Thực hiện chủ đề “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”, trong quý 1-2021, Thành ủy, UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, sát với thực tiễn để từng bước lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trên các nhóm lĩnh vực. Việc thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư hiệu quả giúp bức tranh kinh tế thành phố có những tín hiệu tươi sáng.
Tàu container lớn đang bốc dỡ hàng tại cảng Tiên Sa. ĐỒ HỌA: Kết quả phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố 3 tháng đầu năm 2021. Ảnh: PHƯƠNG MINH, Đồ họa: MAI ANH |
Xuất khẩu tăng, du lịch, dịch vụ có tín hiệu phục hồi
Kinh tế Đà Nẵng trong quý 1-2021 có nhiều khởi sắc, tạo đà cho sự phục hồi và tăng trưởng trong những quý tiếp theo, trong đó đáng chú ý là hoạt động xuất nhập khẩu tăng, nhiều dự án đầu tư mới vào thành phố...
Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố, điểm sáng trong những tháng đầu năm nay là hoạt động xuất, nhập khẩu với tổng kim ngạch ước đạt 666,6 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 357 triệu USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 309,5 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với hoạt động sản xuất công nghiệp, dù vẫn còn nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước chưa phục hồi nhưng một số ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chủ lực vẫn đạt mức tăng trưởng khá (chế biến gỗ, sản xuất phương tiện vận tải...).
Trong lĩnh vực dịch vụ, hoạt động du lịch, vận tải hành khách vẫn còn nhiều khó khăn song hoạt động vận tải hàng hóa có nhiều chuyển biến tích cực, ước tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp kích cầu, tăng cường và đổi mới các sản phẩm du lịch. Nhờ vậy, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 16.200 tỷ đồng, tăng gần 17%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối tháng 3, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hơn 6.000 tỷ đồng, đạt gần 28,5% dự toán Trung ương giao. Trong đó, thu nội địa tăng gần 8%, thu xuất nhập khẩu tăng gần 40% so với số thực hiện dự toán cùng kỳ năm ngoái.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, trong 3 tháng đầu năm, Đà Nẵng đã thành lập 2 tổ công tác liên ngành nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, quy hoạch, tài chính và các vấn đề liên quan khác đối với các dự án, khu đất trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Thường trực Thành ủy đã rất quyết liệt trong kiểm tra thực tế và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm như: bãi rác Khánh Sơn, tuyến đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh, nhà máy nước Hòa Liên, cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý...), tập trung hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công các dự án chào mừng 46 năm ngày Giải phóng thành phố.
Tổng giá trị giải ngân ước đạt 984/hơn 9.800 tỷ đồng, bằng 10% kế hoạch thành phố. Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua nhiều định hướng, cơ chế, chính sách quan trọng, nhất là Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo nền tảng, định hướng, cơ sở pháp lý cho Đà Nẵng phát triển trong thời gian đến.
Nhiều chỉ số kinh tế của thành phố khởi sắc trong quý 1-2021. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH ICT Vina (Khu Công nghệ cao, xã Hòa Liên). Ảnh: M.QUẾ |
Triển khai nhiều giải pháp mới
Ông Phạm Đình Thành Hoàng, Trưởng phòng Doanh nghiệp - Kinh tế tập thể và tư nhân (Sở Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, việc Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia làm ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án của các nhà đầu tư. Để chuẩn bị cho công tác thu hút đầu tư trong thời gian đến, Đà Nẵng đã và đang đẩy mạnh xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến đất đai, tài chính.
Đồng thời, trên cơ sở Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố đang khẩn trương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho các dự án trọng điểm, ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư. Đà Nẵng cũng đang tập trung xây dựng hạ tầng, tạo quỹ đất sạch, sẵn sàng cung ứng thu hút nhà đầu tư vào 3 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án Công viên phần mềm số 2, Trung tâm chuyển đổi số tại Hòa Xuân; triển khai giai đoạn 2 dự án thí điểm mô hình chuyển đổi Khu công nghiệp Hòa Khánh thành khu công nghiệp sinh thái.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản cho biết, vừa qua, Đà Nẵng đã có điều chỉnh giảm giá đất thương mại dịch vụ (từ 80% xuống còn 70%) và đất sản xuất kinh doanh (từ 60% xuống còn 50%). Điều này hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn này, đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư.
Có thể thấy, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản xuất, kinh doanh, trong khi vẫn nộp tiền thuê đất định kỳ, nên chính sách giảm giá đất của thành phố đã đáp ứng được nguyện vọng của doanh nghiệp. Việc giảm giá đất chứng tỏ sự quyết tâm đồng hành của chính quyền Đà Nẵng với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Trần Văn Vũ thông tin thêm, trên cơ sở số liệu tình hình kinh tế thành phố quý 1, Cục Thống kê đề xuất một số giải pháp như: đẩy mạnh việc khôi phục du lịch bằng các chương trình kích cầu, phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao năng lực chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Qua đó, tiếp tục triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, động lực trong lĩnh vực công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đà Nẵng với các tỉnh, thành phố khác, có kế hoạch dự trữ hàng hóa nhằm bình ổn giá cả thị trường.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phụng nhìn nhận, trên cơ sở số thu trong 3 tháng đầu năm, có thể đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh trên địa bàn nhìn chung từng bước dần được phục hồi, thu ngân sách Nhà nước bảo đảm tiến độ so với dự toán giao.
Tuy nhiên, sự phục hồi của kinh tế thành phố còn chưa đồng đều, một số lĩnh vực ngành, nghề tiếp tục bị tác động do Covid-19, nhất là nhiều ngành dịch vụ chưa đầu tư để hoạt động sau dịch. Vì vậy, việc triển khai các giải pháp để thu ngân sách hiệu quả trong các tháng còn lại của năm 2021 rất quan trọng.
Sở Tài chính sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan tài chính trên địa bàn để có kế hoạch thu ngân sách cho các tháng tiếp theo của năm 2021, phấn đấu hoàn thành số thu ngân sách để bảo đảm nguồn chi khi phải thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách phát sinh.
Theo Báo cáo số 44-BC/TU ngày 8-4-2021 của Thành ủy về tình hình công tác quý 1 và nhiệm vụ trọng tâm quý 2-2021, giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chủ đề “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”. Cụ thể, sẽ ban hành và triển khai hiệu quả Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đa dạng hóa và tổ chức tốt các hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư, tổ chức Diễn đàn đầu tư năm 2021 theo hình thức phù hợp. |
Ba tháng đầu năm 2021, thành phố đã cấp mới 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 146,1 triệu USD, có 5 lượt dự án tăng vốn thêm gần 9,4 triệu USD; cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 394 tỷ đồng. Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, trong quý 1-2021 đã có 776 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tuy giảm về số doanh nghiệp nhưng tăng hơn 23% số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. |
PHONG LAN - MAI QUẾ