Những năm gần đây, các giống hoa vốn không phải bản địa Đà Nẵng như cúc họa mi, lan Mokara đã được Trung tâm Công nghệ sinh học (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) ươm trồng thành công, bước đầu đem lại hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh của thành phố.
Ông Phan Tiến Dũng, Trạm trưởng trạm Thực nghiệm và Dịch vụ khoa học công nghệ chăm sóc cho vườn lan Mokara. Ảnh: P.LAN |
Những ngày đầu tháng 3, vườn lan Mokara ở Trung tâm Công nghệ sinh học thắm tươi sắc đỏ của những nhành lan đang vươn mình khoe sắc. Ông Phan Tiến Dũng, Trạm trưởng trạm Thực nghiệm và Dịch vụ khoa học công nghệ (thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học) cho biết, đợt hoa này vừa được phục hồi sau mùa mưa bão vào cuối năm ngoái. Sau gần 6 tháng ươm trồng, cây đã ra lứa hoa đầu, còn gọi là hoa bói.
Ông Dũng nói: “Ươm trồng lan Mokara là một trong những nhiệm vụ thường xuyên Trung tâm Công nghệ sinh học. Mokara là giống lan lai từ 3 “bố mẹ”, có nhiều đặc tính nổi trội như dạng hoa và màu sắc đẹp, tăng trưởng nhanh… Giống hoa này có nhiều ở vùng nhiệt đới như Thái Lan, Singapore. Tuy vậy, phần lớn lan Mokara về Việt Nam theo phương pháp cắt cành, khó bảo đảm chất lượng và độ đồng đều của thành phẩm”.
Xác định đây là một giống lan có tiềm năng kinh tế, năm 2016, Trung tâm Công nghệ sinh học bắt đầu phát triển phương pháp nhân giống lan Mokara. Trải qua nhiều lần khảo sát, thử nghiệm, đến năm 2019, Trung tâm đã xác định được môi trường, phương pháp phù hợp để nhân giống loài hoa này, bắt đầu thử nghiệm trồng thương phẩm. Sau 6 tháng, gần 100% cây tiếp tục sống, 70-80% cây ra hoa.
Theo ông Dũng, lợi thế của Đà Nẵng là có số ngày nắng nhiều, phù hợp với điều kiện sinh trưởng của lan Mokara. Trong điều kiện này, mỗi năm lan Mokara có thể ra hoa từ 4 đến 6 đợt. Hiện Trung tâm Công nghệ sinh học đã xây dựng một số mô hình về khai thác tiềm năng kinh tế từ lan Mokara ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Ông Dũng cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục làm chủ quy trình công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao cho bà con nông dân.
Cuối năm 2019, mùa cúc họa mi đầu tiên ở Đà Nẵng đã thu hút sự chú ý của nhiều người dân và khách du lịch. Với sự phối hợp của ông Nguyễn Quyết, Trưởng phòng Khoa học ứng dụng (thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học) và ông Tường Thế Hợi, nông dân trồng cúc lâu năm, loài hoa tưởng chừng chỉ có ở miền Bắc đã có mặt tại Đà Nẵng.
Với giống hoa từ làng hoa Tây Tựu (Hà Nội), tháng 9-2019, ông Quyết và ông Hợi tiến hành gieo trồng khoảng 9.000 cây giống cúc họa mi trắng trên tổng diện tích 300m2. Kết quả, tỷ lệ cây sống hơn 80%, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, thời tiết Đà Nẵng khá nắng nóng khiến chiều cao sinh trưởng của cây chỉ khoảng 40-50cm, ngắn hơn cúc họa mi trồng ở Hà Nội, Hưng Yên…
Đầu tháng 3 năm nay, mùa cúc họa mi ở Đà Nẵng lại một lần nữa lại thu hút khá nhiều người thưởng thức qua những bức ảnh chụp trên mạng xã hội và báo điện tử. Nhờ vậy, hình ảnh của thành phố được du khách và bạn bè gần xa biết đến nhiều hơn. Đến vườn cúc họa mi tại Trung tâm Công nghệ sinh học vào một ngày đầu tháng 3, chị Nguyễn Thị Kim Phúc (du khách từ Quảng Nam) chia sẻ, chị biết đến mô hình cúc họa mi ở Đà Nẵng từ hai năm trước, song đến đầu năm nay mới có dịp đến thăm.
Chị nói: “Cứ nghĩ phải ra Hà Nội mới có thể chụp ảnh cùng cúc họa mi, không ngờ ở ngay gần nơi mình ở cũng có một vườn cúc đẹp không thua kém. Sau khi mình đăng hình lên mạng xã hội, nhiều bạn bè cũng đã nhắn hỏi địa điểm và rất ngạc nhiên khi biết là ở Đà Nẵng. Đặc biệt hơn nữa là cúc lại nở vào khoảng đầu tháng 3, trong khi mọi người vẫn “mặc định” là chỉ có thể chụp ảnh cùng cúc họa mi vào dịp cuối năm. Mình mong mô hình này sẽ được nhân rộng, qua các năm cây sẽ càng thêm đẹp, sẽ trở thành một điểm nhấn du lịch cho Đà Nẵng”.
Ông Nguyễn Quyết cho biết, sau một năm, Trung tâm Công nghệ sinh học đã hoàn tất quy trình tự sản xuất giống cúc họa mi bằng công nghệ tế bào thực vật, bước đầu thích nghi với điều kiện khí hậu của thành phố. Dù được trồng trái mùa, song do chủ động chất lượng giống, cũng như áp dụng kỹ thuật cải thiện, 20.000 cây cúc họa mi năm nay vẫn đạt tiêu chuẩn, hình thái cây đẹp, thân cây cao hơn vụ trước gần 20cm.
Bên cạnh đó, cúc họa mi “made in Đà Nẵng” đã có thể được đưa từ luống vào chậu với chế độ chăm sóc, theo dõi chặt chẽ hơn, giúp thuận lợi trong việc di chuyển, tạo hình trang trí. Ông Quyết nói: “Sắp tới, cúc họa mi sẽ được chuyển giao theo nhu cầu cho bà con nông dân và các cơ quan, đơn vị…, vừa có thể bán làm thương phẩm, vừa tạo dấu ấn riêng phục vụ du lịch”.
PHONG LAN