Nhiều kỳ vọng hiện thực hóa đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

.

LTS: Ngày 15-3-2021, Chính phủ ký ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện thành phố trong giai đoạn mới. Báo Đà Nẵng ghi nhận những ý kiến kỳ vọng về hiện thực hóa đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần này.

Quy hoạch chung xây dựng nhiều dự án đầu tư phát triển sẽ thu hút nguồn lực từ xã hội để hiện thực hóa đồ án. TRONG ẢNH: Khu vực phía nam quận Ngũ Hành Sơn thuộc vành đai phía nam là vành đai “Đổi mới, sáng tạo và nông nghiệp công nghệ cao”. Đây là 1 trong 3 vành đai kinh tế của thành phố. 			             Ảnh: TRIỆU TÙNG
Quy hoạch chung xây dựng nhiều dự án đầu tư phát triển sẽ thu hút nguồn lực từ xã hội để hiện thực hóa đồ án. TRONG ẢNH: Khu vực phía nam quận Ngũ Hành Sơn thuộc vành đai phía nam là vành đai “Đổi mới, sáng tạo và nông nghiệp công nghệ cao”. Đây là 1 trong 3 vành đai kinh tế của thành phố. Ảnh: TRIỆU TÙNG

* Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng:

Thu hút vốn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước để làm động lực, nguồn lực phát triển lâu dài

Việc Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là cú hích quan trọng đối với thành phố trong giai đoạn phát triển mới. Đây là “bảo chứng” cho việc định hướng không gian phát triển đô thị, định lượng thời gian phát triển; tiếp tục định vị trực tiếp vai trò của thành phố Đà Nẵng đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Quy hoạch chung phát triển Đà Nẵng ngoài cơ cấu, lĩnh vực kinh tế ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin... gắn với việc hình thành đô thị thông minh, sáng tạo và hình thành các trung tâm: tài chính, thương mại, dịch vụ... được xem là sự tích hợp giữa các ngành, lĩnh vực mà Đà Nẵng có lợi thế so sánh, tạo hệ sinh thái cộng hưởng, động lực phát triển lâu dài giữa cơ cấu ngành, nghề, lĩnh vực kinh tế của thành phố. Đây cũng được xem như tiền đề tốt để thu hút cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư ở trong và ngoài nước góp phần hiện thực hóa quy hoạch phát triển của thành phố trong thời gian tới.

Để có nguồn lực hiện thực hóa quy hoạch chung của thành phố, theo tôi ngoài việc tập trung nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để thực hiện chiến lược này thì việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh với chất lượng, chuẩn mực cao hơn, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách hấp dẫn, phù hợp để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân ở trong, ngoài nước tham gia đầu tư cần được xem là ưu tiên của thành phố trong thời gian đến. Vốn ngân sách Nhà nước cần được xem là “vốn mồi”, vốn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước cần được xem là động lực, nguồn lực phát triển lâu dài của thành phố. Tiêu chí gia tăng tỷ lệ vốn đầu tư từ tư nhân trên vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong từng năm, từng giai đoạn cần được quan tâm chú trọng và cần được xem đây là kết quả, hiệu quả của trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản trị của hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước của thành phố trong thời gian đến.

* Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng:

Mở ra hướng phát triển dài hạn cho thành phố

Việc Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 là khung pháp lý cao nhất để định hướng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Chính phủ đã mở ra cho thành phố hướng phát triển dài hạn và theo những đặc điểm riêng có. Đây là điều mà cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn vì vừa bảo đảm tầm nhìn dài hạn, không chệch hướng khỏi những định hướng mà Chính phủ đã phê duyệt mà vẫn linh hoạt khi môi trường thay đổi có những nhân tố mới cần điều chỉnh cho phù hợp hơn. Quy hoạch này là tiền đề để thành phố xây dựng các chính sách phát triển tiếp theo, từ đó có thể quy hoạch, phân bố lại dân cư, quy hoạch tài nguyên, kêu gọi đầu tư, phát triển cho cân đối tất cả các ngành, lĩnh vực.

Việc điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố cũng là cơ hội để phát triển ngành du lịch địa phương. Thành phố cần nhanh chóng triển khai thông tin này tới những người làm chính sách, các bộ phận liên quan để quy hoạch triển khai thực sự hiệu quả. Bản thân các doanh nghiệp địa phương, người dân địa phương, những nhà đầu tư từ nơi khác cũng cần biết quy hoạch thành phố sẽ triển khai như thế nào. Từ đó mới có thể thực hiện các giải pháp tiếp theo. Cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư rất hào hứng, mong chờ cũng như rất kỳ vọng vào quy hoạch chung của thành phố. Hiệp hội Du lịch cũng có tham vấn thành phố phải sớm hình thành các trung tâm du lịch, phát triển thêm về hướng tây bắc, đông bắc và hướng tây nam. Đồng thời làm thêm các cụm sản phẩm xung quanh các vùng lõi, hình thành các cụm trung tâm du lịch gắn với tài nguyên đặc sắc như phía tây gắn với Bà Nà-Núi Chúa, phía đông gắn với Sơn Trà, phía bắc gắn với Hải Vân và phía nam gắn với Ngũ Hành Sơn… Hiện  nay, quy hoạch đang gần như bám theo hướng này, đây cũng là hướng phát triển du lịch chiến lược của thành phố, phát triển các sản phẩm cân đối hơn tại các địa phương và khai thác được các dư địa hiện có.

Qua triển khai Quy hoạch chung sẽ thu thút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Trong ảnh: Doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng, dự án khu đô thị mới Gonden Hills đem lại sự phát triển chung. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Qua triển khai Quy hoạch chung sẽ thu thút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. TRONG ẢNH: Doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng, dự án khu đô thị mới Gonden Hills đem lại sự phát triển chung. Ảnh: TRIỆU TÙNG

* TS Lê Hùng, giảng viên Trường Đại học Bách khoa, (Đại học Đà Nẵng):

Quy hoạch cấp nước hợp lý

Theo Quyết định số 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tổng nhu cầu sử dụng nước của thành phố là 800.000m3/ngày đêm. Nguồn nước từ chuỗi sông Yên - Cầu Đỏ; sông Quá Giáng; sông Cu Đê; suối Đá, suối Tình, suối Lương; hồ Hòa Trung và hồ chứa Sông Bắc. Đó là về mặt quy hoạch còn đối với việc triển khai thực hiện, theo tôi, để đáp ứng cấp nước đến năm 2030, thành phố cần triển khai thi công thêm một tuyến đường ống D.1200 (đường kính ống 1,2m) để nâng cao công suất truyền dẫn nước thô từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ lên 420.000m3/ngày đêm; xây dựng trạm bơm và nhà máy xử lý nước tại hệ thống đập dâng Hà Thanh - Bàu Nít (thượng lưu sông Quá Giáng) với công suất 120.000m3/ngày đêm; xây dựng hồ chứa bảo đảm khai thác nước với công suất 120.000m3/ngày đêm trên lưu vực sông Cu Đê. Để đáp ứng cấp nước đến năm 2045, cần triển khai nâng cấp trạm bơm và nhà máy xử lý nước tại hệ thống đập dâng Hà Thanh - Bàu Nít lên công suất cấp nước 420.000m3/ngày đêm; nâng cấp hồ chứa trên lưu vực sông Cu Đê lên 420.000m3/ngày đêm (xây dựng hồ chứa Sông Bắc có dung tích từ 50-90 triệu m3 nước).

Trước mắt, thành phố cần kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống đập dâng An Trạch linh hoạt hơn, làm cơ sở để điều chỉnh quy trình liên hồ trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong tương lai, nhằm tận dụng tốt hơn nguồn nước xả từ các hồ thủy điện về (hiện đã thay đổi thời gian phát điện do ảnh hưởng của năng lượng mặt trời). Cạnh đó, cần kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xem xét xây dựng đập cứng có cao trình 3,2m tại cửa sông Quảng Huế...

HOÀNG LINH - THU HÀ - HOÀNG HIỆP ghi

;
;
.
.
.
.
.