Chuẩn bị nhân lực cho ngành du lịch trong giai đoạn mới

.

Khi du lịch phục hồi, nỗi lo của các doanh nghiệp là không đủ nhân lực phục vụ khách hoặc chất lượng, tay nghề của người lao động giảm sút do nghỉ lâu ngày. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp, những người làm du lịch cần có phương án về nhân lực khi hoạt động du lịch khởi sắc trở lại.

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo lắng sẽ thiếu nhân lực khi khách đông trở lại. TRONG ẢNH: Sự kiện họp báo Miền di sản diệu kỳ do Sở Du lịch tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Naman Retreat (quận Ngũ Hành Sơn) vào cuối tháng 3-2021. 	                  Ảnh: HÀ KHUÊ
Nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo lắng sẽ thiếu nhân lực khi khách đông trở lại. TRONG ẢNH: Sự kiện họp báo Miền di sản diệu kỳ do Sở Du lịch tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Naman Retreat (quận Ngũ Hành Sơn) vào cuối tháng 3-2021. Ảnh: HÀ KHUÊ

Cuối năm 2019, khi du lịch còn ở thời điểm cao điểm về lượng khách, qua thống kê của Sở Du lịch, nguồn nhân lực làm việc trong ngành du lịch khoảng gần 50.000 người, trong đó khoảng 19,2% lao động trong lĩnh vực vận chuyển; 61,3% lao động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ bổ sung khác khoảng 19,5% lao động.

Tuy nhiên, dịch bệnh khiến khoảng 80% lao động ngành du lịch nghỉ việc hoặc chuyển sang công việc khác. Đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 618/1.231 cơ sở lưu trú trên địa bàn mở cửa hoạt động trở lại nhưng do nguồn khách vẫn còn ít nên doanh nghiệp chưa sử dụng nhiều lao động.

Ông Nguyễn Huỳnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH TM&DV tổng hợp Cường Huỳnh chia sẻ, dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề. Không có khách nên hàng trăm, hàng ngàn xe của các đơn vị vận chuyển khách bỏ không. Nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc.

“Doanh nghiệp chúng tôi cũng rất hiểu việc cần phải giữ chân người lao động nhưng nếu giữ lại thì không có tiền để chi trả do không có nguồn thu. Vì thế, doanh nghiệp rất mong các cơ quan chức năng có phương án để hỗ trợ cho những lao động này. Nếu không có giải pháp, lo rằng về lâu dài các lao động lành nghề sẽ chuyển sang nghề khác để kiếm sống, lúc cao điểm khách du lịch trở lại thì không có nhân lực”, ông Cường bày tỏ.

Đồng quan điểm, những người làm du lịch cũng cho rằng, khi thị trường du lịch “ấm” trở lại thì việc chuẩn bị lao động, nhất là những lao động lành nghề rất cần thiết. Mục tiêu của ngành du lịch thành phố là hướng tới du lịch chất lượng cao.

Muốn vậy phải có yếu tố con người, trong đó, lao động có tay nghề đóng vai trò rất quan trọng. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP du lịch Việt Nam Vitours Lê Tấn Thanh Tùng phân tích, nguồn nhân lực du lịch đang là vấn đề lớn của du lịch Đà Nẵng hiện nay.

Khi khách đến nhiều sẽ cần số lượng lao động lớn, lao động có tay nghề nhưng hiện nay dịch bệnh đã khiến nhiều lao động trong lĩnh vực du lịch một phần đã chuyển sang làm nghề khác. Khi hết dịch, công việc mới ổn định, có nguồn thu thì họ khó quay lại nghề dịch vụ. Một số lao động khác lại bày tỏ sự lo lắng bị “lụt” nghề, tâm lý không tự tin với tay nghề của mình sau thời gian nghỉ việc quá lâu.

Vì vậy, ngành du lịch nên rà soát lại số lao động hiện nay, giúp họ tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Song song đó, ngành nên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn dành cho lao động trong ngành để sớm có sự chuẩn bị đón khách quay lại.

Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, thời gian tới, sở sẽ đi kiểm tra, khảo sát các cơ sở lưu trú và rà soát lại cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nắm bắt tình hình thực tế để có các giải pháp cụ thể như hỗ trợ về đào tạo kỹ năng cho các lao động chủ chốt.

Một trong những nét mới trong hoạt động đào tạo, tập huấn là sẽ mở các lớp đào tạo, tập huấn theo chuyên đề và ghi hình buổi tập huấn, sau đó gửi video cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp tự sắp xếp đào tạo, tập huấn lại cho đội ngũ lao động. Cách làm này sẽ thuận tiện hơn, giúp doanh nghiệp chủ động đào tạo lao động ngay tại cơ sở khi có thời gian phù hợp.

HÀ KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.