Xây dựng sản phẩm OCOP

.

Sau hơn 3 tháng được UBND thành phố công nhận 18 sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nhiều hợp tác xã (HTX) đang tích cực phát triển, nâng cấp sản phẩm để được đánh giá, phân hạng OCOP.

Những sản phẩm tốt, đặc trưng, đặc sản, có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP đang được người tiêu dùng đón nhận. TRONG ẢNH: Người dân tìm hiểu các sản phẩm OCOP được trưng bày tại Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1, huyện Hòa Vang.			                Ảnh: NAM TRÂN
Những sản phẩm tốt, đặc trưng, đặc sản, có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP đang được người tiêu dùng đón nhận. TRONG ẢNH: Người dân tìm hiểu các sản phẩm OCOP được trưng bày tại Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1, huyện Hòa Vang. Ảnh: NAM TRÂN

Đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cấp sản phẩm

Sử dụng 100% cá cơm than được thu mua trực tiếp từ các ngư dân đánh bắt ven biển rồi ngâm ủ theo phương thức thủ công truyền thống của làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), sau đó chắt lọc và đóng chai, sản phẩm mắm nhĩ Bình Minh của HTX Mắm Bình Minh (phường Hòa Hiệp Nam) có hương vị thơm ngon, đậm đà với 40% độ đạm.

Sau hơn 3 tháng được UBND thành phố công nhận, phân hạng OCOP 4 sao, sản phẩm này được biết đến và tiêu thụ nhiều hơn. Giám đốc HTX Mắm Bình Minh Nguyễn Việt Dũng cho biết: “HTX đang tiến hành đầu tư mở rộng để nâng sản lượng sản phẩm mắm nhĩ Bình Minh. Sắp đến chúng tôi sẽ bổ sung, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là đầu tư thêm một số trang thiết bị, nhãn mác...”.

Cũng được thành phố công nhận, phân hạng OCOP 4 sao, sản phẩm tảo xoắn nguyên chất sấy lạnh của HTX Công nghệ cao Mặt trời Việt (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) đến nay có thêm nhiều kênh tiêu thụ. HTX đã có kế hoạch nâng cấp sản phẩm, đặc biệt là chuẩn bị hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao.

Giám đốc HTX Công nghệ cao Mặt trời Việt Đinh Nguyễn Hoàng Thư thông tin: “Chúng tôi đang làm bao bì mới có gắn logo OCOP 4 sao cho sản phẩm đã được công nhận và làm hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng 5 sao. Đồng thời, làm hồ sơ trình thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đối với bánh quy tảo xoắn”.

Tương tự, sản phẩm rau ăn lá của HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) và cao nấm linh chi của HTX Nấm Nhơn Phước (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cũng được tiêu thụ tốt hơn sau khi UBND thành phố công nhận, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Hai đơn vị này đã và đang tiến hành các giải pháp để nâng cấp, chuẩn hóa sản phẩm, nâng cao sản lượng, tìm thêm các đối tác phân phối nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Hợp tác làm sản phẩm OCOP

3 tháng qua, HTX Thương mại dịch vụ An Hải Đông (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) đã chủ động phối hợp với các HTX khác giới thiệu, quảng bá, bày bán các sản phẩm OCOP với mong muốn tạo điều kiện cho các HTX thúc đẩy giao thương hàng hóa.

Mới đây, vào ngày 28-3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm tổ chức khai trương điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng và cung cấp dịch vụ nông nghiệp Đà Nẵng tại HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 (thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang).

Tại đây, bên cạnh các sản phẩm đã được công nhận OCOP, còn có gian trưng bày, giới thiệu 82 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của Đà Nẵng, trong đó có nhiều sản phẩm của các HTX như: gạo thơm, gạo hữu cơ, gạo lứt, nếp hương, nấm linh chi, rong biển...

Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 Nguyễn Sỹ phấn khởi nói: “Việc hình thành điểm giới thiệu, bày bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc sản, chủ lực của Đà Nẵng ngay tại HTX tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên HTX cũng như các HTX trao đổi, chia sẻ thông tin để làm sản phẩm tốt hơn và quyết tâm làm sản phẩm được công nhận OCOP”.

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố cho rằng: “Điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 là nơi để tư vấn, chia sẻ, hỗ trợ cho các chủ thể làm sản phẩm OCOP.

Thời gian đến, các ngành, địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng nhiều điểm giới thiệu, bày bán sản phẩm và tư vấn để lan tỏa việc làm sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc sản, chủ lực của Đà Nẵng”.

Theo Liên minh HTX thành phố, trong năm 2021, ngoài việc hỗ trợ các HTX làm sản phẩm OCOP, đơn vị phấn đấu hỗ trợ ít nhất 30 lượt HTX tham gia quảng bá, giới thiệu, bày bán sản phẩm tại các hội chợ và các sự kiện trong, ngoài thành phố. Đặc biệt, phấn đấu tổ chức 5 phiên chợ giới thiệu sản phẩm mới, sản phẩm OCOP của các HTX...

Vừa qua, UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2021, với mục tiêu tập trung hỗ trợ, phát triển các chủ thể kinh tế, ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chương trình.

Theo kế hoạch, năm 2021, thành phố sẽ đẩy mạnh xây dựng, nâng cấp các điểm, trung tâm bán hàng OCOP, tổ chức các hội chợ, phiên chợ OCOP để giới thiệu, quảng bá, liên kết tiêu thụ và bán sản phẩm OCOP của thành phố.

Đồng thời hỗ trợ, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng và có ít nhất 10-12 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên; phấn đấu có sản phẩm đạt từ 90 điểm trở lên để tham gia đánh giá cấp Trung ương để phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao...

UBND thành phố giao Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành liên quan thực hiện công tác kết nối, hỗ trợ các chủ thể OCOP trong việc chuẩn hóa, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu ra thị trường quốc tế và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP tại các địa phương trong, ngoài thành phố và quốc tế.

UBND các quận, huyện thường xuyên kiểm tra thực tế sản xuất, tư vấn, hướng dẫn chủ thể phát triển sản phẩm tuân thủ đúng các bước của chu trình OCOP; hướng dẫn các chủ thể OCOP đã được công nhận, phân hạng cấp thành phố thực hiện việc sử dụng, in logo sản phẩm OCOP được công nhận bảo đảm đúng quy định hiện hành...

NAM TRÂN

;
;
.
.
.
.
.