Ngày 15-3-2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm hướng đến mục tiêu “xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á”. Đây là dấu mốc rất quan trọng, tạo bàn đạp để Đà Nẵng vươn mình phát triển đột phá và bền vững trong những giai đoạn tới.
Thành phố ưu tiên phát triển công nghệ cao là ngành kinh tế tạo động lực tăng trưởng. TRONG ẢNH: Sản xuất ở Nhà máy nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT- Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN |
Định vị một đô thị đặc biệt
Trước khi phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 1-3-2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với Hội đồng thẩm định quốc gia và đánh giá tầm quan trọng của dự án phát triển đô thị Đà Nẵng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chính quyền thành phố trong quá trình lập quy hoạch đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan tư vấn và “tôn trọng ý kiến người dân thành phố mà đại diện là HĐND cũng như các tổ chức kinh tế-xã hội chuyên ngành với thái độ nghiêm túc”.
Cho rằng đồ án điều chỉnh quy hoạch bảo đảm tính kế thừa và định hướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rõ thêm: “Bây giờ là đô thị loại 1 nhưng tương lai không xa Đà Nẵng sẽ là thành phố loại đặc biệt của Việt Nam. Thành ủy, HĐND, UBND và người dân thành phố phấn đấu theo hướng đó để đưa Đà Nẵng lên tầm cao mới, cả chất lượng và quy mô phát triển”.
Quy hoạch đã xác định Đà Nẵng là thành phố du lịch, dịch vụ mũi nhọn, trung tâm của kinh tế biển Việt Nam; cơ bản khắc phục các bất cập của quy hoạch hiện nay và đặc biệt chú trọng phát triển xanh, bảo vệ môi trường sống cho người dân. Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung được phê duyệt, thành phố Đà Nẵng được định hướng xây dựng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, mang tầm khu vực; phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại khu vực miền Trung.
Trong đó, lấy Đà Nẵng là trung tâm logistics với hệ thống cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ quốc gia giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế. Bên cạnh hướng tới là đô thị loại đặc biệt, Đà Nẵng cũng xác định tầm nhìn dài hạn trở thành thành phố quốc tế.
Cấu trúc cảnh quan Đà Nẵng bao gồm 3 vùng đô thị đặc trưng, vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và một vùng sinh thái. Thành phố Đà Nẵng sẽ chuyển đổi mô hình phát triển dàn trải, sử dụng đất đơn năng (làng đại học, khu công nghiệp...), phát triển đơn cực (chủ yếu là Hải Châu - Thanh Khê) lâu nay theo hướng đô thị nén, sử dụng đất đa năng với các khu đô thị đại học, công nghệ cao, sân bay, cảng biển...; sử dụng đất hỗn hợp và phát triển đa cực, đa trung tâm. Quy hoạch cũng xác định rõ vị trí, vai trò của Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của chuỗi đô thị Huế - Đà Nẵng - Chu Lai - Kỳ Hà - Dung Quất (Vạn Tường) - Quy Nhơn; hình thành vùng đô thị Đà Nẵng, bao gồm Chân Mây (Lăng Cô) - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An.
Về tầm nhìn phát triển, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, bản sắc, bền vững với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao.
Đà Nẵng sẽ là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên… Định vị chiến lược thúc đẩy sự phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 gồm: Đà Nẵng là một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, cổng vào của hành lang kinh tế Đông - Tây, tham gia mạng lưới thành phố thông minh ASEAN, điểm đến phong cách sống toàn cầu, trung tâm du lịch, dịch vụ và kinh tế biển.
Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa đô thị Đà Nẵng phát triển sang hình thái đô thị lớn. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Kích hoạt nhiều dự án đầu tư quy mô lớn có tính chất động lực
Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung, giai đoạn 2020-2025, Đà Nẵng cần hơn 232.000 tỷ đồng đầu tư; giai đoạn 2025-2030, thành phố cần thêm vốn đầu tư hơn 63.000 tỷ đồng. Tổng cộng, cần có 295.000 tỷ đồng để hiện thực hóa Quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030.
Từ nguồn vốn này, Đà Nẵng sẽ tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án trọng điểm gồm: dự án Tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí tổng hợp; Công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía đông nam đài tưởng niệm; Khu sân golf VinaCapital Đà Nẵng; Khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; Công viên chuyên đề phía nam bán đảo Sơn Trà; Quần thể du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ, Khu du lịch Bà Nà Hills; Khu du lịch nghỉ dưỡng tổng hợp Làng Vân; Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula.
Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung phát triển công nghệ cao với quy mô diện tích đất khoảng 1.710ha, gồm: Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và Khu Công nghệ cao mở rộng; Khu Công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2; Khu công viên phần mềm số 1, số 2, số 3. Đồng thời, hình thành Cụm đổi mới sáng tạo tại phía nam thành phố gắn liền với Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, Trung tâm đổi mới sáng tạo và công viên phần mềm.
Theo Quy hoạch chung đã được phê duyệt, Đà Nẵng sẽ triển khai xây dựng nhiều dự án giao thông lớn. Cụ thể, tiếp tục nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách mỗi năm, cấp 4E, là cảng hàng không cửa ngõ quốc tế, quy mô diện tích đất dự kiến khoảng 856ha.
Trong khu vực trung tâm thành phố, quy hoạch tuyến đường Lê Duẩn kết nối với tuyến đường Đống Đa tạo tuyến trục liên thông từ tuyến đường Điện Biên Phủ đến tuyến đường 3 Tháng 2; quy hoạch tuyến đường Hoàng Hoa Thám thông ra tuyến đường Nguyễn Tất Thành (xuyên qua khu vực ga đường sắt hiện trạng) để tạo thành tuyến trục liên thông chính từ Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đình Lý - Hoàng Hoa Thám - Nguyễn Tất Thành, nhằm giảm tải cho các tuyến đường lân cận. Quy hoạch và xây dựng công trình hầm qua sông kết nối từ khu vực đường Đống Đa - Trần Phú sang đường Vân Đồn - Trần Hưng Đạo; cầu đường bộ nối đường 29 Tháng 3, quận Cẩm Lệ với tuyến đường Bùi Tá Hán, quận Ngũ Hành Sơn...
Theo Luật Quy hoạch đô thị, đô thị cả nước được phân thành sáu loại gồm: đặc biệt, loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 5. Việc phân loại theo các tiêu chí cơ bản: vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đô thị; quy mô dân số; mật độ dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện tại, Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được Chính phủ xếp loại đô thị đặc biệt, ba thành phố trực thuộc Trung ương khác là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ là đô thị loại 1. |
TRIỆU TÙNG