọn và mời gọi đúng các nhà đầu tư tiềm năng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Khu CNC.

Đây cũng là cơ sở để rà soát các cơ sở nghiên cứu của thành phố, các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu đã quy hoạch nhưng chưa triển khai để xem xét, triển khai tại Khu CNC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu – phát triển, ươm tạo CNC. Thông qua nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung, thành phố Đà Nẵng tranh thủ sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong công tác ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và phát huy lợi thế của Khu CNC Đà Nẵng, đặc biệt lưu ý đến khoa học công nghệ và xây dựng môi trường có tính cộng hưởng để thu hút đầu tư, tạo ra các công nghệ mới, phát triển các sản phẩm mới, doanh nghiệp công nghệ mới và ngành công nghiệp mới, tạo cơ sở thu hút nhân lực CNC trong các lĩnh vực này đến với thành phố làm việc. Cuối cùng, việc mở rộng khu CNC được coi là yếu tố hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Vì đây là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học công nghệ, thu hút vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

PGS.TS. Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng:

Trở thành đô thị sinh thái bằng “đòn bẩy” của tri thức, khoa học

Tôi rất vui khi thấy nhiều công trình, dự án có những vấn đề nhạy cảm về môi trường đã không có “tên” trong quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ. Đồng thời, những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đều được ghi nhận, tiếp thu, điều chỉnh. Điều này mang lại sự tích cực trong phát triển thành phố, thể hiện sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và môi trường, hướng đến xây dựng đô thị sinh thái. Thiện chí tiếp thu, lắng nghe của chính quyền thành phố cần tiếp tục phát huy trong thời gian đến khi triển khai các công việc cụ thể hóa điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung, một mục tiêu phát triển rất quan trọng của Đà Nẵng được đặt ra là trở thành đô thị sinh thái. Để xây dựng đô thị sinh thái đối với một đô thị sẵn có không gian tự nhiên “dự phòng” hạn chế như Đà Nẵng là điều không dễ dàng. Cần thiết phải có sự dịch chuyển “tư duy quán tính” sang “tư duy đổi mới sáng tạo” dựa trên nền tảng nguyên lý khoa học, tư duy lại mô hình phát triển. Có thể mô hình cũ đã từng hiệu quả nhưng nay cần phải thay đổi và thay đổi phải căn bản từ các nguyên lý khoa học chứ không nên sửa sai, điều chỉnh mang tính nhất thời, đối phó.

Theo tôi, trước tiên thành phố Đà Nẵng cần đầu tư phát triển kinh tế tri thức bởi thành phố là nơi hội tụ nhiều trường đại học, cao đẳng, học viện, trung tâm nghiên cứu, nhà khoa học, nhà nghiên cứu... Trong bối cảnh kinh tế số, nguồn tài nguyên này nếu được khai thác hiệu quả, Đà Nẵng sẽ là “đầu tàu”, động lực của khu vực miền Trung - Tây nguyên. Mặt khác, nếu như trước đây, công nghệ thông tin (IT) là khâu đột phá thì nay phải là công nghệ dữ liệu (DT), công nghệ số. Với các “bộ não” lớn nằm ở Đà Nẵng thì sự kết nối không còn ở miền Trung - Tây Nguyên mà cả thế giới... Cạnh đó, thành phố cần đầu tư thực chất cho khoa học và công nghệ bằng những cơ chế, chính sách, tức là xây dựng được “luật chơi” và bảo đảm tuân thủ “luật chơi”, chắc chắn sẽ có được những “đòn bẩy” đủ mạnh vực dậy nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững. Đặc biệt, Đà Nẵng cần quan tâm kiến tạo đô thị sinh thái bằng “đòn bẩy” khoa học. Theo đó, cần xác định một nhiệm vụ xây dựng cơ sở khoa học và lộ trình thực hiện để Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, thông minh và đáng sống. Đây là vấn đề khoa học liên ngành, mang tính hệ thống và rất cần khách quan nên cần quán triệt, chỉ đạo và giao nhiệm vụ, giám sát một cách tường minh.

Để có một đô thị sinh thái đúng nghĩa, cần phải có sự cùng tham gia của toàn thành phố và các bên liên quan trong và ngoài nước để cùng hiểu, cùng làm, đây cũng chính là mấu chốt của tư duy sinh thái. Thành phố Đà Nẵng phải duy trì phát triển đa dạng các ngành khoa học, tôn trọng khoa học và thậm chí cần có chính sách hỗ trợ một số ngành để bảo đảm duy trì bền vững.

Ths. Võ Văn Toàn, Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Kỹ Việt:

Sớm triển khai quy hoạch chi tiết để phát triển đột phá

Trong điều chỉnh Quy hoạch chung có nêu mục tiêu Đà Nẵng hướng tới là trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế, thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên. Dự báo dân số Đà Nẵng đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người, diện tích xây dựng đô thị khoảng 31.836 ha, chiếm hơn 32,31% diện tích đất trên đất liền của thành phố. 

Theo tôi, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, cần thiết phải xây dựng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết có tính đột phá, đủ sức kiến tạo cho phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Theo đó, để cụ thể hóa điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 rất cần sự đóng góp trí tuệ của các tổ chức, cá nhân và đúc kết kinh nghiệm thực tiễn nhất là quy hoạch sử dụng đất, khai thác quỹ đất sao cho hợp lý, không chồng chéo, không vướng mắc, đặc biệt xử lý các vướng mắc tại các nội dung đồ án quy hoạch cũ.

KHÁNH HÒA - HOÀNG HIỆP - THÀNH LÂN (ghi)

;
;
.
.
.
.
.