Mô hình nuôi thỏ và trồng nấm sinh lãi cao

.

Đang kinh doanh ổn định với mô hình nuôi thỏ giống và thỏ thương phẩm, ông Dương Văn Chính (41 tuổi, ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) tiếp tục tìm hiểu và sản xuất thêm nấm bào ngư (nấm sò). Hiện hai mô hình này giúp ông thu về mỗi năm khoảng 1,5 tỷ đồng.

Mô hình nuôi thỏ giúp ông Dương Văn Chính lãi mỗi năm 1,2 tỷ đồng.      						                   Ảnh: M.QUẾ
Mô hình nuôi thỏ giúp ông Dương Văn Chính lãi mỗi năm 1,2 tỷ đồng. Ảnh: M.QUẾ

Bắt đầu thử sức với nghề nuôi thỏ từ năm 2009, ông Dương Văn Chính gặp không ít khó khăn vì chưa có kinh nghiệm nuôi thỏ. Qua 2 năm học tập để cải tiến mô hình hiệu quả như lai tạo giống thỏ, tìm nguồn thức ăn ổn định, nắm vững kỹ thuật nuôi và tìm đầu ra cho sản phẩm, năm 2011, ông đầu tư nâng tổng đàn thỏ lên 250 con mẹ; đồng thời thành lập trại thỏ Quốc Cường ở thôn 5, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Từ năm 2012 đến 2017, trừ chi phí, ông Chính lãi 600 triệu đồng/năm nhờ nuôi thỏ.

Khi trại thỏ đã vận hành hiệu quả, năm 2017, ông Chính tìm thêm mô hình kinh tế khác để tăng nguồn thu. Nhận thấy mô hình trồng nấm bào ngư vào thời điểm đó chưa có nhiều người sản xuất với tiềm năng đem lại kinh tế cao, người nông dân này đã đầu tư 250 triệu đồng để xây dựng trại nấm, nhà xưởng gần với trại thỏ.

Thời gian đầu, việc trồng nấm khá khó khăn vì nấm thường xuyên bị mốc và côn trùng tấn công nên ông Chính lắp đặt hệ thống phun sương tự động nhằm giữ ẩm cho nhà xưởng, bên cạnh đó tưới nước đều để duy trì độ ẩm 80-85%. Môi trường sản xuất nấm phải sạch sẽ, thông thoáng, có màn che để tránh ruồi đẻ trứng và ăn tơ nấm.

Nguồn nấm giống được ông Chính mua với giá 20.000 đồng/kg. Ông Chính trồng hai loại nấm bào ngư tím và trắng. Mỗi bịch phôi nấm có trọng lượng khoảng 1kg, dùng trong khoảng 3 tháng và thu hái được 8 lần. Nguyên liệu tạo phôi nấm được trộn từ hỗn hợp gồm: mùn cưa, cám bắp, cám gạo và đóng bịch, ủ khoảng một tuần.

Sau đó, bịch phôi được đưa vào lò hấp, để nguội và cấy giống. Việc hấp ở nhiệt độ và thời gian thích hợp là yếu tố vô cùng quan trọng để nấm không bị mốc.

“Làm bịch phôi nấm bào ngư không khó nhưng quan trọng là phải tạo được bịch phôi có môi trường dinh dưỡng cao để nấm phát triển tốt, gia tăng năng suất. Tùy thời tiết mà chọn cấy giống ngắn ngày hoặc dài ngày để bảo đảm sản lượng nấm luôn ổn định. Ngoài ra, nên sử dụng mùn cưa cây cao su, để tạo nguồn dinh dưỡng dồi dào giúp nấm tăng trưởng mạnh”, ông Chính cho biết.

Sau 4 năm trồng nấm, ông Chính đã có 3 xưởng sản xuất gồm 2 xưởng để bán nấm thành phẩm và 1 xưởng để bán phôi nấm đều ở thôn 5, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Hiện mỗi năm ông trồng 240.000 bịch phôi nấm, cung cấp thị trường hơn 20 tấn nấm/năm.

Vào ngày thường, nấm bào ngư tím có giá khoảng 40.000 đồng/kg, ngày rằm và mồng 1 âm lịch, giá dao động 50.000-70.000 đồng/kg. Ngoài ra, ông Chính còn cung cấp bịch phôi nấm (6.000-10.000 đồng/bịch) các loại cho khách hàng như: nấm bào ngư trắng, bào ngư tím, nấm linh chi, nấm mèo đen... cho thị trường Đà Nẵng và Quảng Nam.

Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, ông Chính thu lãi khoảng 300 triệu đồng từ sản xuất nấm. Còn với trại thỏ, ông Chính đang có 6 chi nhánh ở Đà Nẵng và Quảng Nam với tổng đàn 1.200 con. Thỏ con qua 3 tháng nuôi đạt trọng lượng 2-2,2kg là có thể xuất bán với giá thịt hơi khoảng 85.000-90.000 đồng/kg và con giống có giá 170.000 đồng/kg.

Năm 2020 vừa qua, ông Chính đã xuất bán 30 tấn thỏ thịt cùng 10 tấn thỏ giống cho thị trường cả nước, sau khi trừ chi phí thì thu lãi khoảng 1,2 tỷ đồng.

Hai mô hình nuôi thỏ và trồng nấm giúp ông Chính thu về khoảng 1,5 tỷ đồng tiền lãi mỗi năm, cùng với đó là tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang Nguyễn Văn Vân cho biết, mô hình sản xuất và nuôi trồng của ông Chính không chỉ cung cấp thỏ và nấm giống mà còn nhiệt tình tư vấn kỹ thuật sản xuất, bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân trên địa bàn. Những nông dân hợp tác với ông Chính cũng đều có thu nhập ổn định, góp phần giúp kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.